Kiên Giang thông qua 2 đề án sáp nhập thành tỉnh An Giang

HĐND tỉnh Kiên Giang và An Giang đã chính thức thông qua 2 đề án sáp nhập tỉnh An Giang và Kiên Giang lấy tên gọi là tỉnh An Giang có diện tích, dân số lớn nhất ĐBSCL hơn 4,9 triệu người. Đáng chú ý có 3 đặc khu: Phú Quốc, Kiên Hải và Thổ Châu.
Ngày 28-4, kỳ họp thứ 33 (chuyên đề) HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X thông qua 2 đề án sáp nhập tỉnh, xã của tỉnh An Giang và Kiên Giang cùng nhiều dự án quan trọng khác.
Kỳ họp xem xét: miễn nhiệm ủy viên UBND tỉnh; chủ trương hợp nhất tỉnh An Giang - Kiên Giang; sắp xếp đơn vị hành chính xã năm 2025; chương trình phát triển đô thị và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040; và quyết định biên chế giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2024-2025.
Kỳ họp cũng điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025, kế hoạch trung hạn 2021-2025; điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án, và chuyển mục đích sử dụng rừng 3 dự án du lịch sinh thái Phú Quốc.
Điều chỉnh, giảm 2.578 tỉ đồng vốn chưa phân khai (nghị quyết 20 HĐND tỉnh Kiên Giang về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025), và tăng 3.033 tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư địa phương.
HĐND tỉnh Kiên Giang thông qua đề án sáp nhập với tỉnh An Giang, thành lập tỉnh An Giang mới (trung tâm hành chính đặt tại TP Rạch Giá).
Tỉnh mới có diện tích 9.888,91km², dân số 4.952.238 người, 102 xã, phường và đặc khu, tổng biên chế 29.911 người.
Theo đó, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Kiên Giang có 48 đơn vị hành chính cấp xã, phường, giảm 66,43% so với tổng số xã, phường. Trong đó có 3 đặc khu: Phú Quốc, Kiên Hải và Thổ Châu.
Cụ thể đặc khu Kiên Hải trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Kiên Hải. Sau khi thành lập, đặc khu Kiên Hải có diện tích tự nhiên 24,75km2 và quy mô dân số 23.179 người.
Đặc khu Phú Quốc gồm các phường Dương Đông, An Thới và các xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn (575,29km², 157.629 người). Đặc khu Thổ Châu gồm xã Thổ Châu (13,98km², 1.896 người).
Cùng ngày, HĐND tỉnh An Giang cũng thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang. Riêng tỉnh An Giang, từ 155 xã, phường, thị trấn đã sáp nhập lại còn 54 xã, phường, giảm 65,15% so với tổng số xã, phường.
“Đề án sáp nhập được triển khai nhanh chóng, nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân An Giang và Kiên Giang (92-95%). Tuy còn một số ý kiến chưa hoàn toàn đồng thuận, nhưng đa số đã nhất trí.
Chỉ còn vài tháng nữa sẽ thành lập tỉnh An Giang, mong các đại biểu nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thành nói.