Mới đầu mùa, miền Bắc mưa như trút nước có bất thường?
Trong một vài giờ mưa đã trút xuống một số tỉnh miền Bắc với cường suất lớn, đến 200 mm. Khoảng 22-25/5, khu vực đón tiếp đợt mưa lớn diện rộng, lượng mưa có thể lên tới 350 mm.
Trước diễn biến về trận mưa lớn vừa qua ở miền Bắc, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vừa đưa ra những đánh giá chung, đồng thời nhận định, cảnh báo về đợt mới sắp tới.
![]() |
Miền Bắc mưa liên tiếp dù mới đầu mùa. Ảnh minh họa: Minh Hiền. |
Theo đó, từ đầu tháng 5 đến nay, mặc dù chưa bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa lũ ở Bắc Bộ, nhưng đã xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm như mưa giông, lốc, sét, mưa đá.
Ông Khiêm cho biết, một số nơi đã ghi nhận các đợt mưa giông, mưa lớn cục bộ với lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.
Đáng chú ý là mưa cường suất lớn trong một vài giờ lên đến 100-200 mm trong đêm 17/5 vừa qua, như: Yến Dương (Bắc Kạn) 20-24h ngày 17/5 mưa 195 mm; Na Hang (Tuyên Quang) 21-24h mưa 198 mm; Tân Lập (Hà Giang) 20-24h mưa 132 mm; Quảng Yên (Quảng Ninh) 18-21h mưa 150 mm; Dân Tiến (Thái Nguyên) 16-19h mưa 192 mm...
Theo dự báo hiện tại, tổng lượng mưa tháng 5 có thể cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-30%. Tuy nhiên, ông Khiêm nhận xét, lượng mưa như này cũng chưa đáng kể so với tháng 5/2024 (cao hơn trung bình nhiều năm 30-60%).
“Điều đáng chú ý là sự xuất hiện của mưa cường suất lớn trong khoảng thời gian ngắn. Điều này cũng đã thường xuyên xảy ra những năm vừa qua”, ông Khiêm lý giải.
Ông Khiêm nhận định, những ngày tới hiện tượng mưa giông vẫn còn xuất hiện, chủ yếu vào chiều tối và đêm.
Cụ thể, khoảng ngày 22-25/5, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xảy ra đợt mưa lớn diện rộng, trong đó ở Bắc Bộ, lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm, có nơi trên 350 mm.
“Có thể xuất hiện mưa cục bộ với cường suất lớn (trên 100 mm trong 3 giờ)”, ông Khiêm lưu ý.
Ngoài ra, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, những vùng đã bắt đầu vào mùa mưa nên các đợt mưa giông vào chiều tối và đêm cũng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.
![]() |
Trận lũ quét tại xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đêm 17/5 gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ảnh: Bảo Khánh. |
Liên tục cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Ông Mai Văn Khiêm cho biết để chủ động ứng phó với các tình hình thiên tai trong thời gian tới, Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản thông tin cảnh báo một số nguy cơ thiên tai cụ thể gửi các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt từ này đến cuối tháng 5.
Theo ông Khiêm, có một số điểm cần lưu ý, thứ nhất, đây đang là thời điểm giao mùa nên hiện tượng mưa giông mạnh có thể xuất hiện kèm theo lốc xoáy, sét và mưa đá, gió giật mạnh.
Các nguy cơ này không chỉ đối với các tỉnh Bắc Bộ mà các địa phương ở Tây Nguyên và Nam Bộ, ông Khiêm lưu ý.
Đặc biệt, ông Khiêm nhấn mạnh: “Thứ hai, lũ quét, sạt lở đất là nguy cơ thường trực chúng tôi vẫn liên tục cảnh báo trong những ngày tới”.
Đặc biệt, các tỉnh miền Bắc như: Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang... vừa trải qua một đợt mưa lớn nên tại các vùng đồi núi, đất đá đã bão hòa nước nên nguy cơ trượt lở đất vẫn ở mức cao. người dân cần đề phòng với các hiện tượng trượt lở tránh gây thiệt hại về người và tài sản vật chất.
Thứ 3, với kịch bản mưa được dự báo như trên thì cần đề phòng nguy cơ từ ngày 22-25/5, trên thượng nguồn sông Thao, sông Lô và một số sông nhỏ ở Bắc Bộ, Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên phổ biến từ 2 tới 5 m.
Ngoài ra, do mưa cường suất lớn chắc chắn xuất hiện ngày càng thường xuyên có thể gây ra ngập úng tại các vùng trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp...
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, đến 9h sáng 18/5, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to đến rất to và giông, trong đó mưa to tập trung tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn. Hậu quả, có 4 người tử vong và một người bị thương; nhiều nhà ở của người dân bị ngập, sạt lở, cuốn trôi, hư hỏng...
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.