Nhảy đến nội dung
 

Mưa bất chợt, đường trơn trượt: Lái xe máy thế nào để đảm bảo an toàn?

Thời tiết tại nhiều tỉnh, thành phố đang diễn biến thất thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro tai nạn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Mới đây nhất, tại TP.HCM khi những cơn mưa trái mùa bất chợt xuất hiện sau những ngày trời nắng gắt khiến không ít người điều khiển xe máy lưu thông trên tuyến đường qua cầu Sài Gòn bị trượt, té ngã gây chấn thương.

Thực tế, sau những ngày nắng nóng mặt đường thường xuất hiện nhiều bụi đất, do đó khi những cơn mưa trái mùa bất chợt ập đến sẽ khiến mặt đường trơn trượt. Trong đó, những tuyến đường có độ dốc lớn, dốc dài lại có lưu lượng phương tiện đông như tuyến qua cầu Sài Gòn, cầu Bình Lợi thường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn với người điều khiển xe máy.

Do đó, việc trang bị những kỹ năng lái xe máy khi gặp tình huống trời mưa bất chợt, đường trơn trượt là điều cần thiết với người điều khiển xe máy tham gia giao thông.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Hà, giáo viên đào tạo lái xe của một cơ sở tại TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết: "Tốc độ, khoảng cách, sự tập trung và kỹ năng sử dụng phanh là những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an toàn cho người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông trong điều kiện trời mưa, đường trơn trượt. Do đó, khi gặp trời mưa, người lái xe máy nên chú ý giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với các xe đi phía trước, đồng thời sử dụng phanh nhịp nhàng, hạn chế tối đa việc phanh gấp để đảm bảo an toàn".

Thông thường, khi gặp những cơn mưa rào thoáng qua không ít người điều khiển xe máy nóng vội tìm chỗ trú mưa hay muốn đến nơi nhanh hơn để tránh cơn mưa lớn thường tăng tốc, lái xe nhanh hơn. Tuy nhiên, đây thực sự là một sai lầm, bởi việc tăng tốc khi lái xe dưới trời mưa tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do tầm tìm ít nhiều bị hạn chế, người lái sẽ không kịp xử lý với những tình huống bất ngờ. Do đó, theo ông Hà trong điều kiện trời mưa nên duy trì tốc độ dưới 50 km/giờ tại đường trường và dưới 30 - 40 km/giờ trong nội đô, đồng thời luôn khoảng cách thích hợp với các xe cùng tham gia giao thông, tuyệt đối không nên chạy bám đuôi hay song song với xe khác và không tăng tốc đột ngột, đặc biệt tại các khúc cua hay giao lộ.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an toàn khi điều khiển xe máy dưới trời mưa, đường trơn chính là việc sử dụng phanh. Hiện tại, nhiều mẫu xe máy số, xe tay ga đã được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), giúp giảm thiểu tình trạng phanh bị bó cứng gây trượt bánh khi phanh gấp hoặc phanh xe trên các đoạn đường trơn trượt. Tuy nhiên, đây chỉ là một hệ thống hỗ trợ người lái, để đảm bảo an toàn người điều khiển xe máy cần chú ý thao tác phanh.

Trên đa phần các mẫu xe máy hai bánh hiện nay, cụm phanh trước thường thiết kế tay phanh bên phải cùng bên với tay ga. Phanh trước (dạng phanh đĩa) thường nhạy hơn phanh sau nhưng lại dễ khiến xe mất bị trượt bánh. Trong khi đó, phanh sau nằm bên trái (với xe tay ga) hoặc cần đạp phanh ở chân phải (với xe số, xe côn tay). Phanh sau thường an toàn hơn phanh trước nhưng lại không nhạy bằng phanh trước.

Theo hướng dẫn của các nhà sản xuất xe máy, cách phanh xe máy đúng là sử dụng phanh trước và phanh sau luân phiên. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa phanh trước và phanh sau khi phanh xe máy cũng giúp lực phanh được phân bổ đều, nhờ đó tránh được hiện tượng bó cứng bánh xe và trượt bánh, nhất là trong điều kiện đường trơn trượt.

Bên cạnh đó, nên chú ý quan sát tình hình giao thông khi đi qua những đoạn đường trơn trượt. Để tránh va chạm, người lái nên giảm ga, bóp nhẹ phanh sau để giảm tốc độ của xe đồng thời tận dụng phanh động cơ ghìm tốc độ của xe. Sau đó, kết hợp nhịp nhàng giữa phanh trước và phanh sau để kiểm soát tốc độ khi đi qua đoạn đường trơn trượt. Lưu ý tránh giữ chặt phanh, kể cả phanh trước và phanh sau vì điều này có thể làm xe mất điều khiển.

Ngoài ra, khi lái xe dưới trời mưa nên chú ý mang áo mưa gọn gàng để tránh vướng víu hay cản trở tầm nhìn. Bên cạnh đó, luôn kiểm tra, bảo dưỡng xe định kỳ để đảm các chi tiết, bộ phận luôn vận hành ổn định, tránh hư hỏng.