Người Việt đâu có 'tàng hình' ở Liên hoan phim Cannes

"Tôi choáng ngợp vì được sống trong không khí điện ảnh hừng hực của những ngày tại Cannes" - diễn viên Hồ Thu Anh (phim Địa đạo) nói về lần đầu đến Liên hoan phim Cannes.
Tại Liên hoan phim Cannes những ngày qua, đoàn Việt Nam - gồm Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp cùng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Cục Điện ảnh, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, đại diện các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh và các doanh nghiệp Beta Group, HKFilms, BHD - tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và điện ảnh.
Choáng ngợp vì không khí điện ảnh hừng hực
Diễn viên Hồ Thu Anh (Ba Hương của phim Địa đạo) cảm thấy may mắn khi lần đầu tiên dự Liên hoan phim Cannes nhờ lời mời của Cục Du lịch, Cục Điện ảnh; đi cùng các nghệ sĩ và nhà làm phim khác, trong đó có bạn diễn Avin Lu, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, các diễn viên Kaity Nguyễn, Lê Phong Vũ...
"Cảm giác khi đặt chân đến đây là choáng ngợp. Không phải choáng ngợp vì thảm đỏ danh giá hội tụ nhiều ngôi sao, mà vì quy mô của liên hoan phim. Chưa bao giờ tôi thấy một thành phố mà hội tụ nhiều người làm phim, yêu phim đến thế. Tôi choáng ngợp vì được sống trong không khí điện ảnh hừng hực" - cô nói với Tuổi Trẻ.
Hồ Thu Anh tiếc nuối vì năm nay điện ảnh Việt không có phim đại diện chính thức dự Cannes. Cô cho rằng đây là điều phải chấp nhận khi Việt Nam chúng ta chưa phải cái tên lớn trên bản đồ điện ảnh thế giới. Thu Anh mong sắp tới phim Địa đạo sẽ có cơ hội chu du đến các liên hoan phim.
Điểm nhấn trong toàn bộ hoạt động của điện ảnh Việt tại Cannes năm nay là hội thảo "Việt Nam - Thị trường năng động châu Á, điểm đến cho các đoàn làm phim quốc tế".
Hội thảo có sự tham gia của ông Đinh Toàn Thắng - đại sứ Việt Nam tại Pháp; ông Nguyễn Trùng Khánh - cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; ông Đỗ Quốc Việt - phó cục trưởng Cục Điện ảnh; TS Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam...
Những thông tin, con số cụ thể được đưa ra để thuyết phục bạn bè quốc tế. Chẳng hạn, Luật Điện ảnh 2022 (hiệu lực từ năm 2023) đã bỏ yêu cầu nộp toàn bộ kịch bản khi xin phép quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam, thời gian thẩm định cấp giấy phép nay chỉ còn 20 ngày thay vì 30 ngày như trước đây.
Nghị định 131 của Chính phủ: quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh lần đầu cho phép doanh nghiệp OTT tự phân loại phim nếu đáp ứng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này tạo hành lang rõ ràng cho các nền tảng phổ biến phim như Netflix, Apple TV, VieON, FPT Play...
Tại hội thảo, bà Lan nhận định: "Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và sự đồng hành tích cực từ Chính phủ, chúng tôi tin rằng Việt Nam đang từng bước trở thành một điểm đến hấp dẫn và cạnh tranh của khu vực châu Á trong lĩnh vực làm phim".
Bà Lan mong muốn học hỏi từ Liên hoan phim Cannes để Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) của Việt Nam trở thành điểm đến quốc tế.
Bên cạnh đó, Đêm điện ảnh Việt Nam tại Cannes ngày 16-5 đã thu hút hơn 300 khách mời là các nhà làm phim, đạo diễn, nghệ sĩ quốc tế. Lãnh đạo Sở VHTT Ninh Bình, Sở VH-TT&DL Quảng Ninh - các địa phương có kinh nghiệm đón đoàn quốc tế - giới thiệu các bối cảnh nổi tiếng trong tỉnh.
Ngoài ra còn có không gian quảng bá điện ảnh, bối cảnh quay phim và du lịch Việt Nam tại Chợ phim Cannes. Gian hàng Việt Nam nằm tại vị trí trung tâm của chợ, bên cạnh các nước như Thái Lan, Indonesia...
Điện ảnh Việt cũng có "bom tấn" 20 triệu USD
Cũng tại hội thảo, bà Ngô Bích Hạnh - phó chủ tịch BHD - nói về những thách thức và cơ hội cho phim Việt trên thị trường quốc tế. Bà cho rằng trong thập niên qua, giới chuyên môn quốc tế chủ yếu biết đến điện ảnh Việt Nam qua các bộ phim độc lập giành giải tại các liên hoan phim quốc tế như Cannes, Venice, Berlin và Busan.
Các phim Việt dự liên hoan phim khai thác những góc độ đặc biệt về xã hội Việt Nam, qua cái nhìn rất riêng của đạo diễn, chẳng hạn như Bên trong vỏ kén vàng, Cu li không bao giờ khóc hay Mưa trên cánh bướm.
"Trong khi đó, các phim thương mại Việt Nam đạt doanh thu phòng vé cao trong nước (khoảng 20 - 25 triệu USD) thường là phim hài, gia đình - những thể loại không phải lúc nào cũng dễ phát hành ở các thị trường quốc tế do khác biệt về văn hóa. Mặc dù vậy, một số phim như Mai của Trấn Thành đã đạt doanh thu hơn 2 triệu USD trên toàn cầu" - bà Bích Hạnh nói.
Việc phim thương mại Việt được chào bán, giới thiệu ở chợ phim và các hoạt động bên lề Cannes sẽ giúp điện ảnh Việt đa diện hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Năm nay các phim Dưới đáy hồ, Làm giàu với ma được chào bán.