Nhảy đến nội dung
 

Kỳ họp Quốc hội lịch sử mở đường cho chính quyền địa phương 2 cấp, kết thúc cấp huyện

Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khai mạc sáng nay được xem là kỳ họp lịch sử, đưa ra những quyết sách hệ trọng: Thông qua đề án sáp nhập tỉnh, thành; tạo hành lang pháp lý vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

VietNamNet có cuộc phỏng vấn Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Tạ Thị Yên xung quanh nội dung này.

Tạo hành lang pháp lý cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Theo bà, vì sao kỳ họp Quốc hội lần này được xem là kỳ họp lịch sử?

Trước tiên, về thời gian và khối lượng công việc, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chưa có kỳ họp nào thời gian họp kéo dài với nội dung xem xét, thảo luận nhiều như lần này.

Theo chương trình dự kiến, kỳ họp sẽ kéo dài gần 2 tháng với tổng thời gian làm việc 37 ngày và có bố trí làm việc một số ngày cuối tuần. 

Về nội dung, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…

Đặc biệt, kỳ họp lần này khai mạc sớm hơn thông lệ với nhiều nội dung quan trọng để xem xét, quyết định các vấn đề thực sự cấp thiết vừa được Trung ương thống nhất chủ trương tại Hội nghị lần thứ 11 phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; điều chỉnh những luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Trong đó phải kể đến việc sửa đổi Hiến pháp 2013; xem xét, thông qua đề án sáp nhập cấp tỉnh để giảm từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ thảo luận, sửa đổi nhiều luật quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015… Từ đó, tạo hành lang pháp lý để hình thành tổ chức bộ máy mới, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với nhiều cơ chế, chính sách mới đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Mô hình chính quyền 2 cấp tới đây sẽ tạo ra những đổi mới gì trong công tác quản lý, quản trị của địa phương?

Theo tôi, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện) sẽ tạo ra những thay đổi rất rõ trong công tác quản lý, quản trị ở địa phương.

Trước hết là sự thay đổi trong cách điều hành. Khi không còn cấp trung gian, việc điều hành, chỉ đạo sẽ nhanh và linh hoạt hơn. Các quyết định, chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã sẽ nhanh chóng hơn, không bị chậm trễ hay “nghẽn” ở khâu trung gian, giảm được tình trạng “qua nhiều cửa” như trước. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh cần phản ứng nhanh với các tình huống thực tế ở cơ sở. 

Thứ hai, trách nhiệm sẽ được phân định rõ hơn. Trước đây, có những việc giữa cấp huyện và xã còn "vênh nhau" hoặc còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Nay chỉ còn 2 cấp, buộc cấp tỉnh phải phân quyền, phân cấp rõ ràng cho xã, và xã cũng phải chủ động hơn, chịu trách nhiệm trực tiếp trước dân.

Thứ ba, công tác tổ chức bộ máy, biên chế cũng thay đổi. Việc tinh giản sẽ đi kèm với sắp xếp lại cán bộ, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ, tránh dàn trải. Những người có năng lực sẽ được trao cơ hội, còn những vị trí không cần thiết sẽ được cắt giảm, tránh lãng phí.

Ngoài ra, công tác quản lý ngân sách, đầu tư công cũng sẽ rõ ràng và hiệu quả hơn khi quy trình rút gọn, trách nhiệm được xác định cụ thể.

Cùng với đó, việc tinh gọn bộ máy, dự kiến giảm số tỉnh, thành từ 63 xuống còn 34; số xã từ hơn 10.000 xuống còn hơn 3.000 đơn vị hành chính cấp xã cũng giúp tiết kiệm đáng kể nguồn lực - cả về nhân sự lẫn ngân sách.

Nếu sắp xếp lại hợp lý, vừa tinh giản, vừa sàng lọc để chọn được những người có năng lực, kinh nghiệm ở lại thì mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ vận hành hiệu quả.

Chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động, '2 cộng 2 lớn hơn 4'

Với sự thay đổi mang tính lịch sử này, theo bà, người dân sẽ được thụ hưởng những gì?

Khi bộ máy hành chính vận hành hiệu quả, tất nhiên người dân sẽ được hưởng thụ rất nhiều.

Trước tiên, việc giải quyết thủ tục hành chính sẽ thuận tiện hơn. Khi bộ máy gọn lại, không còn trung gian cấp huyện, người dân không phải đi lại nhiều nơi, không mất thời gian chờ đợi, hồ sơ được xử lý nhanh hơn, rõ ràng hơn.

Chất lượng dịch vụ công sẽ được cải thiện. Khi bộ máy tinh gọn, số người hưởng lương ngân sách giảm đi thì phần ngân sách đó địa phương sẽ tập trung đầu tư vào con người và công nghệ. 

Người dân sẽ được phục vụ bởi đội ngũ cán bộ tinh hơn, có năng lực hơn, và được hỗ trợ bằng các hệ thống số hóa hiện đại, minh bạch.

Ngoài ra, chi phí cho bộ máy giảm xuống cũng đồng nghĩa với việc ngân sách có điều kiện để đầu tư phát triển hạ tầng, y tế, giáo dục, chăm lo cho đời sống của người dân tốt hơn.

Tóm lại, nếu làm tốt, sự thay đổi này sẽ không chỉ là cải cách bộ máy nhà nước mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng sống của người dân một cách thiết thực.

Tất nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình mới, chúng ta cần đánh giá kỹ từng địa phương, có phương án chuyển tiếp rõ ràng, đặc biệt là quan tâm đến đội ngũ cán bộ bị ảnh hưởng để họ yên tâm chuyển đổi công việc khác và có chế độ đãi ngộ xứng đáng với đội ngũ ở lại để họ yên tâm tiếp tục làm việc hiệu quả hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sáp nhập tỉnh lần này không đơn giản là "2 cộng 2 bằng 4”. Vậy theo bà, mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này là gì?

Như Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đất nước lâu dài. 

Mục tiêu bao trùm của chủ trương này là làm sao nhanh chóng mang lại cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đất nước ngày một hùng cường; để Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại; mở rộng không gian phát triển, tạo lợi thế so sánh và dư địa phát triển mới cho các đơn vị hành chính mới. 

Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động. Cấp xã sẽ là cấp chủ lực trực tiếp phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân tốt hơn.

Tôi rất tâm đắc với thông điệp của Tổng Bí thư: Việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian mới cho phát triển. Không chỉ đơn giản là “2 cộng 2 bằng 4” mà phải là “2 cộng 2 lớn hơn 4”.

Bố trí, sắp xếp nhân sự là việc tối quan trọng

Những yêu cầu mới và khối lượng công việc lớn tới đây đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức các cấp phải có trình độ chuyên môn cao hơn. Vậy vấn đề nhân sự đóng vai trò như thế nào trong việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp?

Để công tác sắp xếp đơn vị hành chính thành công, cần kết hợp đồng bộ các giải pháp từ chính sách nhân sự đến ứng dụng công nghệ. Trong đó, việc bố trí, sắp xếp nhân sự là tối quan trọng, cần giải quyết thật tốt.

Trước hết, cần phân loại để có chính sách phù hợp với các nhóm: tiếp tục làm việc, chuyển đổi vị trí, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu sớm. Các cơ quan nên ưu tiên giữ lại cán bộ có năng lực, chuyên môn phù hợp với vị trí mới, đồng thời tổ chức đào tạo lại cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu mới. 

Công tác luân chuyển cán bộ giữa các địa phương cũng cần thực hiện một cách linh hoạt. Với đối tượng nghỉ việc, nghỉ hưu sớm, cần kịp thời chi trả theo chế độ, chính sách đúng quy định.

Để giải các bài toán này, dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tới đây cũng quy định nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có những thay đổi về việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức. Cụ thể là phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm, năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Dư thảo cũng đề xuất bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm được giao đảm nhiệm theo năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức.

Ngoài ra, dự thảo Luật Cán bộ công chức cũng sửa đổi các quy định để liên thông công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.

Những thay đổi quan trọng này sẽ góp phần đáng kể trong việc tuyển chọn, sàng lọc được những người làm được việc vào các cơ quan nhà nước thời gian tới đây.