Những tuyệt tác thiên nhiên: Đánh thức Chư Mom Ray

Ẩn mình giữa trùng điệp đại ngàn phía tây Kon Tum, Chư Mom Ray không chỉ là nơi bảo tồn nhiều loài thú quý hiếm, mà còn là kho báu thiên nhiên - văn hóa đặc sắc, chờ được đánh thức để trở thành điểm đến sinh thái hấp dẫn của Tây nguyên.
MÊ MẨN CHƯ MOM RAY
Với độ cao gần 1.800 m, đỉnh Chư Mom Ray sừng sững như cột chống trời giữa mây ngàn gió núi. Từ lâu, ngọn núi này đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của vùng biên viễn H.Sa Thầy.
Hành trình chinh phục đỉnh cao nhất của Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray là một cuộc leo núi kéo dài nửa ngày, xuyên qua các vùng sinh cảnh nguyên sơ. Du khách sẽ băng qua những thác nước trắng xóa, suối mát giữa rừng sâu, những khu rừng nguyên sinh rậm rạp và vạt lồ ô bạt ngàn, đan nhau xào xạc dưới ánh mặt trời.
Trên cung đường ấy, thác Khỉ hiện ra giữa đại ngàn như một dải lụa bạc. Càng lên cao, toàn cảnh H.Sa Thầy, hồ thủy điện Yaly, Plei Krông và một phần TP.Kon Tum dần hiện ra trong tầm mắt, đẹp đến ngợp ngời. Khi gần đến đỉnh, du khách sẽ bắt gặp những dấu tích lịch sử chiến tranh vẫn in hằn: đồn bốt cũ, hầm hào, cột điện, rào kẽm gai...
Không chỉ có núi, VQG Chư Mom Ray còn là bức tranh tổng hòa của nhiều hệ sinh thái quý hiếm. Rừng khộp Đăk Kan, kiểu rừng rụng lá mùa khô đặc trưng Tây nguyên, hiện ra với hồ nước rộng, trảng cỏ xanh ngút ngàn như thảo nguyên, thích hợp cho các hoạt động cắm trại, dã ngoại.
Rừng bằng lăng Ya Book, rộng hơn 10 ha, là một điểm đến gây thương nhớ khác. Vào mùa khô, những cây bằng lăng thay lá, nhuộm tím - vàng - đỏ cả một vùng, tạo nên khung cảnh lung linh như bước ra từ tranh sơn dầu.
Đồng cỏ Đăk Tao và Ya Book là nơi sinh hoạt thường xuyên của nhiều loài thú hoang nhờ có nguồn nước và muối khoáng tự nhiên. Vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, du khách có thể bắt gặp những đàn nai, heo rừng, thậm chí bò tót xuất hiện bất ngờ giữa thảo nguyên, gợi cảm giác như đang phiêu lưu giữa vùng hoang dã châu Phi.
Tại tiểu khu 586, một bãi đá núi lửa độc đáo còn in dấu chân nai hóa thạch, có niên đại từ 400 - 520 triệu năm. Tại đây hiện tồn tại mạch nước khoáng ngầm cùng con suối nhỏ êm đềm uốn lượn dưới tán rừng, là điểm lý tưởng cho các hoạt động nghiên cứu địa chất, khảo cổ và trải nghiệm thiên nhiên.
Theo ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý VQG Chư Mom Ray, khu rừng già này hiện ghi nhận hơn 1.500 loài thực vật, trong đó có đến 113 loài quý hiếm như phong lan rừng, hạt trần, dầu, kim giao…, là những loài cây biểu trưng cho vẻ đẹp cổ kính và đa dạng sinh học của Tây nguyên. Về động vật, Chư Mom Ray là mái nhà của 718 loài, trong đó có những cái tên mang tính biểu tượng của rừng sâu: vượn đen má hung, bò tót và cả hổ Đông Dương, linh vật của đại ngàn, minh chứng cho sự sống hoang dã đang hồi sinh thầm lặng giữa trập trùng núi rừng.
"Chúng tôi đang triển khai đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử - văn hóa. Hiện vườn có 15 điểm và 6 tuyến du lịch có thể đưa vào khai thác, từ rừng khộp, bãi thú, bãi đá hóa thạch đến các thác nước như Nàng Tiên, Vua Cha…", ông Thủy chia sẻ.
NGỌN NÚI THỔ CẨM HAY NỖI OAN HÓA ĐÁ
Nếu cảnh quan là phần thể xác của Chư Mom Ray, thì truyền thuyết Jrai là phần hồn sâu thẳm của ngọn núi này, làm nên sức hút kỳ bí cho vùng đất đại ngàn. Nằm dưới chân núi, làng Bar Gốc là một trong những ngôi làng cổ nhất của người Jrai. Ở đó, bà Y Sơi (81 tuổi), người già nhất làng, vẫn thường kể cho cháu con nghe về sự tích núi Chư Mom Ray.
Tên gọi Chư Mom Ray, trong tiếng Jrai có nghĩa là "núi thổ cẩm". Núi còn được biết đến với cái tên Chư Nang Pray, gắn với loài cây Pray dùng để kéo sợi dệt vải. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia có hai chị em mồ côi sống nương tựa nhau dưới chân núi. Một ngày, làng Bar Gốc mở hội. Người chị vào rừng kiếm thức ăn góp vui, còn người em ở nhà dệt vải. Trước khi đi, chị gái phơi sợi trên hàng rào và nhờ người em trông giúp. Nhưng một con bò rừng đi ngang qua ăn mất sợi vải.
Khi chị trở về, không thấy sợi đâu, liền gặng hỏi. Em gái một mực nói không biết. Không tin lời em, người chị giận dữ đuổi em ra khỏi nhà. Tủi nhục, cô em rời làng, đi mãi vào rừng sâu. Đến một ngọn đồi cao, nàng gục xuống, nước mắt rơi lã chã, và hóa thành đá, miệng vẫn thì thầm: "Chị ơi, em không lấy sợi của chị đâu".
Ngày hội làng năm đó, trai làng bắt được con bò rừng và đem ra làm thịt để tế lễ thần linh. Người ta moi trong ruột con bò một mớ sợi vải. Người chị chết lặng. Nàng lao vào rừng, đi mãi đến ngọn đồi, nơi em mình đã hóa đá. Nghe vọng ra tiếng em, chị òa khóc, gục lên phiến đá. Chỉ còn nước mắt và lời hối lỗi muộn màng: "Chị biết rồi, em tha lỗi cho chị". Người chị cũng hóa đá.
Lũ thú rừng, như hiểu lòng người, bới đất đắp mộ, gieo hạt cây Pray quanh đồi, để rồi năm tháng bồi tụ thành ngọn núi Chư Mom Ray, hay núi thổ cẩm. "Dân làng Bar Gốc vẫn giữ nghề dệt thổ cẩm như một cách tưởng nhớ câu chuyện xưa. Người già luôn dặn con cháu phải sống yêu thương, đừng để nghi kỵ làm tan vỡ những điều thiêng liêng nhất", bà Y Sơi kể.
Ông Vũ Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Sa Sơn (H.Sa Thầy), cho biết hiện làng Bar Gốc có khoảng 100 hộ, gần 670 nhân khẩu, đời sống đang dần khởi sắc. Làng đã được chọn làm làng du lịch của huyện. Nhiều người dân được tập huấn về nghiệp vụ du lịch, hàng chục nghệ nhân sẵn sàng biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách. (còn tiếp)