'Kiến trúc sư Việt Nam không hề lép vế trước các kiến trúc sư quốc tế'

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khẳng định các kiến trúc sư Việt Nam ‘tuy thời thế mạnh yếu khác nhau, xong hào kiệt thời nào cũng có’, không hề lép vế trước các kiến trúc sư quốc tế.
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào chia sẻ ý kiến tại hội thảo Kiến trúc Việt Nam - 50 năm thống nhất đất nước do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức ngày 20-5 tại Hà Nội.
Một số kiến trúc sư khác tại hội thảo cũng có chung niềm tự tin vào năng lực sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến cho cộng đồng của các kiến trúc sư Việt, tuy có chỉ ra một số hạn chế.
Chậm đổi mới trong quy hoạch
Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn - chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - khẳng định nhìn lại chặng đường 50 năm qua, giới kiến trúc sư Việt Nam có thể tự hào về những cống hiến của mình.
Tuy nhiên đây cũng là dịp để giới kiến trúc cùng suy nghĩ về những khoảng trống mà lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc còn thiếu vắng, để từ đó có một tư duy mới, tầm nhìn mới, sáng tạo mới phấn đấu đưa nền kiến trúc nước nhà phát triển bền vững, hiện đại văn minh và bản sắc, lấy con người làm trung tâm.
Ghi nhận những thành tựu của kiến trúc và quy hoạch Việt Nam 50 năm, nhưng GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nêu ra hạn chế trong quy hoạch.
Đó là sự chậm đổi mới trong công tác quy hoạch đô thị và nông thôn. Phương pháp lập quy hoạch chưa khoa học; tính tầng bậc và sự phức tạp của hệ thống quy hoạch hạn chế hiệu quả và tính bền vững của các đồ án; quy hoạch chưa thực sự tạo nên bản sắc đô thị và nông thôn…
Mặt trái của đô thị hóa ảnh hưởng đến nông thôn. Cấu trúc làng xã và kiến trúc truyền thống biến đổi nhanh theo kiểu đô thị đang làm mất dần nhiều giá trị văn hóa truyền thống, vốn làm nên bản sắc nông thôn từng vùng miền và dân tộc.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Hoàng Thúc Hào chủ yếu ghi nhận thành tựu.
Hào kiệt thời nào cũng có
Ông Hoàng Thúc Hào đã điểm những thành tựu của kiến trúc Việt Nam trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, cho thấy thành tựu là không nhỏ, từ kiến trúc xã hội chủ nghĩa đến kiến trúc hội nhập quốc tế giai đoạn sau.
Ông khẳng định xét về tầm tư duy và đề xuất kiến trúc bản địa, cân bằng sinh thái, tự cung tự cấp, chúng ta không có khoảng cách với thế giới.
Những thập kỷ gần đây, kiến trúc Việt Nam có khoảng cách với quốc tế không xa, gần như tương đương. "Có chăng chúng ta chỉ thua về đầu tư, sự hoàn hảo của chi tiết", ông Hào nói.
Cho biết những năm qua hầu hết các công trình lớn có tính biểu tượng quốc gia do các văn phòng tư vấn kiến trúc nước ngoài, các công ty liên danh với nước ngoài làm, nhưng ông Hào khẳng định các kiến trúc sư Việt Nam không lép vế trước các kiến trúc sư quốc tế.
Chúng ta có những công trình tiếp biến được văn hóa Việt Nam, thể hiện được căn tính Việt Nam. Như bảo tàng ở Đắk Lắk, các khu nghỉ dưỡng của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, hàng loạt công trình của các kiến trúc sư trẻ sau này của văn phòng kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Hòa Hiệp, Đoàn Thanh Hà, Nguyễn Hà…
"Trong 100 năm, từ lúc Việt Nam chưa có gì, đến hiện đại, hội nhập, tất cả thế hệ kiến trúc sư của chúng ta luôn thể hiện trách nhiệm nêu gương, dấn thân, quên mình vào kiến trúc, học hỏi và đổi mới không ngừng.
Chúng ta có 54 dân tộc, một trữ lượng văn hóa khổng lồ cho kiến trúc sáng tạo. Kiến trúc ngày nay không chỉ đến từ ngôn ngữ tạo hình, nó cộng hưởng cộng sinh liên ngành sinh thái, xã hội học, địa phương… Đây chính là những điểm mạnh của Việt Nam", ông Hào bày tỏ lạc quan.