Nhảy đến nội dung

Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong nền kinh tế và đóng góp 55 - 58% GDP đất nước.

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên đột phá cho khu vực kinh tế năng động này và cụ thể hóa các giải pháp để phát huy tối đa vai trò, đưa kinh tế tư nhân trở thành "động lực quan trọng nhất" và là "lực lượng tiên phong" của nền kinh tế.

Xóa bỏ định kiến về kinh tế tư nhân

Về quan điểm phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị xác định kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng và khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân và doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp.

Đặc biệt nghị quyết đã nêu quan điểm về bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm. Tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân.

Bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật.

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên, đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia và vươn tầm khu vực, thế giới.

Chấm dứt thanh tra, kiểm tra chồng chéo

Nghị quyết đặt ra yêu cầu phải thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và làm giàu hợp pháp, chính đáng. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên.

Cũng tại nghị quyết 68, Bộ Chính trị đưa ra tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong những năm tới. Theo đó, trong năm 2025 hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ, cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm trong các năm tiếp theo. Rà soát, hoàn thiện và thực thi hiệu quả quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu tài sản, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình, giảm thiểu rủi ro pháp lý.

Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, kéo dài không cần thiết. Cho phép địa phương sử dụng ngân sách để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ trên cơ sở yêu cầu các chủ đầu tư dành một phần quỹ đất đã đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Có chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất cho các đối tượng này kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất. Triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành, huy động các doanh nhân thành đạt tham gia đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng. Ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển.