Những cú hạ cánh tiền tỷ cứu người

TP - Thỉnh thoảng, lại xuất hiện thông tin máy bay hạ cánh khẩn cấp vì lý do y tế; mỗi sự vụ như vậy gây tốn kém cả tỷ đồng. Nhưng ít người biết, đây là quy định quốc tế mang tính nhân đạo bắt buộc các hãng bay phải thực hiện.
Quy trình để hạ cánh khẩn cấp
Mới đây, trên một chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) từ Hà Nội đến Frankfurt (Đức), một hành khách 61 tuổi đã bị khó thở do thiếu oxy. Để ngăn tình hình diễn biến thêm nghiêm trọng, tổ bay đã quyết định hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Erzurum (Thổ Nhĩ Kỳ) để cấp cứu. Được biết, trong 2 năm qua, chỉ riêng VNA đã có 6 lần máy bay phải hạ cánh khẩn cấp trên hành trình trước tình trạng nguy kịch của hành khách.
![]() |
Một hành khách trên chuyến bay VNA từ Nhật Bản - TPHCM được đưa tới bệnh viện cấp cứu, sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: VNA. |
Lãnh đạo một hãng hàng không nội địa nhẩm tính: “Nhiên liệu bổ sung do bay lệch tuyến, vòng lại, hoặc tiếp tục hành trình từ sân bay không theo kế hoạch; phí hạ cất cánh khẩn cấp tại sân bay, phí bay qua phát sinh thêm; phí phục vụ mặt đất tại sân bay (có thể thêm phí hỗ trợ y tế, nhân sự hỗ trợ hành khách, chi phí xe cấp cứu và dịch vụ y tế địa phương)”. Vị này còn nói rằng, đó là chưa kể chậm chuyến và gián đoạn dây chuyền khai thác (trễ giờ đến, trễ chuyến kế tiếp của tàu bay hoặc tổ bay, có thể phải thay tổ bay nếu vượt giới hạn thời gian làm việc). Theo đó, tổng chi phí, nếu thêm cả chi phí kỹ thuật có thể lên tới 40 nghìn USD/chuyến (khoảng 1 tỷ đồng).
Không chỉ VNA, các hãng hàng không Việt Nam khác như Vietjet Air (VJC) và Bamboo Airways (BAV) cũng đã nhiều lần hạ cánh khẩn cấp bởi nhiều lý do. Trên thế giới thậm chí có trường hợp phải hạ cánh khẩn cấp để nữ hành khách sinh con…
Mới đây, một phụ nữ đã sinh con trên chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ Ryanair (lộ trình từ Bỉ đến Tây Ban Nha), khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp tại Pháp. Điều đặc biệt là trong đội ngũ hỗ trợ ca sinh nở “trên 9 tầng mây” có bà Kathleen Depoorter - một nghị sĩ Quốc hội Bỉ và con trai bà - một bác sĩ.
Sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) từng tiếp nhận 1 pha hạ cánh khẩn cấp của máy bay thuộc hãng hàng không Emirates, sau khi một phụ nữ 32 tuổi người Philippines bất ngờ sinh non khi thai kỳ mới chỉ kéo dài 28 tuần. Sau đó, cả 2 mẹ con đã được đưa đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TPHCM) để chăm sóc y tế. Sản phụ sinh con trên không tại Việt Nam (năm 2016) là chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, hành khách trên chuyến bay từ TPHCM đi Đà Nẵng của hãng hàng không Jetstar Pacific (nay là Pacific Airlines - thuộc VNA).
Ông Lâm Quang Tiến, GĐ Truyền thông hãng hàng không Vietravel Airlines (VAG) chia sẻ, khi phát hiện hành khách gặp vấn đề sức khỏe, đội ngũ tiếp viên sẽ ngay lập tức phát thông báo tới toàn bộ hành khách để tìm bác sĩ, nhân viên y tế, hộ lý… nhằm sơ cứu cho người bệnh. Nếu không tìm được ai, tiếp viên sẽ trực tiếp xử lý tình bằng những kỹ năng sơ cứu cơ bản đã được huấn luyện như hồi sức tim phổi (CPR), xử lý ngừng thở… Trong lúc này, tiếp viên trưởng sẽ liên tục cập nhật tình hình cho cơ trưởng.
Nếu tình trạng hành khách chuyển biến nặng, bắt buộc phải hạ cánh khẩn cấp, cơ trưởng sẽ báo với trung tâm điều hành bay của hãng để xin chuyển hướng và liên lạc với đài kiểm soát không lưu tại sân bay gần nhất. Sau khi máy bay hạ cánh, đội ngũ nhân viên tại sân bay sẽ tiếp nhận cấp cứu và đưa hành khách vào bệnh viện nhanh nhất có thể.
Dù vậy, ông Trịnh Hồng Quang - nguyên Phó TGĐ VNA chia sẻ, chi phí phát sinh hay quy trình phức tạp không là gì khi so sánh với sinh mạng của hành khách. Một chuyến bay gián đoạn có thể được phục hồi, nhưng một sinh mạng mất đi không thể lấy lại được. Vì vậy, sự an toàn và sức khỏe của hành khách luôn là ưu tiên hàng đầu của các hãng hàng không.
Một số hãng trang bị khử rung tim trên máy bay
Hạ cánh khẩn cấp không chỉ là trách nhiệm đạo đức, mà còn là nguyên tắc, chuẩn mực được ban hành bởi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), và được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới.
ICAO quy định, mỗi hãng bay thương mại đều phải đảm bảo có quy trình ứng phó y tế trên không rõ ràng, bao gồm: Đào tạo sơ cứu cơ bản cho tiếp viên, chuẩn bị túi y tế (first aid kit) và hộp cứu thương nâng cao (emergency medical kit) - trong đó phải có đủ dụng cụ hỗ trợ trong các tình huống như suy hô hấp, sốc phản vệ hoặc tim ngừng đập. Nếu tình trạng sức khỏe của hành khách không chuyển biến tích cực, việc hạ cánh khẩn cấp tại sân bay gần nhất trên hành trình là điều bắt buộc thực hiện.
Ngoài ra, tại nhiều hãng bay quốc tế như Emirates, Singapore Airlines hay Lufthansa, tiếp viên không chỉ được huấn luyện kỹ năng sơ cứu mà còn được hướng dẫn phối hợp trực tiếp với bác sĩ mặt đất qua sóng radio hoặc vệ tinh - thông qua dịch vụ như MedAire hoặc Stat-MD để đánh giá tình trạng bệnh và quyết định hạ cánh.
Nếu không khai báo trung thực về tình trạng thai kỳ, hành khách có thể bị phạt rất nặng trong trường hợp sinh con và buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) từ năm 2004 đã yêu cầu tất cả các chuyến bay thương mại dài hơn 250 dặm (khoảng 400 km) phải trang bị máy khử rung tim tự động (AED) - thiết bị cứu sống trong trường hợp hành khách bị ngừng tim đột ngột.
Tại Việt Nam, tuy chưa có quy định bắt buộc trang bị AED trên mọi chuyến bay, nhưng một số hãng hàng không như VNA và BAV đã chủ động triển khai trang bị này trên các đường bay dài. Các tiếp viên của VNA đều được đào tạo về sơ cấp cứu, trong đó những tiếp viên có chứng chỉ sẽ được sử dụng máy khử rung tim trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, việc nâng chuẩn đào tạo y tế cho tiếp viên cũng đang được Cục Hàng không Việt Nam từng bước cập nhật, theo hướng tiệm cận khung tiêu chuẩn ICAO và FAA.