Nguy cơ cao dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại, nhiều người vẫn chủ quan

TPO - Từ đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết và 5 trường hợp tử vong. Dù số ca mắc giảm nhẹ so với cùng kì năm ngoái, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất lớn do thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh sôi và tâm lí chủ quan trong cộng đồng. Nếu không hành động sớm và đồng bộ, dịch có thể quay lại với quy mô như năm 2022.
Sốt xuất huyết từng được xem là bệnh “theo mùa”, thường gia tăng trong các tháng mưa ở miền Nam và rải rác ở phía Bắc. Nhưng hiện nay, quy luật đó đã thay đổi.
Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Nguy cơ gia tăng số ca mắc trong thời gian tới là rất lớn, nếu chúng ta không hành động sớm và đồng bộ”.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, diễn biến nhanh, có thể chuyển nặng và tử vong nếu không điều trị kịp thời. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Nhiều người dân vẫn chủ quan, nghĩ rằng sốt xuất huyết Dengue chỉ nguy hiểm khi sốt cao hoặc xuất huyết, từ đó trì hoãn việc kiểm tra, điều trị tại bệnh viện. Trên thực tế, tiểu cầu hạ rất thấp mới xuất huyết. Có những trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, đến viện muộn khi đã sốc, suy đa tạng - giai đoạn có thể dẫn đến tử vong. Trong khi, nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh hoàn toàn có thể cứu chữa”.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành. Trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 100.000 ca mắc, 100 ca tử vong. Dịch xảy ra quanh năm, song thường tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 11, tập trung tại khu vực phía Nam. Những năm gần đây, miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên cũng bắt đầu ghi nhận số ca mắc gia tăng.
![]() |
PGS.TS Đỗ Duy Cường chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết |
Năm 2025, số ca mắc tuy giảm so với năm ngoái, song một số địa phương lại ghi nhận mức tăng đột biến: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng hơn 208%, TP.HCM tăng trên 151%. “Điều đáng lo ngại là các đợt bùng phát dịch đang có xu hướng rút ngắn chu kì từ 5 năm xuống còn 3-4 năm. Đợt dịch lớn gần nhất là năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc. Nếu không kiểm soát tốt, năm nay hoàn toàn có thể lặp lại kịch bản đó”, ông Sơn cảnh báo.
Về tình hình điều trị, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh (bộ Y tế), cho biết số ca sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chưa đến 100 ca, với số ca nặng thấp. Các viện ở TP. HCM và Huế cũng ghi nhận số mắc thấp. Đại diện Viện Pasteur TP.HCM thông tin, xu hướng ca nặng trên tổng số ca mắc đang giảm, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.
Theo chuyên gia theo chu kì, năm 2022 sốt xuất huyết tăng cao nhưng năm 2023, 2024 giảm mắc, nhận định năm 2025 dự báo số ca sốt xuất có nguy cơ gia tăng cao. Theo Bộ Y tế, dịch hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm là điều kiện lí tưởng để muỗi phát triển và truyền bệnh. Bộ đã ban hành nhiều công văn yêu cầu các địa phương sớm triển khai các biện pháp phòng dịch, dập dịch tại chỗ, không để lan rộng.
Chủ động - chìa khóa phòng dịch
Trước diễn biến dịch phức tạp, Bộ Y tế nhấn mạnh phương châm phòng dịch từ sớm, kiểm soát từ xa. Trong đó, việc xác định ổ dịch cũ, điểm nóng, khu vực nguy cơ để giám sát, phát hiện sớm và xử lí triệt để ca bệnh đầu tiên là biện pháp then chốt. “Muỗi truyền bệnh phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Do đó, nếu không loại bỏ được các ổ lăng quăng, bọ gậy, muỗi sẽ sinh sôi, dịch dễ lan rộng”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, ngành y tế đã yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ thuốc men, hóa chất, giường bệnh, phương án điều trị, nhất là phân tuyến phù hợp để tránh quá tải. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, tổ chức chiến dịch phòng dịch trong trường học nhằm bảo vệ học sinh trong mùa hè và đầu năm học mới. Các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn tại các tỉnh có nguy cơ cao, giám sát chặt chẽ và xử lí dịch ngay từ đầu.
Cục Phòng bệnh khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi: đậy kín các dụng cụ chứa nước, thay nước lọ hoa thường xuyên, thả cá vào bể cảnh, ngủ màn cả ban ngày lẫn ban đêm, dùng kem xua muỗi, vợt điện...
Một điểm đáng chú ý là thời gian qua, một số cơ sở y tế đã triển khai tiêm dịch vụ vắc xin phòng sốt xuất huyết. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhấn mạnh, vắc xin là biện pháp bổ sung, không thể thay thế cho các biện pháp truyền thống. Chỉ khi đồng bộ nhiều giải pháp, từ giám sát dịch tễ, diệt muỗi, đến nâng cao nhận thức cộng đồng mới có thể giảm thiểu tác động của bệnh.
GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh về vai trò quan trọng của hộ gia đình trong phòng chống sốt xuất huyết, lấy hộ gia đình làm trọng tâm, mỗi gia đình dành 10 phút mỗi ngày diệt loăng quăng, bọ gậy thì muỗi không có cơ hội phát triển và cắt đứt nguồn lây bệnh.