Người thầy đầu tiên của Đức Phật

“Lịch sử Phật giáo - Hành trình từ cội nguồn Ấn Độ đến các vùng đất châu Á” là một tác phẩm quan trọng của Giáo sư Andrew Skilton (Đại học Oxford), một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Phật học. Cuốn sách mang đến một cái nhìn toàn diện và súc tích về hành trình kéo dài hàng thiên niên kỷ của một trong những tôn giáo vĩ đại nhất thế giới. Từ khởi nguồn khiêm tốn ở Ấn Độ cho đến sự lan tỏa mạnh mẽ khắp châu Á, Skilton đã khéo léo phác họa bức tranh lịch sử đầy đủ, làm nổi bật cả những cột mốc quan trọng về cả giáo lý và những biến đổi văn hóa.
Suy nghĩ đầu tiên của Ngài là tìm một người thầy, và Ngài đi về phía Nam hướng đến thành Vương Xá, nơi Ngài gặp Vua Tần-bà-sa-la, vua của vương quốc Ma-kiệt-đà - giai đoạn này được mô tả một cách sống động trong thi kệ đầu tiên của Kinh Xuất gia, thuộc Kinh tập. Ngài tìm thấy người thầy đầu tiên của mình, Ãlãra Kãlãma người đã dạy cho Ngài một loại thiền dẫn đến trạng thái định cao siêu còn gọi là vô sở hữu xứ, tức “cảnh giới hoặc trạng thái hư vô”.
Tuy nhiên, sau khi đã đạt đến khả năng ngang bằng với thầy của mình, Tất-đạt-đa vẫn nhận thấy trạng thái này, vốn thiếu đi chiều kích về đạo đức và trí tuệ, không có khác biệt căn bản nào đối với thân phận con người của chính Ngài, tức Ngài còn là chủ thể của sự già nua, bệnh tật và cái chết, có nghĩa là mong muốn của Ngài vẫn chưa hoàn thành. Mặc dù Ãlãra Kãlãma đề nghị Tất-đạt-đa ở lại cùng hướng dẫn các đệ tử của mình, nhưng Ngài vẫn rời đi để học hỏi thêm.
![]() |
Đức Phật giác ngộ nhờ hành trình không ngừng tìm kiếm và học tập. Ảnh: Mystik River. |
Một hình thức thiền định cũng tiếp tục diễn ra với vị thầy tiếp theo của Ngài là Udraka Rãmapurta, người đã dạy Ngài đạt đến thiền định phi tưởng phi phi tưởng xứ, tức “trạng thái hoặc cảnh giới phi tưởng và phi phi tưởng” và cuối cùng đã nhường ngôi vị lãnh đạo cho Ngài để hướng dẫn các môn đồ.
Một lần nữa, đây không phải là điều mà Tất-đạt-đa tìm kiếm, và giờ Ngài đã chuyển sang tu tập khổ hạnh cực độ với hy vọng rằng có thể tìm ra câu trả lời cho con đường tìm đạo của mình. Trong khoảng thời gian năm đến sáu năm, Ngài tu tập ở làng Ưu-lâu-tần-loa bên cạnh sông Ni-liên-thiền cùng với năm tu sĩ khổ hạnh, những người bạn đồng tu đầu tiên và sau đó cũng xin làm đệ tử của Ngài.
Tất-đạt-đa đã thực hành khổ hạnh, tự hành hạ thân thể đến mức cực đoan chưa từng thấy trước đây, nín thở trong một thời gian dài và sau đó ăn uống rất ít. Câu chuyện mô tả giai đoạn tìm đạo này của Ngài được kể lại trong Đại kinh Saccaka.
Sau khi tự đe dọa tính mạng bản thân bằng việc cố ý theo đuổi pháp tu khổ hạnh, Tất-đạt-đa lại từ bỏ lối tu hàn nà, bởi nó vô cùng nguy hiểm và chẳng mang lại lợi ích gì. Ngài bắt đầu ăn uống trở lại với khẩu phần hợp lý, vì thế các người bạn đồng tu khổ hạnh đã bỏ đi và sang tu hành ở vườn Nai tại Rsipatana, gần Ba-la-nại (Benares) ngày nay.
Với quyết tâm cao độ, Ngài ngồi dưới một gốc cây bên bờ sông Ni-liên thiền, nơi ngài đã nhớ lại trải nghiệm về “thiền” một cách tự nhiên và không hề gượng ép xảy ra lúc Ngài còn trẻ đang ngồi dưới gội cây hồng táo. Xem đây là biểu hiện của tiến trình cân bằng và hài hoà đối với khát vọng tìm đạo của mình, suốt đêm hôm đó, thông qua tư duy quán chiếu về sự bí ẩn của cái chết và sự sống, Ngài cuối cùng đã đạt đến một sự sáng suốt trong thiền quán mới mẻ và vô cùng thâm sâu về bản chất nhân duyên trong thế giới của chúng ta, và về thật tướng của vạn vật.
Chính nhờ sự giác ngộ này, sự chứng ngộ thật tướng của vạn vật, Ngài đã trở thành một vị Phật, tức “người đã chứng ngộ”. Đúng lúc này, Ngài vừa tròn 35 tuổi.