Nhảy đến nội dung
 

Một vị hồng y châu Á có thể kế vị Giáo hoàng Francis

Với nụ cười thân thiện và trái tim gần gũi người nghèo, Hồng y Luis Antonio Tagle được xem là “Francis châu Á”, đồng thời là ứng viên sáng giá cho ngôi vị giáo hoàng kế nhiệm.

Hồng y Luis Antonio Tagle. Ảnh: Reuters.

Hồng y Luis Antonio Tagle của Philippines - người thường được gọi là “Francis châu Á” - đang nổi lên như một ứng cử viên sáng giá cho vị trí giáo hoàng kế nhiệm, theo Reuters.

Ông được biết đến với nụ cười ấm áp, tiếng cười dễ mến và phong thái thân thiện, gần gũi - những phẩm chất gợi nhớ đến cố Giáo hoàng Francis người Argentina.

Giống như vị giáo hoàng quá cố, Tagle đến từ một quốc gia nằm ngoài trung tâm quyền lực truyền thống của Giáo hội Công giáo ở châu Âu, và ông mang đến Vatican một góc nhìn mới mẻ của người “ngoại cuộc”.

Nếu được bầu chọn, Hồng y Tagle không chỉ trở thành giáo hoàng đầu tiên đến từ khu vực châu Á đương đại, mà còn là dấu hiệu cho thấy các hồng y muốn tiếp nối di sản cải cách của Francis - người đã mở cánh cửa của Giáo hội ra với thế giới hiện đại - thay vì quay ngược tiến trình này.

Bên cạnh đó, việc Tagle trở thành giáo hoàng sẽ đồng nghĩa với việc các hồng y đã gạt sang một bên những nghi ngại về năng lực quản lý của ông.

“Ông ấy sẽ là sự tiếp nối hoàn hảo cho những gì Giáo hoàng Francis đã khởi xướng”, Linh mục Emmanuel Alfonso, một cựu sinh viên và người bạn lâu năm của Tagle, nhận định. “Ông thực sự giống Giáo hoàng Francis về tình yêu dành cho người nghèo, sự dễ gần và nhân hậu”.

Dấu ấn toàn cầu và nền tảng thần học

Trước khi về Vatican, Tagle từng là tổng giám mục Manila - giáo phận lớn nhất tại quốc gia Công giáo đông dân nhất châu Á - và trước đó là giám mục thành phố Imus. Những kinh nghiệm mục vụ ấy giúp ông hiểu sâu sắc đời sống đức tin ở các quốc gia đang phát triển.

Từ năm 2020, ông đảm nhiệm vai trò đứng đầu Bộ Truyền giảng Phúc âm - cơ quan phụ trách các hoạt động truyền giáo của Tòa Thánh. Vị trí này trao cho ông ảnh hưởng sâu rộng với các giáo hội quốc gia tại nhiều khu vực đang phát triển.

Tuy nhiên, chính sự thăng tiến của ông tại Vatican từng vấp phải chỉ trích từ cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã phát động cuộc “chiến tranh ma túy” đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong giai đoạn 2016-2022.

Ông Duterte cáo buộc Tagle bị điều chuyển vì “can thiệp vào chính trị quốc gia” - điều mà Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines bác bỏ mạnh mẽ. Đức Giám mục Pablo Virgilio David, hiện là hồng y, cũng là người lên tiếng phản bác, gọi những tuyên bố của Duterte là “phi lý đến khó tin”.

Tagle được nhiều hồng y biết đến và yêu mến. Họ nhìn thấy ở ông một biểu tượng cho tương lai của Giáo hội tại châu Á - khu vực đang phát triển mạnh mẽ về đức tin. Đặc biệt, giới trẻ cảm thấy gần gũi với vị hồng y có biệt danh thân mật “Chito” này người trông trẻ trung hơn nhiều so với tuổi 67.

Giao hoang ke nhiem anh 1

Hồng y Luis Antonio Tagle được nhận xét là người có lối sống giản dị, phong thái thân thiện và có nền tảng thần học vững vàng. Ảnh: Reuters.

Trong chuyến thăm của Giáo hoàng Francis đến Philippines năm 2014, chính Tagle là người chủ trì đón tiếp và tổ chức các hoạt động. Chuyến đi đã ghi nhận lượng người tham dự đông nhất trong lịch sử các chuyến công du của giáo hoàng – với thánh lễ thu hút tới 7 triệu tín hữu.

Ngoài sự gần gũi và nhân ái, Hồng y Tagle còn sở hữu nền tảng thần học vững vàng. Đây là điều khiến ông được đánh giá cao trong giới học thuật và có thể thu hút sự ủng hộ từ các hồng y ôn hòa.

Ông từng là thành viên Ủy ban Thần học Quốc tế của Vatican vào thập niên 1990, dưới thời Hồng y người Đức Joseph Ratzinger - người nổi tiếng bảo thủ và sau này trở thành Giáo hoàng Benedict XVI.

Linh mục Joseph Komonchak, giáo sư tại Đại học Công giáo Mỹ, người từng giảng dạy Tagle, cho biết ông là một trong những sinh viên xuất sắc nhất suốt 45 năm sự nghiệp giảng dạy của mình.

“Chito luôn lan tỏa niềm vui cho những ai tiếp xúc với ông. Ông có khiếu hài hước rất duyên dáng, khiến bạn bè ai cũng quý mến”, linh mục Komonchak chia sẻ.

Điểm cộng, và những vết gợn

Ngoài nền tảng thần học, Linh mục Robert Reyes, bạn học và đồng môn với Tagle suốt hơn 50 năm, cũng cho biết: “Ông ấy sống rất giản dị và gần gũi. Khi mới trở thành giám mục vào năm 2001, ông còn chẳng có ôtô riêng. Ông thường xin đi nhờ xe với người quen nếu tiện đường.”

Dẫu vậy, một số hồng y vẫn bày tỏ lo ngại khi Tagle từng liên quan đến vụ bê bối quản lý vào năm 2022.

Khi đó, Giáo hoàng Francis cách chức toàn bộ ban lãnh đạo tổ chức Caritas Quốc tế - liên minh từ thiện Công giáo hoạt động tại hơn 200 quốc gia vì cáo buộc có hành vi bắt nạt trong nội bộ. Dù chỉ giữ vai trò danh nghĩa, không tham gia điều hành trực tiếp, Tagle vẫn bị gắn tên với vụ việc này.

Ở tuổi 67, độ tuổi được xem là “đủ chín” trong Giáo hội, Hồng y Tagle hội tụ cả sự trẻ trung lẫn từng trải, lý tưởng để đảm nhận một triều đại giáo hoàng không quá dài, nhưng đủ lâu để khẳng định dấu ấn.

Những cuốn sách hay về châu Âu

Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".

Độc giả có thể xem thêm tại đây.