Nhảy đến nội dung

Nỗi kinh hoàng trong lịch sử giao dịch vàng

Cuốn sách phân tích sức mạnh của tiền tệ có thể can thiệp vào các công việc chung của thế giới ra sao. Những trung tâm kinh tế như EU, Mỹ… đang đưa ra các chính sách gì để xử lý khủng hoảng và đảm bảo sự an toàn cho các nhà đầu tư. Mỗi tập đề cập đến một khía cạnh cho thấy cái nhìn toàn cảnh của tác giả về dòng chảy tài chính hiện đại.

Ngày 15 tháng 4, nỗi kinh hoàng 2 triệu năm mới có một lần

Sự đen đủi 10 năm có một thì gọi là tai họa, bất hạnh 50 năm có một gọi là tai họa lớn, 100 năm có một gọi là thảm họa, còn 2 triệu năm mới có một lần thì sao? E rằng chỉ có thể coi nó là một thảm họa ở cấp độ “diệt chủng”.

Vào ngày 15 tháng 4 năm 2013, thị trường vàng đã phải đối mặt với một thảm họa ở cấp độ diệt chủng!

Trong suốt những ngày cuối tuần, giấy thông báo yêu cầu nạp tiền ký quỹ tràn ngập khắp thị trường vàng toàn cầu. Dưới tác động của tỷ lệ đòn bẩy cao, những nhà đầu cơ giá lên đã phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Hôm thứ hai, khi thị trường châu Á vừa mở cửa, những kẻ cùng đường đã nháo nhào giẫm đạp lên nhau, gây ra thương vong vô số, và sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử của vàng đã chính thức bắt đầu.

Giao dich anh 1

Giá vàng biến động luôn khiến cả xã hội quan tâm. Ảnh: FXEmpire.

Thị trường London lao dốc, thị trường Mỹ sụp đổ, giá vàng được đăng tải trên các bản tin truyền hình không còn theo kịp tốc độ lao dốc thực tế của giá vàng. Cả thế giới giật mình choáng váng khi chứng kiến vàng - “con tàu Nô-ê” tài sản trong tâm thức của loài người - hoàn toàn chìm nghỉm chỉ sau vài giờ đồng hồ.

Trong ngày hôm đó, giá vàng giao sau tại thị trường New York đã rơi tự do từ mức 1.501 đôla hôm thứ sáu xuống mức 1.361 đôla, giảm mạnh 140 đôla, tương đương 9,3%, lập kỷ lục về mức giảm trong một ngày sâu nhất trong vòng 30 năm!

Nếu xét tới sự biến động của thị trường, tình hình giao dịch trong ngày thậm chí còn gay cấn hơn. Tờ Daily Telegraph của Anh ngày 16 tháng 4 đã phải thốt lên: “Dựa trên lý thuyết phân phối chuẩn, bạn sẽ thấy sự biến động của thị trường vàng ngày thứ hai chỉ xảy ra một lần trong 500 triệu ngày giao dịch, tức là 2 triệu năm.”

Khi một thảm họa ở cấp độ này xảy ra, ngay cả khủng long cũng phải tuyệt chủng.

Những kẻ theo đóm ăn tàn với giới truyền thông Phố Wall cũng được dịp khản giọng hét lên: Vàng đã tiêu đời!

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vàng vẫn chưa bị “tuyệt chủng”, và những gì xảy ra tiếp theo đã khiến cả thế giới phải giật mình kinh ngạc!

Ngày 16 tháng 4, giữa cơn sóng to gió lớn vì giá vàng kỳ hạn đang trên đà lao dốc, một tiếng sấm đinh tai nhức óc bất thần vang lên!

Như thể vừa nghe thấy tiếng pháo hiệu, gần như cùng một lúc, những người mua vàng vật chất trên khắp thế giới bất ngờ lao ra từ mọi hang cùng ngõ hẻm. Họ xông vào các cửa hàng vàng và ngân hàng ở các thành phố lớn một cách ồ ạt và đột ngột, càn quét thế giới trong cơn điên cuồng mua vàng chưa từng có suốt nửa thế kỷ qua!

Ở Trung Quốc đại lục, những người đầu tiên đánh hơi thấy sự tình là các “bà cô Trung Quốc”. Họ không biết Wall Street Journal viết gì, cũng chẳng hiểu được mớ biểu đồ kỹ thuật của hợp đồng vàng tương lai ở New York. Đối với họ, việc thấy giá vàng giảm mạnh chẳng khác nào nghe tin giá nhà đất ở Đường vành đai 3 ở Bắc Kinh đã giảm từ 50.000 nhân dân tệ (mỗi mét vuông) xuống còn 30.000 nhân dân tệ. Dại gì mà không mua vội cơ chứ? Họ chỉ quan tâm mua có hời hay không, chứ quan tâm gì đến vàng tương lai hay không tương lai. Suy nghĩ của người dân thường rất đơn giản: Vàng quý hơn giấy, đất quý hơn tiền!

Không chỉ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và các thành phố cấp 1 khác cũng xảy ra cơn sốt vàng quy mô lớn. Thủ phủ của hầu hết các tỉnh đều báo cáo rằng vàng đã được bán hết.

Rốt cuộc quy mô thu mua vàng lần này lớn đến mức nào? Dữ liệu từ Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải đã nói lên tất cả.

Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải là tổng trung tâm phân phối cho tất cả các giao dịch vàng giao ngay hợp pháp ở Trung Quốc. Tất cả vàng khai thác trong nước, vàng tái chế và vàng nhập khẩu từ nước ngoài trước tiên phải “qua tay” Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải trước khi chúng được giao dịch và vận chuyển hợp pháp trên toàn quốc. Trên thị trường bán lẻ, nguồn cung cấp cuối cùng của tất cả các sản phẩm vàng là Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải.

Thành viên của Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải bao gồm các tổ chức tài chính, pháp nhân doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, nấu chảy, chế biến, bán buôn và xuất nhập khẩu vàng, bạc, bạch kim và các sản phẩm kim loại quý khác. Nói tóm lại, lượng vàng xuất kho của Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải chính là tổng lượng giao dịch của tất cả vàng hợp pháp trên thị trường Trung Quốc.

Tháng 4 năm 2013, tổng lượng xuất kho của Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải đã tăng 182% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức đáng kinh ngạc là 236 tấn! Năm 2012, tổng sản lượng xuất kho của sàn này là 1.138 tấn, và tổng lượng xuất kho trong tháng 4 năm 2013 gần bằng tổng lượng xuất kho của cả quý 1 năm 2012!

Đến cuối tháng 4, thị trường vàng nội địa Trung Quốc về cơ bản đã hết hàng, giá vàng giao ngay trên Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải bị đẩy lên tới mức cao hơn thị trường quốc tế gần 10 nhân dân tệ/ gam, trong khi ở thời điểm bình thường,con số này không bao giờ vượt quá 1 nhân dân tệ. Điều đó có nghĩa là mua vàng ở trong nước sẽ đắt hơn mua vàng ở nước ngoài tới hơn 50 đô-la mỗi ounce! Mức chênh lệch cao như vậy đã phản ánh tình trạng khan hiếm cực độ trên thị trường vàng vật chất Trung Quốc.

Do giá vàng trong nước quá đắt nên một lượng lớn các “bà cô” đã lũ lượt đổ xô sang Hong Kong để lùng hàng, trực tiếp dẫn đến việc mọi sàn vàng bạc Hồng Kông bị “rút sạch” chỉ trong thời gian ngắn, tổng lượng giao dịch đạt mức kỷ lục 160 tỷ đôla Hong Kong, tương đương 400 tấn vàng! Tính đến ngày 24 tháng 4, kho vàng vật chất ở Hong Kong đã gần như cạn kiệt, buộc họ phải bổ sung gấp từ London và Thụy Sĩ, lượng đặt hàng cao gấp 4 lần bình thường!