Nhảy đến nội dung
 

Kỳ tích hồi sinh vựa lúa miền Tây

Phía sau những danh xưng "vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản" là cả một hành trình dài thấm đẫm mồ hôi, công sức và trí tuệ của hàng triệu con người.

Cuộc cách mạng thủy lợi trên "vùng đất chết"

Nhắc đến hành trình đi đến kỳ tích của vựa lúa miền Tây không thể không nói đến những cuộc cách mạng thủy lợi. Ông Nguyễn Minh Nhị (tên thường gọi Bảy Nhị), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói rằng đầu tiên phải kể đến vai trò của kênh Vĩnh Tế huyền thoại, công trình do Thoại Ngọc Hầu chỉ huy, hoàn thành năm 1824, dài 87 km dọc biên giới Campuchia không chỉ là di sản vô giá của triều Nguyễn để lại mà còn là "trục nước ngọt" dẫn nước từ sông Hậu vào sâu nội đồng phía tây nam. Từ đây, câu chuyện thủy lợi ở ĐBSCL cũng gắn chặt chương trình Đồng Tháp Mười năm 1987 và chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên năm 1988 do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng. "Với An Giang, nhiệm vụ là khai phá vùng rốn phèn của Tứ giác Long Xuyên. Ba việc phải làm là thủy lợi đi trước, khai hoang phục hóa, và giải quyết sở hữu đất đai", ông Bảy Nhị nói.

Ông Bảy Nhị vẫn nhớ, thời ấy, mùa nước nổi, nước phèn từ tận dãy núi Dângrêk, Campuchia tràn đồng, nước cỏ đọng lưu linh, phù sa sông Hậu không thể chảy sâu vào trong đồng dù có hệ thống 7 kênh trục dọc sông Hậu... Những cánh đồng ở Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) trải dài tới Kiên Giang toàn phèn nhôm, khắc nghiệt đến mức chim, cò, rắn, chuột cũng khó sống. "Khi ấy, quy hoạch thủy lợi để thoát lũ ra biển Tây đã được Bộ Thủy lợi đề cập, nhưng do thiếu tiền và sợ làm tụt nước kênh Vĩnh Tế hay đẩy phèn sang Kiên Giang khiến dự án nằm im. Chúng tôi "xé rào" vay tiền, tự lực đào kênh nội vùng nhưng mấy mùa vẫn mất trắng vì nước phèn không thoát ra được", ông Bảy Nhị nhớ lại.

Bước ngoặt đến vào năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt về An Giang, lãnh đạo tỉnh thuyết trình ý tưởng đào kênh nối Vĩnh Tế để thoát nước phèn và dẫn nước ngọt vào sâu Tứ giác Long Xuyên. Sau nhiều lần khảo sát, lắng nghe chuyên gia, tháng 7.1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho phóng tuyến kênh T5 - Tuần Thống (nay là kênh Võ Văn Kiệt).

Con kênh dài 36,7 km được đào thần tốc, hoàn thành chưa đầy một năm, đưa nước ngọt từ Vĩnh Tế xuyên Tứ giác Long Xuyên ra biển Tây. "Nước ngọt, phù sa theo kênh Võ Văn Kiệt và các kênh khác thau chua rửa phèn. Chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên sau 10 năm mới thực sự thành công mỹ mãn. Sản lượng lúa An Giang tăng từ 600.000 tấn lên 3 triệu tấn/năm", ông Bảy Nhị hồ hởi.

Chia sẻ với PV Thanh Niên, Phó cục trưởng Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi (Bộ NN-MT) Lê Hồng Linh cũng tâm đắc, chính hai chương trình cải tạo Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên với giải pháp cốt lõi là đào kênh thoát lũ, dẫn ngọt, thau chua, rửa phèn đã giúp miền Tây mở rộng sản xuất, làm nên vựa lúa miền Tây. "Các chuyên gia quốc tế như Hà Lan cũng thán phục khi cả một vùng rộng lớn trước đây không trồng được gì đã hóa thành những cánh đồng lúa bạt ngàn", ông Linh nói.

Từ nắm lúa "thần nông" đến di sản xuất khẩu gạo

Sau năm 1975, cùng với niềm vui thống nhất đất nước, ở miền Tây cũng có không ít khó khăn, nan giải nhất là ruộng đồng bỏ hoang. Cố GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học lỗi lạc của ĐBSCL, từng kể, cái khó không chỉ là chuyện khôi phục sản xuất mà ở nước mình khi ấy nông dân vẫn trồng lúa mùa, một năm một vụ, năng suất rất thấp. Cũng may, ở Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI, tại Los Banos, Philippines) nơi GS Xuân công tác trước đó, đã có những giống cao sản cho năng suất cao. Vậy là cuộc cách mạng cải tạo giống lúa miền Tây bắt đầu từ đây. Đó là việc đưa và phổ biến các giống lúa mới như IR30, loại lúa "thần nông" cho năng suất gấp 2 - 3 lần lúa mùa.

Những năm 1977 - 1978, giữa lúc sản xuất dần phục hồi thì nạn rầy nâu tàn phá, làm cháy khô các cánh đồng miền Tây. Ông Lư Văn Điền (tên thường gọi Tám Thanh), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ cũ (gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng - PV), kể: "Hậu Giang khi đó là "anh cả đỏ" về lương thực, nhưng ruộng đồng bị rầy tấn công. An ninh lương thực bị đe dọa, ảnh hưởng đến cả nước. Giữa lúc cam go ấy, chính các nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ lại một lần nữa tìm ra lời giải". Từ vài gram lúa giống IR36 do IRRI hỗ trợ ban đầu, các nhà khoa học đứng đầu là GS Võ Tòng Xuân đã nhân lên được 2.000 kg giống. Sau đó, cố Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Phạm Sơn Khai (tên thường gọi Bảy Khai) đã có một quyết định táo bạo là đóng cửa trường 2 tháng, đưa sinh viên ra đồng cùng nông dân sản xuất lúa giống. Sự kiện đó đã giúp miền Tây nhanh chóng vượt qua đại dịch rầy nâu, vài vụ lúa sau lại trúng lớn.

Cũng theo ông Tám Thanh, khi sản xuất lúa dần thuận lợi thì những vướng mắc về cơ chế lại phát sinh. Chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, tổ chức tập đoàn sản xuất được siết chặt. Ruộng đất bị xáo trộn, nông dân vào làm tập thể nhưng thiếu động lực. Sản xuất nông nghiệp khựng lại. Phải đến đầu năm 1981, Chỉ thị số 100-CT/TW về khoán sản phẩm được ban hành, nông nghiệp bước đầu được "cởi trói" khi cơ chế khoán đã khơi dậy sự phấn khởi làm chủ của nông dân.

Song bước ngoặt thực sự là năm 1988 với Nghị quyết số 10-NQ/TW, hay còn gọi là "Khoán 10" được thông qua. Nghị quyết này công nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ và quan trọng nhất là giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho nông dân. "Khoán 10" đã giải phóng sức sản xuất một cách mạnh mẽ. Chỉ sau một năm thực hiện, sản lượng lúa cả nước đạt 21,5 triệu tấn. Lúa miền Tây "nhiều không biết chỗ nào mà để hết". Từ một nước thiếu lương thực, đến tháng 11.1989, nước ta chính thức xuất khẩu gạo, chỉ trong hai tháng cuối năm ấy đã xuất được 1,7 triệu tấn, mang lại niềm vui lớn cho nông dân.

50 năm kể từ ngày non sông thống nhất, miền Tây hôm nay đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia với 95% lượng gạo, 60% kim ngạch thủy sản và 65% kim ngạch trái cây xuất khẩu; đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại quốc gia năm 2024. Di sản vô giá mà các thế hệ cha ông để lại cho ĐBSCL không đơn thuần là những giống gạo thơm ngon, những đặc sản tôm, cua, cá, trái cây nức tiếng mà còn là những chính sách đột phá, cùng hệ thống thủy lợi đồ sộ. Từ kênh Vĩnh Tế huyền thoại hơn 200 năm đến mạng lưới kênh rạch thủy lợi dài gần 92.000 km, mạch sống này vẫn ngày đêm miệt mài mang phù sa Mê Kông bồi đắp, tạo nên sức sống bền bỉ cho châu thổ Cửu Long.