Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á ở Hà Tĩnh bất động sau gần 15 năm, Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Với trữ lượng 544 triệu tấn, mỏ sắt Thạch Khê được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Thế nhưng, mỏ sắt này đã “đắp chiếu” gần 15 năm nay và chưa biết số phận tới đây sẽ ra sao.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thanh tra chuyên đề các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát lãng phí. Theo đó, khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê là một trong những dự án nằm trong kế hoạch thanh tra chuyên đề này.
Khai thác được 3.000 tấn rồi tạm dừng
Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà (trước sáp nhập) gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821 ha.
Mỏ sắt được phát hiện từ năm 1960, nằm cách thành phố Hà Tĩnh 8 km về phía Đông, cách bờ biển Đông 1,6 km. Với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, mỏ sắt Thạch Khê được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 1/2 trữ lượng quặng sắt ở nước ta.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng.
Tháng 9/2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ.
Theo đánh giá, dự án ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 7.000 hộ dân (27.000 nhân khẩu). Tuy nhiên, nó cũng được kỳ vọng tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao và giá rẻ cho ngành luyện kim trong nước.
Ở giai đoạn 2009-2011, chủ đầu tư đã cho bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu âm 34 m so với mực nước biển, thu hồi khoảng 3.000 tấn quặng.
Nhưng đến tháng 11/2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông do vướng mắc về huy động và góp vốn, dẫn đến việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư.
Vấn đề về vốn, Tổng giám đốc TIC khi đó cũng thừa nhận: “Công ty đang rất khó khăn, ngay cả cổ đông chi phối là Tập đoàn Vinacomin cũng vậy, nằm trong bối cảnh chung, việc góp vốn của các cổ đông thì vẫn đang ì ạch”. Trước đó, TIC ra mắt năm 2007 với 9 cổ đông sáng lập, có vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số cổ đông đã không góp vốn đúng cam kết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạt động của công ty.
Hàng nghìn tỷ “đóng băng”, mỏ sắt có hồi sinh?
Đầu năm 2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đó đã chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan phân tích, đánh giá lại toàn bộ dự án để xem xét tính khả thi, nhất là về năng lực của các cổ đông.
Sau đó, Bộ Công Thương đã tiến hành tái cơ cấu lại TIC theo hướng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giữ cổ phần chi phối, loại bỏ một số cổ đông...
Từ 2015-2016, Bộ Công Thương đã chủ trì thẩm định lại thiết kế kỹ thuật của dự án. Sau quá trình dài thẩm định của các tổ chức, chuyên gia đầu ngành, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đã được cơ quan chức năng phê duyệt triển khai vào tháng 4/2016.
Theo đó, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (điều chỉnh) có tổng mức đầu tư 14.517,2 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 6.777,4 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 7.739,8 tỷ đồng). Trong đó, vốn góp của các cổ đông chiếm 30%; vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 70%.
Giai đoạn 1 sẽ khai thác với công suất 5 triệu tấn/năm, kéo dài trong 7 năm; giai đoạn 2 công suất 10 triệu tấn/năm, kéo dài trong 29 năm, sau đó giảm xuống dưới 10 triệu tấn/năm từ năm thứ 37 đến khi kết thúc. Tuổi thọ mỏ 52 năm.
Tuy nhiên, việc hồi sinh mỏ sắt Thạch Khê vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. TKV đề xuất “hồi sinh” việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương bày tỏ đồng tình. Thế nhưng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lại tỏ rõ sự băn khoăn trước nhiều vấn đề. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT làm “trọng tài”.
Sau nhiều cuộc họp, ghi nhận ý kiến các bên, Bộ KH-ĐT đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án gây nhiều tranh cãi này. Trong đó, kiến nghị xem xét chủ trương cho phép TIC dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.
Một trong những lý do Bộ KH-ĐT đưa ra là năng lực tài chính của TIC không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tới 2 lần điều chỉnh giảm (giảm 2.300 tỷ so với tổng mức đầu tư là hơn 14.500 tỷ đồng).
Ngoài ra, Dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án. Chưa kể, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng; nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra và khó lường hết.
Tổng chi phí TIC đã đầu tư vào dự án (tính đến tháng 11/2016) là gần 1.600 tỷ đồng. Nếu dự án tiếp tục tạm dừng, khoản đầu tư này sẽ chậm cơ hội hoàn vốn, đồng thời lãng phí cơ sở vật chất, thiết bị đã đầu tư, Bộ KH-ĐT nhận định.
Giữa tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn khảo sát tại khu vực mỏ sắt Thạch Khê. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp tục hay dừng khai thác mỏ sắt này.
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra ngày 14/7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải một lần nữa thông tin, Hà Tĩnh kiên quyết đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Bởi, việc khai thác mỏ sắt này sẽ để lại nhiều hệ lụy.
Nếu khai thác, một ngày sẽ có 3-4 triệu m3 nước thải xả ra biển. Mỗi ngày có 2 tấn mìn nổ cách TP Hà Tĩnh 5km đường chim bay, cách bờ biển 300m, ông dẫn chứng.
Mới đây, doanh nghiệp ngành thép lại kiến nghị Chính phủ cho phép “hồi sinh” mỏ sắt Thạch Khê, tránh lãng phí tài nguyên. Bởi đây là mỏ sắt có trữ lượng lớn, nếu khai thác hiệu quả Việt Nam có thể thu về từ 15-20 tỷ USD tiền thuế, tạo nguồn lực lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, sau gần 15 năm tạm dừng, khu nhà máy xí nghiệp khai thác mỏ vẫn cửa đóng then cài bỏ hoang, máy móc gỉ sét, khu vực moong mỏ chỉ còn lại vũng nước sâu... Còn “số phận” mỏ sắt Thạch Khê sẽ ra sao vẫn là dấu hỏi khi việc khai thác có các ý kiến trái chiều.