Làm điều mình thích hay học cách yêu thích điều mình làm?
Cuốn sách đề cập đến những vấn đề mới về việc làm trong thời đại 4.0, khi mà trí tuệ nhân tạo khiến thị trường lao động trở nên khốc liệt hơn. Tác giả muốn nhắn nhủ tới người đọc, muốn trở thành nhân viên không thể, chúng ta nên biết tận dụng công nghệ, biến nó thành trợ thủ đắc lực.
|
Nỗ lực hết mình trong công việc, bạn sẽ tìm ra những điều thú vị với thứ mình đang làm. Ảnh minh họa: tVN. |
Tại sao càng làm việc càng khiến bạn không vui?
Việc yêu thích công việc hay không, nhiều lúc không được quyết định bởi tính chất của công việc, mà được quyết định bởi tâm thái của bạn đối với công việc.
Trong xã hội này, muốn tìm được một công việc mà bản thân thực sự yêu thích quả thực là quá khó khăn, thông thường công việc của bạn hoặc là không đúng chuyên ngành, hoặc là đãi ngộ và tiền lương không khiến bạn hài lòng; hoặc là phải tăng ca thường xuyên, hoặc là phải đối mặt với các mối quan hệ xã hội phức tạp…
Cho dù là vậy, mọi người vẫn vừa chán ghét công việc mình đang làm, vừa ra sức tìm kiếm công việc lí tưởng mà tự bản thân cho rằng nhất định mình sẽ hài lòng.
Đại Vĩ cảm thấy bản thân thật may mắn vì đang được làm công việc mình yêu thích. Trước đây, khi mới chân ướt chân ráo vào làm tại một công ty nọ, cậu chủ yếu phụ trách công việc viết thông tin sản phẩm, tuy không cần tăng ca, nhưng việc phải làm mỗi ngày đều phức tạp, tiền lương và đãi ngộ lại không được như mong muốn.
Giống như rất nhiều người khác, Đại Vĩ cũng không muốn làm công việc này lâu dài. Nhưng điểm khác biệt giữa cậu và người khác là, rất nhiều người rời bỏ công ty chỉ đơn thuần là vì muốn rời bỏ, nhưng lại không biết rốt cuộc mình muốn làm công việc nào, còn Đại Vĩ đã có mục tiêu rất rõ ràng, làm thiết kế đồ họa.
Nhưng chuyên ngành của cậu không phải là thiết kế đồ họa. Đối với cậu mà nói, làm công việc này đồng nghĩa với việc phải bắt đầu lại từ con số 0. Đại Vĩ đã dùng hai tháng tiền lương để đăng ký một lớp bồi dưỡng thiết kế đồ họa. Thời gian ngoài giờ làm và ngày nghỉ cuối tuần, Đại Vĩ đều dành để đi học, mưa gió không cản bước chân cậu, cậu cứ kiên trì như vậy tới khi khóa học kết thúc.
Mặt khác, ở chỗ làm, hàng ngày Đại Vĩ không chỉ hoàn thành công việc của mình đâu ra đấy, mà còn hăng hái giúp đỡ các đồng nghiệp làm công việc liên quan đến thiết kế đồ họa một cách bài bản.
Trong lúc rảnh rỗi, Đại Vĩ cũng sẽ gửi tác phẩm do mình thiết kế tới trang web thiết kế đồ họa, giao lưu với những người cùng sở thích, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ.
Sau đó, khi Đại Vĩ xin thôi việc, để giữ chân cậu, công ty quyết định điều cậu đến phòng thiết kế đồ họa, nhưng cậu đã từ chối. Cậu nói rằng: “Tôi từ chức và rời đi là vì tôi biết, nếu muốn phát triển năng lực của bản thân tốt hơn, muốn có thành tích trong lĩnh vực này, thì tôi cần phải đến công ty thiết kế chuyên nghiệp hơn.
Dù phải bắt đầu lại từ con số 0, nhưng sự trưởng thành trong mỗi ngày sau đó đều sẽ được tính theo cấp số cộng, thậm chí là cấp số nhân.” Sau đó, Đại Vĩ đã trở thành chuyên viên thiết kế đồ họa cho một công ty thiết kế nổi tiếng. Tuy công việc vất vả hơn, nhưng cậu lại thích thú, làm việc trong tâm thái thỏa mãn và vui vẻ mỗi ngày.
Rốt cuộc công việc như thế nào mới khiến chúng ta yêu thích? Đầu tiên, đây phải là công việc mà bạn muốn làm, như vậy bạn mới sẵn lòng dốc toàn tâm sức đầu tư cho nó. Thứ hai, đây phải là công việc mà bạn tự tin thực hiện, như vậy bạn mới không tràn đầy cảm giác bất lực.
Chỉ khi công việc hội tụ hai yếu tố này, mới có thể khiến bạn làm việc nhiệt tình và hăng say, không những có thể nâng cao hiệu suất và chất lượng, mà còn khiến cảm giác thành tựu và hạnh phúc trong bạn tăng lên gấp bội.