Nhà tuyển dụng sốc trước câu: 'Em chuyển khoản rồi sao chưa được mời tới phỏng vấn?'

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, nhiều người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ mới ra trường, đang đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo chuyển khoản để được phỏng vấn.
Trong một buổi tọa đàm mới đây do Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM tổ chức, đại diện một công ty đã cảnh báo về trường hợp lừa đảo phỏng vấn, mạo danh công ty mình.
Ông Nguyễn Phương Tài Lộc, Trưởng phòng nhân sự Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho biết thời gian gần đây, công ty của ông nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các ứng viên với câu hỏi: "Em đã chuyển khoản phí phỏng vấn rồi, bao giờ có lịch phỏng vấn?". Theo ông Lộc, các tổ chức tư nhân thu phí thường là dấu hiệu của lừa đảo.
Ông Lộc nói số tiền bị mất có thể từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy theo mức độ tham lam của kẻ lừa. Trước khi khát vọng phát triển đã bị dập tắt bởi những trò lừa đảo. Vì thế, người lao động cần cẩn trọng.
Còn ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, nhiều người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ mới ra trường, đang đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo bởi những chiêu trò tinh vi. Một trong những hình thức phổ biến là yêu cầu chuyển khoản "phí phỏng vấn" để được tham gia tuyển dụng, khiến nhiều người rơi vào cảnh "tiền mất tật mang" mà không nhận được cơ hội việc làm.
Ông Cường cho biết bên cạnh đó, các vụ lừa đảo thường diễn ra ngay tại những cửa ngõ thành phố, nơi người lao động từ các tỉnh vừa đặt chân đến. Những kẻ lừa đảo dụ dỗ bằng lời hứa về công việc "nhẹ nhàng, lương cao", khiến ứng viên ảo mộng rằng sẽ có việc làm với mức lương từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi tháng trở lên. Những lời quảng cáo này đánh vào tâm lý thiếu kinh nghiệm và sự thiếu hiểu biết về năng lực bản thân của người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ mới ra trường. "Người lao động không kịp suy nghĩ và dễ dàng bị cuốn theo những lời hứa hẹn viển vông", ông Cường chia sẻ.
Ông Quang Cường khẳng định: "Tất cả các đơn vị giới thiệu việc làm thuộc hệ thống nhà nước đều hoàn toàn miễn phí. Người lao động không chỉ được tư vấn miễn phí mà còn được tham gia các khóa kỹ năng mềm, hỗ trợ kỹ năng phỏng vấn và định hướng nghề nghiệp".
Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, ông Cường cho rằng người lao động cần trang bị sự tỉnh táo và hiểu biết về bản thân. Người lao động phải tự biết mình là ai, năng lực của mình đến đâu. "Nếu chỉ mơ mộng về những công việc lương cao mà không đánh giá đúng năng lực, bạn rất dễ trở thành mục tiêu của kẻ xấu. Ngoài ra, sự kiên nhẫn và tinh thần học hỏi là yếu tố then chốt để thành công trong hành trình tìm việc. Thay vì trông chờ quá nhiều vào kiến thức từ nhà trường, người lao động cần chủ động trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm thực tế", ông Cường nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, chỉ ra sự chênh lệch giữa kỳ vọng của người lao động và thực tế từ phía doanh nghiệp. "Nhiều công ty mong muốn tuyển dụng lao động chất lượng với mức lương hợp lý, trong khi người lao động lại kỳ vọng mức lương cao ngay từ đầu. Sự chênh vênh này khiến nhiều bạn trẻ chọn chờ đợi cơ hội tốt hơn thay vì bắt đầu từ những công việc phù hợp", bà Thục nhận định. Điều này dẫn đến việc nhiều người bỏ lỡ cơ hội phát triển chỉ vì chạy theo những mức lương không thực tế.
Trước thực trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, ông Tài Lộc kêu gọi các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các trung tâm giới thiệu việc làm, đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cho người lao động. "Chúng ta cần giúp họ hiểu rằng không có công việc tốt nào yêu cầu nộp phí trước. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những đơn vị tuyển dụng lừa đảo", anh Lộc nhấn mạnh.