Nhảy đến nội dung
 

Ngày mai, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất bay chuyến 'mở hàng'

Sau hơn 2 năm thi công, nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành vượt tiến độ, dự kiến đón chuyến bay đầu tiên từ ngày mai (17.4) và khai trương đón khách vào 19.4.

Theo kế hoạch, dự kiến từ ngày mai (17.4), các chuyến bay giữa TP.HCM và Vân Đồn của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines sẽ được chuyển sang nhà ga T3. Tiếp theo, cuối tháng 4, tất cả các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines sẽ chính thức chuyển sang nhà ga T3, ngoại trừ các chuyến bay giữa TP.HCM và Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá vẫn tiếp tục hoạt động tại nhà ga T1.

Ngay sau đợt cao điểm lễ 30.4 - 1.5, nhà ga hành khách mới hiện đại này sẽ tiếp nhận toàn bộ các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines và Vietjet, tương đương gần 80% tổng số chuyến bay nội địa đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Liên tục rút tiến độ

Đại diện ACV cho biết theo yêu cầu của Chính phủ, dự án phải được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp 30.4, rút ngắn tiến độ 2 tháng so với kế hoạch. Đây là vinh dự nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với tất cả các bên liên quan, từ chủ đầu tư, các nhà thầu, nhà cung cấp, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Sau đó, kế hoạch khai thác được đẩy sớm lên phục vụ chuyến bay đầu tiên ngay 17.4, áp lực thi công càng thêm nặng nề.

Để đáp ứng được tiến độ này, theo chủ đầu tư, giải pháp đầu tiên, không cách nào khác là phải quán triệt rõ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đối với các dự án trọng điểm, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, thi công 3 ca 4 kíp, làm xuyên ngày lễ, ngày tết, ngày nghỉ và chỉ bàn làm không bàn lùi.

Việc áp dụng các công nghệ thi công tiên tiến cũng vô cùng quan trọng. Để đẩy nhanh tiến độ thi công bê tông, các nhà thầu đã áp dụng hình thức chia nhỏ các vùng và thi công theo kiểu top - down để triển khai nhiều mũi và thi công cuốn chiếu.

Cùng với đó, kết hợp gia công các cấu kiện sắt thép, bê tông, vật tư bán thành phẩm tại các xưởng, nhà máy ngoài công trường, sử dụng các cẩu tải trọng lớn để tăng năng suất lắp dựng, hạn chế luân chuyển cốp pha, dàn giáo, vừa tiết kiệm thời gian vừa khắc phục được tình trạng mặt bằng thi công chật hẹp, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra đối với từng hạng mục công trình.

Ngoài ra, phía ACV phải áp dụng hình thức quản trị dự án theo mục tiêu kết hợp với kiểm soát quá trình, chia nhỏ khối lượng thi công của các nhà thầu theo tiến độ 15 ngày; thường xuyên đánh giá, nếu nhà thầu nào không đạt sản lượng thì phải bù vào kỳ 15 ngày tiếp theo để đảm bảo luôn luôn đạt mục tiêu đề ra.

Người dân tiếp cận nhà ga mới thế nào?

Do nhà ga hành khách quốc nội T3 nằm tách biệt với hai nhà ga hiện hữu nên việc tổ chức giao thông cũng có sự thay đổi. Hành khách có thể tiếp cận nhà ga theo 2 hướng:

Hướng di chuyển số 1: Hành khách từ nhà ga T1 và T2 đi thẳng đường Trường Sơn, rẽ vào đường Phan Thúc Duyện.

Hướng di chuyển số 2: Di chuyển trên tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn:

- Lối đi từ trung tâm TP.HCM: Đi từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa → đường Nguyễn Văn Trỗi → công viên Hoàng Văn Thụ → chạy hướng bên trái, vào hầm chui Hoàng Văn Thụ và đi thẳng đường nối Trần Quốc Hoàn đến nhà ga hành khách quốc nội T3.

- Lối đi từ phía đông TP.HCM: Đi từ đường Phạm Văn Đồng → đường Trường Sơn → đường nối Trần Quốc Hoàn đến nhà ga hành khách quốc nội T3.

- Lối đi từ phía Tây và Nam TP.HCM: Đi từ hướng An Sương hoặc Tân Kỳ Tân Quý → đường Cộng Hòa → đường nối Trần Quốc Hoàn đến nhà ga hành khách quốc nội T3.

- Lối đi từ hướng đường Trường Chinh: Đi đến đường Cộng Hòa, rẽ vào đường Hoàng Hoa Thám mở rộng hoặc rẽ vào đường 18E đến đường nối Trần Quốc Hoàn trực tiếp dẫn vào nhà ga hành khách quốc nội T3.

Để di chuyển từ nhà ga hành khách quốc nội T1 và nhà ga hành khách quốc tế T2 sang nhà ga T3 mới, hành khách có thể di chuyển bằng xe công nghệ, xe taxi hoặc xe shuttle bus của Cảng Tân Sơn Nhất bố trí, trung bình 20 phút/chuyến để kết nối và di chuyển thuận lợi trong hai cụm nhà ga hành khách.