Những tập tục liên quan tới vợ chồng xưa

Nếp cũ gồm 4 cuốn: Con người Việt Nam; Tín ngưỡng Việt Nam; Làng xóm Việt Nam; Hội hè đình đám, cung cấp cho người đọc những hiểu biết cần thiết về cội nguồn của dân tộc, về những phong tục, tập quán, lễ nghĩa phong hóa xưa nay của ông cha ta.
Vợ chồng là hai người, một đàn ông và một đàn bà phối ngẫu với nhau để sinh con đẻ cái. Thường ra, mỗi gia đình là một cặp vợ chồng, nhưng Việt Nam trước đây theo tục đa thê, nên một người chồng có thể có nhiều vợ, trái lại người vợ chỉ có một chồng:
Làm trai tài lấy năm, lấy bảy
Gái chính chuyên chỉ có một chồng.
Vì một người chồng có nhiều vợ, các bà vợ do đó có thứ hạng:
Vợ cả hay chính thất là bà vợ đầu tiên được cưới xin theo lễ nghi tục lệ. Bà là người nội trợ trong gia đình, giúp đỡ chồng trong mọi việc trong nhà, đứng trên hết tất cả những bà vợ khác của chồng cho dù các bà vợ này đã được lấy trước mình.
Vợ kế hay kế thất là bà vợ được cưới chính thức theo lễ nghi tục lệ sau khi bà vợ cả qua đời mà người chồng tục huyền. Quyền của bà kế thất cũng giống như quyền của bà chính thất.
Vợ lẽ hay vợ bé còn gọi là thiếp, là bà vợ được chồng cưới xin nhưng cưới để làm vợ lẽ. Sự cưới vợ lẽ toàn quyền ở người chồng. Vợ lẽ phải chịu sự cai quản của vợ cả. Vợ lẽ còn được gọi là thứ thất.
Nàng hầu cũng là một hạng vợ lẽ, nhưng khác ở chỗ lấy chồng không có cưới xin. Có thể đây là một người con gái bị gia đình gán nợ cho người chồng, hoặc có khi, vợ cả đã bỏ tiền ra mua để về hầu hạ chồng thay mình.
Vợ lẽ còn được gọi là vợ hai, vợ ba, vợ tư... tùy theo thứ vị trong nhà chồng. Vợ hai là người vợ lẽ đầu tiên sau vợ cả.
Theo tục ta, vợ lẽ phải có cưới xin theo nghi lễ.
![]() |
Hình ảnh đám cưới theo phong cách Nam Bộ cổ. Ảnh: Tỉnh đoàn Lai Châu. |
Tuy ta chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhưng ở điểm này, Trung Hoa khác chúng ta. Ông Nguyễn Văn Thọ, trong bài mạn đàm về tương quan gia đình, gia tộc, in trong nguyệt san Phương Đông số 40, xuất bản tháng 10/1974 có viết:
Khảo Thư tịch Trung hoa, ta thấy xưa kia có một tục lệ cho con gái mình về vu quy, phải cho ít nhất là người em gái út theo chị, hay một người cháu gái theo cô để phù dâu và cũng để làm nàng hầu thiếp sau này.
Vợ cả thì gọi là đích, các nàng hầu đi phù dâu thì gọi là dâng. Các cô phù dâu gồm có ít nhất là: em gái út gọi là đệ, cháu gái gọi là điệt.
Tùy theo cấp bậc trong xã hội, số nàng hầu sẽ tăng:
• Người quý phái thường sẽ được cung cấp một vợ, một nàng hầu
• Đại phu một vợ, hai nàng hầu.
• Chư hầu ba vợ, sáu nàng hầu.
• Thiên tử bốn vợ, chín nàng hầu.
Tục Việt Nam ta, dù ai ở địa vị nào mặc, muốn lấy mấy vợ, mấy nàng hầu cũng được, nhưng không có lệ cưới một vợ lại được thêm một hoặc nhiều vợ khác. Muốn lấy vợ lẽ hoặc nàng hầu, người chồng Việt Nam phải cưới vợ lẽ và phải mua hầu.
Trong việc phối ngẫu, dù lấy chính thất hay cưới thứ thất, không được lấy người cùng một họ nội, lấy như vậy phạm điều loạn luân, dư luận đàm tiếu và pháp luật cũng trừng phạt.
Ở đây, phải kể là biệt lệ đối với đời nhà Trần. Triều đại này không cho con gái tôn thất lấy chồng ngoại tộc để tránh việc con rể cướp ngôi, như nhà Trần đã cướp ngôi nhà Lý qua việc Trần Cảnh là Lý Chiêu Hoàng.
Về họ ngoại, con cô con cậu hoặc đôi con dì, còn gọi là con dì con già không được phép lấy nhau, nhưng từ bậc cháu trở đi, tục lệ không cấm, và ta còn có câu:
Cháu cậu mà lấy cháu cô
Thóc lúa đầy bồ, giống má nhà ta.