Nhảy đến nội dung
 

Những kỷ niệm ngày xuống tàu đi tập kết

Những đứa trẻ như tôi xuống tàu đi tập kết tới nay là 71 năm. Nhưng khoảng thời gian tập kết ở cửa biển Quy Nhơn kéo dài 300 ngày, nên tính từ năm 1954 - 1955.

Gia đình tôi có 3 người, thầy má tôi và tôi. Tháng 10.1954, má con tôi được đi tập kết, do thầy tôi được phân công ở lại hoạt động bí mật cho cách mạng. Từ quê tôi Mộ Đức (Quảng Ngãi), má con tôi đi xe-goòng-đẩy vào Quy Nhơn (Bình Định). Phương tiện giao thông khá kỳ lạ này là sáng kiến của ngành giao thông trong kháng chiến chống Pháp. 

Khi đường ray chưa bị phá hủy, người ta dùng các toa tàu chở người, và dùng sức người đẩy các toa tàu này chạy êm ru trên đường ray. Cứ tính xem, người đẩy các toa tàu chở người chạy từ Mộ Đức vô Quy Nhơn khoảng 150 cây số, biết mấy là công sức.

Vô Quy Nhơn, má con tôi cùng những người đi tập kết được ở tạm trong phố, khoảng đường Trần Hưng Đạo bây giờ. Quy Nhơn hồi ấy rất bé nhỏ, những ngày nắng gió biển thổi vào, cát bay mù mịt. Có một buổi trưa, khi biết tin chiếc máy bay chở phái đoàn giám sát đình chiến đậu ở sân bay Quy Nhơn, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau chạy tới sân bay để xem máy bay. 

Thú thật, hồi đó đám trẻ nhà quê chúng tôi chưa bao giờ được nhìn gần một chiếc máy bay. Đường tới sân bay phải chạy qua một trảng cát, nắng gió tơi bời, nhưng chúng tôi mặc kệ, cứ chạy.

Rồi tới buổi sáng chuẩn bị xuống tàu đi tập kết, hôm ấy biển Quy Nhơn hơi động, sóng khá lớn. Chúng tôi xuống thuyền ở khoảng biển thuộc đường Nguyễn Huệ sau này. Sóng lớn, lại chưa lần nào được đi biển, nên tôi ói mửa tùm lum. Từ bờ ra tới tàu Ba Lan đậu ngoài khơi, đi thuyền ngược gió mất khoảng nửa giờ. Đó là thử thách đầu tiên cho một đứa trẻ nhà quê là tôi.

Khi lên chiếc tàu lớn, tự nhiên tôi hết bị say sóng. Các thủy thủ Ba Lan đón chúng tôi, họ tươi cười rất vui vẻ. Nhìn thấy tôi là một đứa trẻ 8 tuổi nhưng gầy gò nhỏ bé, các thủy thủ ôm tôi rồi họ chuyền tôi cho nhau như chuyền bóng, tôi sợ quá khóc thét lên. Họ càng cười to hơn.

Đi tàu Ba Lan đúng là thích thật. Tàu chạy rất êm, chỗ ngủ nghỉ đàng hoàng, tới bữa được ăn cơm ngon, với một đứa trẻ con như tôi, thế là vui lắm rồi.

Tàu cập bến Cửa Hội, Diễn Tiến, Diễn Châu, Nghệ An.

Đã có một thời, cách đây gần 2/3 thế kỷ, mảnh đất này đã cưu mang những đứa trẻ miền Nam tập kết như tôi. Đúng 71 năm trước…

So với những đứa trẻ cùng tuổi bây giờ, phải nói hồi ấy tôi chẳng biết gì mấy. Cái gì cũng lạ, cái gì cũng mới và cái gì cũng gây ngạc nhiên với một đứa trẻ nhà quê vừa rời mái nhà mình.

Tôi nào biết, tôi đã tham gia vào cuộc di dân vĩ đại từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam ở thời hiện đại.

Bây giờ, hồi tưởng, càng xúc động và càng biết ơn tình cảm, sự chăm sóc của đồng bào miền Bắc đối với những người miền Nam tập kết, nhất là với những đứa trẻ con như chúng tôi hồi ấy. Có đủ lứa tuổi trẻ con trong đoàn người tập kết. Và không đứa trẻ nào "bị lãng quên", không đứa trẻ nào không được đồng bào miền Bắc chăm sóc như chăm con cháu mình.

Ấy là vào khoảng tháng 10.1954.

Con tàu Ba Lan chở chúng tôi cập bến Cửa Hội (Diễn Tiến, Diễn Châu, Nghệ An) vào đêm tối. Vậy mà khi bước theo cầu tàu lên bờ, hàng vạn ngọn đèn ngọn đuốc đã bừng sáng trên tay bà con Nghệ An ra bến đón chúng tôi. Đầy những yêu thương, thân mến. 

Tình cảm ấy có lẽ người lớn cảm nhận rõ hơn, nhưng những đứa trẻ chúng tôi không phải là không biết. Nó khiến chúng tôi cảm thấy an lòng, dù chưa rõ mình đang ở một vùng "đất lạ" nào và phía trước đời mình sẽ ra sao.

Có một điều, bây giờ cần phải biết, là ngay thời điểm ấy, đồng bào Nghệ An, đồng bào Diễn Châu, đồng bào xã Diễn Tiến - nơi chúng tôi tập kết, có đời sống vô cùng khó khăn. Đã thế, đây còn là vùng công giáo toàn tòng, nơi những cuộc di cư vào Nam cũng đang diễn ra, vừa âm thầm, vừa công khai. 

Có lần, tôi theo má đi chợ phiên ở Đình Sò (xã Diễn Tiến) và được thấy cả phiên chợ bà con công giáo nghèo mang bán tất cả những vật dụng trong nhà mình, mong gom tiền để di cư vào Nam. Nhớ lại, còn muốn rơi nước mắt.

Khi má con tôi đã ra tới miền Bắc, thầy tôi ở lại Quảng Ngãi để gây dựng cơ sở, chuẩn bị cho những hoạt động bí mật. Cuộc bàn giao đất và người dân cho đối phương vẫn chưa hoàn tất, nhưng đã xảy ra chuyện. Thầy tôi bị đối phương cho người đi ám sát. Nhưng ám sát hụt. Và người bảo vệ thầy tôi phải hy sinh. Người ấy là cậu ruột tôi. Vụ ám sát này đã được Đài tiếng nói Việt Nam tố cáo, lúc ấy tôi đã ra Hà Nội, chuẩn bị sang Trung Quốc học.

Thầy tôi bị lộ, được Trung ương rút ra Bắc. Ông xuống chuyến tàu Ba Lan cuối cùng từ cửa biển Quy Nhơn vào tháng 5.1955. Như thế gia đình tôi đã đi tập kết 2 lần, một lần vào tháng 10.1954, một lần vào tháng 5.1955.

Nhiều đứa trẻ miền Nam tập kết ra Bắc như chúng tôi, khi trưởng thành ở miền Bắc đã nhập ngũ, trở thành những Bộ đội Cụ Hồ lên đường vào Nam chiến đấu chống Mỹ.

Tôi cũng vinh dự là một người lính như thế, ở chiến trường Nam bộ 5 năm, và năm nay là vừa đúng 55 năm ngày vượt Trường Sơn.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn