Nghĩ lớn, làm bài bản như T&T Group khi tham gia kiến tạo hạ tầng quốc gia

Với loạt dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực từ năng lượng, hàng không, giao thông đường bộ đến cảng biển và logistics, T&T Group nổi lên là một trong những doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội Việt Nam.
Cách tiếp cận của T&T Group không chỉ dừng lại ở việc đầu tư vào các dự án riêng lẻ mà hướng đến xây dựng một hệ sinh thái hạ tầng kết nối, đồng bộ, phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực tư nhân cho các công trình trọng điểm quốc gia.
Những sự kiện gần đây đã cho thấy rõ hơn chiến lược và quy mô đầu tư của tập đoàn này. Ngày 28.6, Vietravel Airlines, sau khi có sự tham gia của cổ đông chiến lược T&T Group, đã tiếp nhận máy bay Airbus A321 sở hữu đầu tiên. Chỉ một ngày sau, 29.6, liên danh nhà đầu tư do T&T Group đứng đầu đã chính thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (giai đoạn 1) - sau đúng 1 tuần kể từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt trúng thầu.
Cùng với hạ tầng năng lượng, đây là những động thái cụ thể hóa một chiến lược đầu tư dài hạn của T&T Group vào những lĩnh vực hạ tầng kinh tế cốt lõi: hàng không, giao thông đường bộ, và cảng biển - logistics.
Vietravel Airlines - mảnh ghép chiến lược của hệ sinh thái hàng không
Sự kiện Vietravel Airlines chính thức sở hữu máy bay Airbus A321 và kế hoạch tiếp nhận thêm 2 tàu bay A320 trong tháng 7 là một bước tiến quan trọng. Động thái này đánh dấu sự chuyển đổi từ mô hình thuê sang sở hữu, khẳng định năng lực tài chính và cam kết phát triển lâu dài của hãng, đặc biệt sau khi T&T Group trở thành cổ đông chiến lược. Theo kế hoạch, Vietravel Airlines sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực để mua, thuê thêm nhiều tàu bay trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Việc tăng cường đội bay cho phép Vietravel Airlines nâng cao năng lực khai thác trên các đường bay trục kết nối các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM với các điểm đến du lịch trọng điểm như Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn và thị trường quốc tế. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch đang phục hồi mà còn là một bước chuẩn bị để cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường.
Sự thay đổi trong cấu trúc thượng tầng, với việc ông Đỗ Vinh Quang, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T Group, giữ chức Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines từ tháng 4.2025, mang ý nghĩa chiến lược. Quyết định này cho thấy T&T Group không chỉ đầu tư tài chính mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình quản trị, điều hành, nhằm tích hợp hoạt động của hãng hàng không vào hệ sinh thái chung của tập đoàn. Mục tiêu là tạo ra sự cộng hưởng giữa vận tải hàng không với các lĩnh vực khác như du lịch, logistics và bất động sản đô thị sân bay.
Rõ ràng, tầm nhìn của T&T Group không phải là xây dựng những dự án riêng lẻ, họ đang tạo ra một mạng lưới kết nối đồng bộ, nơi mỗi dự án là một mắt xích hỗ trợ, cộng hưởng và tối ưu hóa giá trị cho nhau.
"Chúng tôi tham gia vào Vietravel Airlines không chỉ để "có mặt" trong ngành hàng không. Đây là một mảnh ghép chiến lược trong hệ sinh thái logistics - hạ tầng mà T&T Group đang từng bước kiến tạo", ông Đỗ Vinh Quang, Phó Chủ tịch HĐQT T&T Group, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines chia sẻ.
Kiến tạo hạ tầng kinh tế quốc gia
T&T Group thời gian qua đã được biết tới như một tập đoàn tư nhân chủ lực trong phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia. Hiện tập đoàn này đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió tại khu vực ven biển miền Trung và Tây nguyên với công suất mỗi dự án từ 50-100MW; đang đầu tư xây dựng dự án LNG Hải Lăng công suất 1.500 MW (giai đoạn 1) tại Quảng Trị, dự án điện gió Savan 1 công suất 300 MW (giai đoạn 1) tại Lào…
Trong lĩnh vực hạ tầng đường bộ, T&T Group đang thể hiện vai trò tích cực thông qua mô hình đối tác công tư (PPP), một cơ chế được Chính phủ khuyến khích nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và tăng hiệu quả đầu tư.
Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương tại Lâm Đồng là một ví dụ điển hình. Liên danh T&T Group - FUTA Group - Phương Thành đã được lựa chọn làm nhà đầu tư cho tuyến đường dài gần 74km có tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỉ đồng. Đây là hợp phần cuối cùng của trục cao tốc chiến lược nối TP.HCM với vùng Tây nguyên. Khi hoàn thành, dự án sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư vào Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. Giá trị của tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương không chỉ nằm ở gần 74km, mà còn giải phóng tiềm năng cho cả hành lang kinh tế chiến lược dài hàng trăm cây số, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho cả vùng.
Tại Quảng Trị, T&T Group là nhà đầu tư chính trong dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức PPP. Gần đây, liên danh nhà đầu tư đã trình đề xuất quan trọng về việc điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp sân bay từ tiêu chuẩn 4C lên 4E.
Tiêu chuẩn 4E cho phép sân bay tiếp nhận các dòng máy bay thân rộng như Boeing 777/787 và Airbus A350, mở ra khả năng khai thác các đường bay quốc tế tầm trung và tầm xa. Điều này sẽ đưa Quảng Trị trở thành một cửa ngõ giao thương quốc tế mới cho khu vực miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đi cùng với đó là ý tưởng phát triển một Tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay quy mô lớn. Mô hình "thành phố sân bay" (aerotropolis) này, nếu được hiện thực hóa, sẽ biến khu vực quanh Cảng hàng không Quảng Trị thành một trung tâm kinh tế năng động, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ hàng không, chế biến, kho vận và dịch vụ cao cấp.
Đặc biệt, việc tạo ra một tổ hợp công nghiệp hàng không sẽ mang lại nhiều giá trị cho ngành hàng không Việt Nam nói riêng và góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương, vùng và cả nước. Tổ hợp công nghiệp hàng không - sẽ giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi của ngành hàng không và công nghiệp phụ trợ quốc gia: tự chủ trong việc bảo trì, bảo dưỡng máy bay; tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện toàn cầu; phát triển các khu dịch vụ kho vận và trung chuyển hàng hóa (logistics hub); thu hút dòng vốn FDI… Việc này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp phát triển bền vững, hiện đại hóa hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và khu vực.
Việc các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào những dự án quy mô lớn, phức tạp như cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương và Cảng hàng không Quảng Trị cho thấy sự trưởng thành và tiềm lực của khối kinh tế tư nhân, đúng với tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Mô hình PPP giúp đẩy nhanh tiến độ, huy động được nguồn vốn lớn ngoài ngân sách và áp dụng kinh nghiệm quản trị, vận hành hiệu quả của doanh nghiệp.
Ở phía Bắc, việc T&T Group tham gia vào Cảng Quảng Ninh và đặc biệt là đầu tư phát triển dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (Việt Nam SuperPort) cho thấy một chiến lược logistics toàn diện.
SuperPort nằm tại "thủ phủ công nghiệp" Vĩnh Phúc, được định vị là một "siêu cảng" logistics thông minh trên cạn. Khi đi vào vận hành, đây sẽ là một trung tâm trung chuyển hàng hóa khổng lồ, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại, kết nối các khu công nghiệp phía Bắc với cảng biển Hải Phòng và các cửa khẩu quốc tế.
Các dự án này, khi kết hợp với nhau, sẽ tạo thành một trục logistics Bắc - Trung, liên kết đường biển, đường không và đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Tầm nhìn chiến lược của T&T Group
Chiến lược đầu tư vào hạ tầng của T&T Group phản ánh một xu hướng lớn: sự tham gia ngày càng sâu rộng của khu vực kinh tế tư nhân vào các lĩnh vực trước đây chủ yếu do nhà nước đảm nhiệm. Cách tiếp cận của T&T Group có một số điểm đáng chú ý.
Thứ nhất là tính hệ thống. Thay vì đầu tư dàn trải, tập đoàn tập trung vào việc tạo ra một hệ sinh thái bổ trợ lẫn nhau (hàng không - đường bộ - cảng biển - logistics). Điều này giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và tạo ra chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Thứ hai, tầm nhìn dài hạn. Các dự án như nâng cấp sân bay Quảng Trị lên cấp 4E hay xây dựng "tổ hợp công nghiệp hàng không" cho thấy một tầm nhìn vượt ra ngoài lợi ích kinh doanh trước mắt, hướng tới việc kiến tạo những động lực tăng trưởng mới cho cả một vùng kinh tế.
Thứ ba, phù hợp với chiến lược Quốc gia. Việc tích cực tham gia các dự án PPP, phát triển các dự án năng lượng quy mô lớn, đầu tư hệ sinh thái logistics thông minh ứng dụng công nghệ cao…, đang thể hiện sự đồng hành của T&T Group với Chính phủ trong việc giải quyết các bài toán lớn về hạ tầng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân "là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Quốc gia" theo đúng với tinh thần Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 57 về đột phá khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ Chính trị.
Như vậy, thông qua các dự án cụ thể và một chiến lược được định hình rõ nét, T&T Group đang chứng tỏ vai trò của một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu, có khả năng và tham vọng tham gia kiến tạo hạ tầng đất nước. Sự thành công của các dự án này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy liên kết vùng và cải thiện chất lượng sống của người dân.