Máy bay 'made in China' từng chào hàng Việt Nam vừa có cột mốc quan trọng ở thị trường nội địa

Mẫu máy bay thân hẹp Comac C919 sắp đánh dấu năm hoạt động thương mại thứ 3 và đã mở rộng mạng lưới thành phố mà nó phục vụ lên con số 15.
C919, máy bay thân hẹp "made in China" – được xem là biểu tượng cho khát vọng công nghệ của Bắc Kinh – sẽ bước vào năm hoạt động thương mại thứ 3 vào tuần tới. Nó đánh dấu cột mốc quan trọng này bằng việc tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động.
Cụ thể, thành phố trung tâm kinh tế và công nghệ phía nam của Trung Quốc là Thâm Quyến và thành phố du lịch nổi tiếng Hạ Môn (Phúc Kiến) đã trở thành những thành viên mới nhất trong mạng lưới hoạt động của C919 từ tuần trước, nâng tổng số thành phố nội địa mà nó phục vụ lên 15.
C919 cũng đã thực hiện các chặng bay Thượng Hải – Hong Kong từ giữa tháng 1/2025, đánh dấu dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới thường nhật đầu tiên mà loại máy bay này được khai thác.
Trung Quốc đang cố gắng đảm bảo nhiều đơn đặt hàng máy bay C919 hơn cả trong và ngoài nước với tham vọng cạnh tranh với những gã khổng lồ là Boeing và Airbus.
Tuyến bay mới được thiết lập ở Thâm Quyến đồng nghĩa C919 đã phục vụ cả 4 trung tâm đô thị hàng đầu của Trung Quốc, cùng với Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Các điểm đến quan trọng khác của C919 gồm Trùng Khánh, Thành Đô, Vũ Hán hay Hàng Châu – đều xếp hạng trong 10 đô thị lớn nhất của Trung Quốc.
"Mạng lưới của C919 bao phủ các thành phố lớn nhất và các trung tâm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc chứng minh độ tin cậy trong hoạt động và tiềm năng thu về lợi nhuận", Jason Zheng của Airwefly cho hay.
Ông nói thêm C919 đang được các hãng hàng không và cơ quan quản lý nước ngoài theo dõi chặt chẽ và việc nó tiếp tục hoạt động suôn sẻ trong nước, đặc biệt trên các tuyến có tần suất cao nhất như giữa Bắc Kinh với Thượng Hải và Thâm Quyến sẽ là bằng chứng về năng lực hoạt động.
Kể từ chuyến bay thương mại đầu tiên của C910 từ Thượng Hải đến Bắc Kinh do China Eastern Airlines khai thác (tháng 5/2023), các hãng hàng không lớn khác là Air China và China Southern Airlines cũng đã đặt hàng.
Nhà sản xuất loại máy bay này, Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) đang đảm bảo bàn giao cho khoảng 360 đơn hàng từ người mua trong nước, chiếm lĩnh thị phần ngày càng tăng trong một thị trường trước đây do Boeing 737 và Airbus A320 thống trị. Comac cũng đã nộp đơn xin cấp chứng nhận cho C919 lên Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu.
Là hãng hàng không đầu tiên tin dùng C919, China Eastern đã tận dụng tốt mẫu máy bay này với số giờ bay trung bình hàng ngày tăng lên 7,6 giờ, chủ yếu cho các chuyến bay chặng ngắn. Để so sánh, một chiếc Airbus A320 có 8-10 giờ bay mỗi ngày cho các chuyến bay trung bình 1-2 giờ mỗi chặng tại Trung Quốc.
Mặc dù được coi là máy bay "made in China", C919 vẫn dựa vào các thành phần tiên tiến từ Mỹ và các nhà cung cấp phương Tây, chẳng hạn động cơ máy bay. Một số giải pháp thay thế nội địa đang được phát triển.
Comac C919 là máy bay chở khách thân hẹp với chiều dài gần 39 m, sức chứa tối đa 192 khách, tầm bay tối đa 4.075 km.
Năm 2024, C919 và một mẫu máy bay khác của Comac là ARJ21 đã có mặt ở sân bay Vân Đồn để tham gia triển lãm và trình diễn máy bay thương mại – như một động thái "chào hàng" tới các hãng hàng không Việt Nam.
Đầu năm 2025, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có công văn lấy ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp về áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn xây dựng nghị định và thông tư liên quan để cấp phép khai thác tại Việt Nam máy bay Comac do Trung Quốc sản xuất.