Nhảy đến nội dung
 

Khơi thông động lực để đạt tăng trưởng trên 8%

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8,3 - 8,5%, một con số được đánh giá là đầy tham vọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn và áp lực từ bên ngoài chưa giảm nhiệt.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần khai thác hiệu quả hơn các động lực tăng trưởng, từ xuất khẩu, đầu tư công, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tín dụng, đồng thời gia cố nền tảng nội địa vốn còn nhiều lực cản.

* Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH (ĐH Fulbright Việt Nam):

Đầu tư công dẫn dắt tăng trưởng

Với mức tăng trưởng 7,52% trong 6 tháng đầu năm, nhiều người kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ duy trì hoặc thậm chí cao hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, thực tế có thể không lạc quan đến vậy dù vẫn có những động lực tăng trưởng như đầu tư công, tín dụng và kỳ vọng vào khu vực tư nhân.

Xuất khẩu, vốn là động lực chính trong nửa đầu năm, đang có dấu hiệu chậm lại khi tăng trưởng toàn cầu tiếp tục suy yếu, các rủi ro liên quan đến thuế quan còn bỏ ngỏ.

Sức cầu bên ngoài giảm tốc, trong khi sức cầu nội địa cũng chưa thực sự hồi phục mạnh, khiến khả năng tăng trưởng 6 tháng cuối năm thấp hơn nửa đầu năm là kịch bản rất dễ xảy ra.

Về chính sách tài khóa - tiền tệ, Chính phủ đang tiếp tục điều hành theo hướng hỗ trợ tăng trưởng. Điều này được thể hiện qua định hướng mở rộng tài khóa và duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt. 

Áp lực giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục gia tăng, những dự án tốt sẽ tiếp tục được ưu tiên vốn. Trong bối cảnh đây là năm cuối nhiệm kỳ, kỳ vọng về những cú hích rõ ràng cho nền kinh tế được đặt lên vai cơ quan điều hành.

Tín dụng là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm 2025. Dự báo, tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 có thể đạt khoảng 19 - 19,5%, cao hơn mức mục tiêu ban đầu 16%. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vẫn là một dấu hỏi lớn. Trong đó có yếu tố đến từ diễn biến chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Nếu Fed cắt giảm lãi suất như kỳ vọng (2 đợt từ nay đến cuối năm), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn toàn có dư địa để cân nhắc điều chỉnh. Tuy vậy, mục tiêu bảo vệ giá trị tiền đồng cũng đặt ra giới hạn nhất định.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ không vội vàng hạ thêm lãi suất điều hành, mà lựa chọn cách "điều chỉnh chọn lọc" để hỗ trợ lãi suất cho vay một số lĩnh vực, trong khi giữ nguyên trần lãi suất huy động để ổn định tỉ giá.

* Ông HUỲNH HOÀNG PHƯƠNG (chuyên gia phân tích độc lập, cố vấn mảng quản lý gia sản tại FIDT):

Cú hích tiêu dùng nội địa

Để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5%, tổng mức tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ cần phải tăng trên 13% trong năm 2025. Trong khi đó, số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy mức tăng chỉ đạt khoảng 8 - 9%, cho thấy vẫn còn khoảng cách khá lớn cần lấp đầy trong nửa cuối năm.

Muốn kích thích tiêu dùng hiệu quả, cần giải quyết song song hai trụ cột quan trọng. Thứ nhất là thúc đẩy hiệu ứng tài sản, tức tạo ra các kênh đầu tư sinh lời rõ nét nhằm khuyến khích tâm lý chi tiêu.

Điều này đòi hỏi thị trường bất động sản, thị trường vốn và hoạt động khởi nghiệp phải có chuyển biến tích cực.

Thứ hai là cải thiện sức mua thực tế của người dân thông qua các chính sách về thuế, tiền lương và an sinh xã hội.

Vừa qua Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân. Không chỉ giúp gia tăng sức mua trong ngắn hạn, chính sách này còn góp phần cải thiện phân phối thu nhập, từ đó hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng một cách bền vững.

Bên cạnh đó, vai trò của đầu tư công như một công cụ truyền thống nhưng thiết yếu để kích thích tiêu dùng và tạo nền tảng tăng trưởng. Từ kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các quốc gia trong giai đoạn phục hồi kinh tế đều phải đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở, logistics, giao thông và năng lượng, đồng thời kết hợp với các chính sách điều tiết thu nhập xã hội.

Chìa khóa tăng trưởng sẽ nằm ở khả năng triển khai nhanh, đúng trọng tâm và đủ quy mô để tạo hiệu ứng lan tỏa đến khu vực tư nhân, qua đó kích thích tiêu dùng và đầu tư của toàn nền kinh tế.

* Ông LÊ TỰ QUỐC HƯNG (trưởng phòng chiến lược thị trường tại Chứng khoán Rồng Việt - VDSC):

Giữ nhịp tăng trưởng bằng chính sách tiền tệ linh hoạt

Việt Nam vẫn đang theo đuổi chính sách kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với trọng tâm là đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, có kiểm soát. Việc này được Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ, nhằm giữ lạm phát trong ngưỡng cho phép, qua đó hỗ trợ tăng trưởng theo hướng bền vững.

Điều kiện thanh khoản hiện tại đã thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2020 - 2021. Khi đó, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt triển khai chính sách nới lỏng khiến lượng tiền trên thị trường trở nên dư thừa. Thị trường khi đó được đánh giá là ngập trong thanh khoản rẻ.

Ngược lại, ở thời điểm hiện tại, thanh khoản vẫn còn, nhưng hiệu ứng của các đợt giảm lãi suất điều hành tại Việt Nam chủ yếu giúp cải thiện vòng quay vốn, chứ không tạo ra trạng thái "quá nhiều tiền" như trước. Nói cách khác, thị trường đang trong trạng thái ổn định về thanh khoản, nhưng không dư thừa, một yếu tố có thể hỗ trợ tăng trưởng mà không gây rủi ro lạm phát tức thời.

Các thay đổi về tài khóa và tiền tệ trong thời gian tới cần diễn ra thận trọng, có lộ trình rõ ràng, thay vì những cú sốc chuyển dịch đột ngột. Điều này phản ánh quan điểm điều hành nhất quán, nhằm duy trì sự ổn định vĩ mô trong khi vẫn hỗ trợ tăng trưởng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn