Nổi loạn đập cửa kính, cậu bé suýt mất tay

TPO - Một cơn giận bộc phát tưởng chừng vô hại khiến cậu bé 13 tuổi mất hẳn chức năng tay phải. Các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn giữ lại cánh tay bị tổn thương đặc biệt nghiêm trọng cho bệnh nhân.
Ngày 24/5, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, tại đây vừa tiếp nhận bé trai H.H.C.C. (13 tuổi, ngụ tại Long An) trong tình trạng mất máu cấp do vết thương sâu vùng cổ tay phải. Theo gia đình, vì tức giận, bé đã dùng tay đập mạnh vào cửa kính khiến mảnh vỡ sắc nhọn cắt sâu vào tay, máu phun ồ ạt, khiến bé đau đớn và hoảng loạn.
![]() |
Vùng cổ tay của bệnh nhi bị kính sắc nhọn cắt nát, tổn thương nghiêm trọng |
Ngay khi nhập viện, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã khẩn trương sơ cứu cầm máu, đánh giá tổn thương. Theo bác sĩ Nguyễn Bảo Trung, khoa Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện, qua thăm khám ghi nhận, bệnh nhi mất hoàn toàn khả năng gấp duỗi cổ tay, mạch quay và mạch trụ không bắt được – dấu hiệu cho thấy nguy cơ đứt gân cơ, thần kinh và mạch máu quan trọng.
Trước tình huống nguy kịch, ekip điều trị nhanh chóng thực hiện xét nghiệm cấp cứu và chuyển phòng mổ ngay lập tức nhằm giữ lại chi thể. Ca mổ được thực hiện dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi phẫu.
Khi thám sát vết thương, các bác sĩ phát hiện động mạch trụ, động mạch quay, thần kinh trụ, thần kinh quay, thần kinh giữa cùng toàn bộ gân cơ gấp và sấp đã bị đứt hoàn toàn. Ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ với thứ tự ưu tiên là khâu nối mạch trụ đầu tiên – giúp khôi phục tuần hoàn bàn tay trong "khung giờ vàng" dưới 6 tiếng kể từ lúc chấn thương. Tiếp đó là nối toàn bộ thần kinh và gân cơ để phục hồi chức năng vận động tay.
![]() |
Các bác sĩ đã thực hiện vi phẫu nối lại các cấu trúc bị đứt cho bệnh nhi |
“Việc phân biệt và nối chính xác các cấu trúc vi thể trong điều kiện chảy máu và phù nề là một thử thách lớn. Nếu chậm trễ hoặc sơ sót, nguy cơ hoại tử, tàn phế là rất cao” - bác sĩ Trung cho biết. Sau nhiều giờ khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã thành công giữ lại cánh tay cho bệnh nhi. Theo dõi sau mổ cho thấy, máu tại vùng khâu nối lưu thông tốt. Bệnh nhi đang được tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động.
Từ ca bệnh trên, các bác sĩ cảnh báo, tổn thương do vật sắc nhọn như dao, kính, kim loại… đặc biệt ở vùng cổ tay – nơi tập trung nhiều gân, thần kinh và mạch máu – là vô cùng nguy hiểm. Chỉ vài phút chậm trễ có thể khiến nạn nhân mất máu, sốc hoặc thậm chí tử vong. Nếu không được xử trí đúng, các tổn thương còn có thể gây mất chức năng tay vĩnh viễn.
![]() |
Chỉ một thoáng nổi loạn, cậu bé 13 tuổi suýt phải trả giá đắt |
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với vật sắc nhọn và trang bị kiến thức sơ cứu cơ bản. Khi xảy ra tai nạn, cần lập tức băng ép cầm máu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.