Nhảy đến nội dung

Lòng se điếu - cú lừa ẩm thực của thời đại

Một món ăn tưởng chừng tinh túy đã khiến chúng ta giật mình trước thói quen tin vào điều được tô vẽ là đắt đỏ, hiếm có.

Có lẽ những ngày qua là khoảng thời gian “vụn vỡ” của Hội những người thích ăn lòng ở Việt Nam (hội này tôi đoán có lẽ là hàng triệu người, có cả tôi), khi nhận ra món lòng se điếu yêu thích lâu nay, không gì hơn ngoài một cú lừa. Bức tường thành niềm tin với các món ăn từ nội tạng vốn dĩ đã mong manh, nay đã chính thức sụp đổ khi từ đầu bếp cho đến chuyên gia chăn nuôi và cả đại diện lò mổ đều quả quyết: Lòng se điếu các bạn ăn đó giờ toàn là hàng… fake.

Là một người đam mê lòng, cũng đã từng đòi những người bạn của mình đưa đi ăn bằng được đĩa lòng se điếu có giá gần cả triệu - đây là điều tôi không muốn tin. Nhưng ngay cả khi không muốn, tôi cũng không có một lý lẽ hay cơ sở nào để phản biện. Tôi nhận ra là dù thích ăn lòng và đã ăn rất nhiều lòng se điếu trong đời (hoặc tôi tưởng đó là lòng se điếu), nhưng tôi không biết lòng se điếu là cái gì ngoài việc lờ mờ hiểu rằng nó rất hiếm, cũng chưa từng đặt câu hỏi là tại sao nó hiếm mà hàng nào cũng… bán. Tình yêu dành cho món lòng cộng với niềm tin tập thể vào sự trong sáng của món ăn đã khiến không chỉ tôi, mà còn rất nhiều người Việt khác đã quên đi cái logic thực tế là không phải con lợn nào cũng có lòng se điếu để cung cấp đủ cho số nhà hàng lòng trải dài khắp Việt Nam. Cho đến khi có người lên tiếng…

Đằng sau sự dối trá của những miếng lòng se điếu “nhân tạo” nhan nhản, đó là một hệ thống niềm tin thị trường, văn hóa tiêu dùng và một cú lừa ẩm thực tinh vi mà cả xã hội tình nguyện tham gia.

Lòng se điếu - “của hiếm” hay cú lừa của thời đại?

Người Việt có một sự kiêu hãnh nhất định khi nói về sự tài tình trong việc tận dụng mọi nguyên liệu để biến thành món ngon, thậm chí nâng tầm chúng thành đặc sản. Ở đâu chỉ chọn những miếng thịt ngon nhất để thưởng thức thì người Việt không bỏ sót một bộ phận nào của động vật: Tiết canh, lòng, dạ dày, tim, gan, phèo, phổi, thậm chí là cả miếng… phao câu. Đây là minh chứng văn hóa của tính cách người Việt: Tiết kiệm, khéo léo và rất nhiều sự tinh tế. Ông cha nào nghĩ ra được cách đánh tiết canh cho máu đông lại, rồi ăn cùng gan, mề, rau húng và lạc… lại không phải là đỉnh cao của sự sáng tạo tinh tế đó sao?

Với thói quen tận dụng ấy, lòng se điếu được truyền miệng như một thứ “của hiếm” từ con lợn. Theo dân gian, lòng se điếu chỉ có ở những con heo cái sống lâu năm, vốn gầy và yếu, thế nên mỗi con chỉ có một đoạn nhỏ. Theo một lý giải kiểu truyền miệng khác thì lòng se điếu thực chất là đoạn lòng của những con heo có đột biến, hoặc gặp vấn đề sức khỏe. Đó là chưa kể xác suất có lòng se điếu ở lợn cũng rất… hên xui, không phải con nào cũng có. Lòng se điếu trở thành một món ăn đặc biệt, được thổi lên thành hàng “tinh hoa” trong lĩnh vực “lòng lợn”, tương tự như lõi rùa là đẳng cấp cao nhất của phở tái bắp. Và rồi, khi nhu cầu của người ăn tăng lên, lòng se điếu từ một món lẽ ra là phải hiếm, thì lại trở thành cực kỳ phổ biến. Từ chỗ chỉ xuất hiện dăm ba lần một năm trong bữa cỗ đặc biệt, nay lại có thể gọi bất cứ lúc nào trên bàn rượu.

Không ai cảm thấy vô lý, chỉ thấy… may - vì được ăn một miếng ngon hiếm gặp mà không phải thấp thỏm chờ đợi.

Sự vô lý trước cảnh tràn lan lòng se điếu vẫn cứ thế tồn tại, công khai và hiển nhiên trước mắt người tiêu dùng, cho đến khi hàng loạt tài khoản mạng xã hội đứng lên đặt câu hỏi: Hiếm như thế, tại sao có thể bán nhan nhản khắp hàng cơm quán nhậu? Có người còn quả quyết: Làm nhà hàng suốt 10 năm, mổ không biết bao nhiêu con lợn - mà mới gặp bộ lòng se điếu 2 lần. Thậm chí không ít người thẳng thắn chia sẻ: Nhà tôi làm lò mổ, cả nghìn con lợn mới có vài con có se điếu. Thế thì đó giờ lòng se điếu từ đâu mà ra? Nếu không phải từ con lợn, thì phải chăng từ chính những phản ứng hóa học giữa các hóa chất, phụ gia tạo độ giòn, làm se mặt thực phẩm, tẩy trắng như oxy già, phèn chua, formol? Chắc có lẽ chỉ đội quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm mới trả lời được câu hỏi này. Chỉ biết là, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, một chủ tiệm lòng nổi tiếng trên TikTok vừa khoe clip bộ lòng se điếu dài 40m đã phải lên xin lỗi cư dân mạng vì trót… làm tròn dù bộ lòng chỉ dài hơn 27m.

Đằng sau cú lừa lòng se điếu - Một bài học về văn hóa tiêu dùng

Cứ thế, trong suốt nhiều năm, lòng “giả” se điếu vẫn ung dung tồn tại nhan nhản nhờ niềm tin vô hình giữa người cung cấp và người tiêu thụ. Chỉ cần một câu khẳng định của người bán “chuẩn se điếu” là người mua sẵn sàng gật đầu lia lịa, và thế là xong. Không giấy tờ kiểm định, không đặt câu hỏi: “Hiếm mà sao lắm thế hả anh/chị?”. Nó không khác gì câu chuyện nhưng món như trứng non, chân và cánh gà tẩy trắng từng nhan nhản suốt một thời gian dài. Ai cũng cảm nhận được một sự mơ hồ, mập mờ và không an tâm khi nhắc đến những món ăn này, nhưng rồi vẫn sẵn sàng gạt đi vì ngon, vì… ăn quen rồi có thấy gì đâu. Nhiều người cảm thấy nghi nghi khi ăn những món này ở lề đường với mức giá rẻ giật mình, cảm nhận được hương vị thiếu tự nhiên của thực phẩm nhưng vẫn quyết tâm nhắm mắt ăn. Câu cửa miệng “Ăn bẩn sống lâu” hay “đã chết ai đâu” trở thành một kiểu biện minh. Một sự thỏa hiệp đầy hài hước và lạc quan đi cùng với nguy cơ nhìn thấy được về sức khỏe.

Cho đến khi những bức màn lần lượt được vén lên, người tiêu dùng mới hốt hoảng nhận ra… “Hóa ra những gì mình ngờ ngợ đều là đúng”. Là một tín đồ của món lòng, tôi cũng phải thừa nhận rằng mỗi lần ăn lòng là một lần tôi nhắm mắt làm ngơ trước sự phản đối của lý trí. Tôi lờ mờ đoán rằng đĩa lòng ngon lành trước mặt mình rất có thể đã trải qua nhiều bước ngâm, rửa với hóa chất để giữ được độ tươi giòn, nhưng vì không chứng kiến tận mắt cũng như không biết chính xác quy trình làm việc đó, tôi vẫn nhắm mắt cho qua để ăn cho đỡ thèm. Đáng sợ nhất lúc này không phải là món lòng “giả” se điếu hay chân gà được tẩy trắng, mà chính là tâm lý chấp nhận biết là có “hóa chất nhưng ngon”. Niềm tin trở nên dễ dãi, còn nỗi lo trở thành sự thỏa hiệp để đổi lấy niềm vui.

Sự sụp đổ niềm tin với món lòng se điếu không khiến ai mất nhà cửa, nhưng nó góp phần nuôi lớn văn hóa tiêu dùng dễ dãi và sẵn sàng chấp nhận rủi ro dù biết trước. Một miếng lòng “giả” se điếu không khiến bạn bị ngộ độc ngay lập tức, nhưng nó dần tích lũy thành sự hời hợt của người mua và sự vô tâm của người bán. Đây không chỉ còn là câu chuyện của lòng se điếu, đây còn là câu chuyện về cafe trộn bột bắp, vi cá giả, chân gà hóa chất, hay muôn vàn những loại xiên bẩn đủ màu sắc được tẩm ướp và chiên ngập dầu. Những thứ mà chúng ta dù biết nó không tốt nhưng vẫn tặc lưỡi cho qua vì rẻ, vì ngon, vì tiện. Lâu dần, chính chúng ta tạo nên một môi trường và hệ thống chấp nhận sự tồn tại của thực phẩm không an toàn, chấp nhận sự xuất hiện của hóa chất, chấp nhận sự mập mờ của nguồn gốc những thứ ta bỏ vào miệng. Đó mới là cái giá đắt nhất mà người tiêu dùng phải trả.

Khi “bức xúc không làm ta vô can”

Còn lại gì sau sự sụp đổ niềm tin của người tiêu dùng với món lòng se điếu? Cơ quan chức năng sẽ ráo riết vào cuộc để giải đáp câu hỏi về sự minh bạch và an toàn của loại thực phẩm này. Hàng loạt những tiệm lòng, cơ sở giết mổ có dấu hiệu mập mờ sẽ phải chịu phạt. Người tiêu dùng, dĩ nhiên, học được một bài học nhớ đời về an toàn thực phẩm, và giờ đây hẳn sẽ cảnh giác gấp nhiều lần trước cám dỗ của các món ăn lề đường.

Nhưng tôi không nghĩ người dùng vô can trong sự sụp đổ của lòng se điếu. Rõ ràng, chúng ta đã sống với sự ngờ vực trước các món nội tạng từ rất lâu về trước. Chỉ có điều, không ai đủ kiên quyết để đứng lên đặt một câu hỏi đanh thép về sự an toàn của những món ăn này. Lòng se điếu rõ ràng là một cú lừa ẩm thực, nhưng chúng ta - với cương vị là khách hàng - cũng đã vui vẻ tự đồng ý tham gia vào cú lừa ấy. Chúng ta đã thỏa hiệp, tự nguyện và hài lòng.

Rõ ràng, đâu đó vẫn còn những hàng lòng chân chính – nơi lòng se điếu là thật, xoắn tay đúng điệu và thơm phức mùi mỡ hành. Dù số lượng chẳng còn tràn lan như trước, và rất có thể giá của lòng se điếu “chuẩn” sẽ sớm vọt lên như biểu đồ giá vàng. Nhưng có lẽ là nên thế. Cú lừa lòng se điếu lần này không chỉ khiến dân tình vỡ lẽ về niềm đam mê mãnh liệt với món lòng, mà còn tạo nên một cuộc “nội chiến” đầy hào hứng – từ bàn phím đến bàn nhậu, từ TikTok đến lò mổ, từ mạng xã hội đến cả cơ quan thanh tra vệ sinh thực phẩm.

Rất nhiều người trong chúng ta (bao gồm cả tôi) cuối cùng cũng đã biết lòng se điếu là gì, đến từ đâu, và… một con lợn thật ra chỉ có thể “ra lò” được bao nhiêu khúc. Và cũng từ đó, có thêm chút tỉnh táo khi quyết định có nên “gọi một đĩa lòng có se điếu” trong lần tới hay không. Điều đáng giá hơn cả là chúng ta đã học được bài học cũ nhưng luôn mới: cẩn trọng với những thứ được tô vẽ là “hiếm có, đắt đỏ và tinh túy”.

Còn tôi, lần tới khi đứng trước một đĩa lòng được bày biện đẹp đẽ, giữa trung tâm là miếng lòng se điếu nhỏ xinh... chắc vẫn sẽ ăn. Vừa ăn vừa bán tín bán nghi, rồi thở dài mà nghĩ: “Niềm vui thích khi được ăn ngon là thật”. Vì đôi khi, thứ ta tìm kiếm trên bàn nhậu không chỉ là một món ăn – mà là một cảm giác. Dù có hơi… dối trá, nhưng lại khoái chí đến lạ.