Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh

Quy mô tín dụng xanh hiện vẫn còn khá nhỏ so với tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như bảo vệ môi trường, giao thông xanh, xây dựng bền vững vẫn... chưa tiếp cận hiệu quả nguồn vốn.
Vấn đề này được đặt ra tại diễn đàn “Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh” do Thời báo Ngân hàng tổ chức chiều 9/5, tại Đà Nẵng.
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 9 (gồm 5 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi) cho biết, tính đến cuối tháng 3/2025, có 30 chi nhánh tổ chức tín dụng tại Khu vực 9 triển khai tín dụng xanh, tổng dư nợ khoảng 10.482 tỷ đồng, chiếm gần 2% tổng dư nợ toàn khu vực.
Các khoản vay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và sạch (35,51%), lãi suất phổ biến từ 4-7%/năm (ngắn hạn), từ 9-11%/năm (trung và dài hạn); một số lĩnh vực đặc biệt được áp dụng lãi suất dưới 4%/năm.
Theo ông Lê Anh Xuân, các ngân hàng cũng đã cải cách thủ tục hành chính, số hóa quy trình để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh.
Tuy nhiên, ông Xuân đánh giá, quy mô tín dụng xanh vẫn khá nhỏ so với tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như bảo vệ môi trường, giao thông xanh, xây dựng bền vững vẫn chưa tiếp cận hiệu quả nguồn vốn. Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, trong khi nguồn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn.
Một rào cản đáng kể hiện nay là việc thiếu tiêu chí cụ thể để xác định dự án “xanh”. Dù đã có các hướng dẫn chung, nhưng chưa đủ chi tiết để ngân hàng và doanh nghiệp áp dụng thống nhất. Điều này gây khó khăn trong thẩm định, cấp tín dụng và theo dõi hiệu quả các khoản vay.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của tín dụng xanh hoặc chưa tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại, chi phí hoạt động cao làm tăng nguy cơ nợ xấu với các khoản vay xanh.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho rằng, để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đòi hỏi sự phối hợp từ các bộ, ngành.
Trước hết, hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường... ) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
Một danh mục phân loại xanh quốc gia cần sớm được ban hành; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải; hoàn thiện công cụ thuế đối với các hoạt động có phát thải carbon.
Đồng thời, xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận, huy động các nguồn tài chính từ các định chế, tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, các quỹ tài chính để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.
Theo bà Giang, chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía, gồm Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và cộng đồng thì tín dụng xanh mới thực sự trở thành động lực bền vững trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.