Nhảy đến nội dung

Ngành logistics Đông Nam Á đang bị cuốn vào 'cuộc đua xuống đáy'

J&T Express mở rộng thị phần nhờ giảm giá sâu, nhưng chiến lược này gây áp lực lớn lên đối thủ và khiến chính phủ Indonesia phải cân nhắc áp giá sàn để bảo vệ thị trường.

Theo báo cáo tài chính năm 2024, J&T Express tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường logistics Đông Nam Á năm thứ 5 liên tiếp với thị phần đạt 28,6%, tăng từ 25,4% trong năm 2023.

Thành tích này càng đáng chú ý khi diễn ra trong bối cảnh đối thủ lớn là SPX Express - đơn vị hậu cần nội bộ của Shopee - tăng trưởng rất nhanh.

Tuy nhiên, chiến thắng của J&T đang khiến thị trường quan ngại. Giới quan sát cảnh báo mô hình “giảm giá để thắng” đang kéo toàn bộ ngành vào một chu kỳ suy thoái giá khắc nghiệt, nơi doanh nghiệp nào có thể cắt lỗ nhiều hơn sẽ là kẻ sống sót cuối cùng.

“Đây là một cuộc đua xuống đáy. Sự sống còn giờ phụ thuộc vào bên nào có thể giảm giá nhiều nhất”, ông Lai Chang Wen, CEO kiêm đồng sáng lập Ninja Van, phát biểu với Tech in Asia.

Ông nhấn mạnh tư duy kẻ thắng lấy hết có thể tối ưu lợi nhuận ngắn hạn, nhưng lại đánh đổi bằng sự hy sinh các khoản đầu tư dài hạn vào công nghệ và đổi mới.

Tình trạng này đang gây phản ứng dữ dội tại nhiều thị trường. Tại Indonesia, một trong những “mặt trận” quan trọng nhất của J&T, Hiệp hội Logistics Kinh tế Kỹ thuật số (ALDEI) của nước này cho biết thị trường đang có những diễn biến tiêu cực.

“Chúng tôi nhận thấy hiện tượng bán dưới giá thành ngày càng phổ biến, đến mức gây sụp đổ cho các doanh nghiệp khác”, ông Jimmi Krismiardhi, Phó chủ tịch ALDEI cảnh báo.

Tổ chức này xác nhận chính phủ Indonesia đang xem xét áp dụng giá sàn trong ngành logistics để ngăn chặn làn sóng cạnh tranh "hủy diệt" này. Đề xuất đã được thảo luận cùng các hiệp hội và được giới chức nước này ủng hộ.

Theo giới chuyên môn, mức giá J&T hiện đưa ra gần như thấp nhất thị trường, chưa tính SPX Express. Một nguồn tin giấu tên từ một công ty logistics tại Indonesia cho biết J&T từng không tăng giá dù giá nhiên liệu leo thang, trong khi các công ty logistics bên thứ ba (3PL) buộc phải điều chỉnh cước để duy trì biên lợi nhuận.

Giải thích cho chiến lược này, Giám đốc Tài chính của J&T Dylan Tey chia sẻ rằng công ty tận dụng hiệu ứng kinh tế theo quy mô để giảm giá thành đơn hàng. Khi xử lý khối lượng lớn bưu kiện, chi phí đơn vị sẽ giảm mạnh, cho phép công ty duy trì giá thấp mà không cần bán lỗ.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.