Khi OPEC+ 'chơi dao đứt tay'

Chẳng những không thể đẩy giá dầu lên cao như mong muốn, chính sách cắt giảm khai thác để giảm nguồn cung mà OPEC+ theo đuổi trong những năm qua thậm chí còn gây tổn thương cho nhóm này.
Một số thành viên của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu (OPEC) cùng một số đối tác, gọi chung là nhóm OPEC+, dự kiến tiếp tục tăng cường khai thác.
Kết thúc cuộc trường chinh
Cụ thể, theo Reuters, nhóm 8 thành viên của OPEC+ do Ả Rập Xê Út dẫn đầu vừa thống nhất từ tháng 6 sẽ hạn chế cắt giảm sản lượng, bổ sung khai thác thêm khoảng 411.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Ước tính, kết hợp với việc tăng sản lượng trong tháng 4 và 5 thì từ tháng 6, tổng sản lượng khai thác tăng thêm của nhóm trên là 960.000 thùng/ngày, tương đương 44% so với mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/mỗi ngày lúc trước. Như vậy, chiến lược nhiều năm qua của OPEC+ trong việc cắt giảm sản lượng khai thác để giảm nguồn cung nhằm tăng giá bán xem như "phá sản".
Suốt những năm qua, đặc biệt là 4 năm gần đây, OPEC+ xem biện pháp vừa nêu nhằm tận thu lợi nhuận, theo Reuters. Thế nhưng, chiến lược đã không đạt mục tiêu đề ra vì cả lý do nội bộ OPEC+ cũng như tác động khách quan bên ngoài.
Về nguyên nhân nội bộ, đó là các quốc gia thành viên đã không tuân thủ thỏa thuận chung. Đại diện Ả Rập Xê Út đã lên tiếng chỉ trích việc các nước khác trong OPEC+ tự ý tăng sản lượng khiến cho kế hoạch của cả nhóm bất thành. Ngược lại, các nước bị chỉ trích lại cho rằng họ hành động vì lợi ích quốc gia, khi giá dầu không tăng thì họ phải tăng sản lượng để bù vào nguồn thu.
Về tác nhân bên ngoài, thì các nước ngoài OPEC+ vẫn chiếm đến 60% sản lượng cung ứng dầu thô toàn thế giới, nên OPEC+ không đủ sức kiểm soát tổng thể nguồn cung. Không những vậy, trong bối cảnh OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác thì các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản lượng đầu ra để bù vào nguồn cung mà OPEC+ giảm đi. Hơn 10 năm qua, dầu đá phiến từ Mỹ đã trở thành yếu tố cân bằng nguồn cung với OPEC+. Đến nay, công suất khai thác dầu đá phiến tại Mỹ được cho là đã lên mức 9 triệu thùng/ngày, tăng khá nhanh so với mức 5 triệu thùng/ngày hồi năm 2014. Không những vậy, các nước OPEC+ còn triển khai nhiều dự án khai thác dầu khí xa bờ khiến chi phí đầu tư tăng cao, nên gặp nhiều hạn chế trong việc cạnh tranh.
Chính vì thế, chiến lược của OPEC+ đã không đạt mục tiêu đề ra.
Hạn chế cho giá dầu
Theo thống kê, trong quý 1/2025 nhu cầu dầu thô vẫn tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, sự bất ổn của kinh tế toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành chính sách thuế và leo thang thương chiến dẫn đến lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ giảm do kinh tế thế giới trì trệ. Do đó nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo giảm trong thời gian tới, sẽ tổn hại đến nguồn cung cấp dầu trên thế giới. Điều này kết hợp với việc OPEC+ dự kiến tăng sản lượng khai thác khiến giá dầu có thể sớm giảm sâu trong thời gian tới.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ xoay quanh mức 60 USD/thùng trong năm nay, rồi giảm dần còn quanh mức 55 USD/thùng trong năm 2026. Hôm qua, giá dầu Brent là 63 USD/thùng, WTI là 60 USD/thùng. So với tháng 4 vừa qua thì mức giá này đã giảm khoảng 15%. Nếu dự báo của Goldman Sachs là chính xác thì các nhà khai thác dầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo một nghiên cứu gần đây của Công ty Rystad Energy, chi phí khai thác dầu thô rẻ nhất vẫn là ở khu vực Trung Đông với các dự án trên bờ có chi phí khoảng 27 USD/thùng. Với nhóm khai thác ngoài khơi thì gần bờ thấp nhất là 37 USD/thùng và ngoài khơi nước sâu lên đến 43 USD/thùng. Trong khi đó, chi phí khai thác dầu đá phiến ở khu vực Bắc Mỹ khoảng 45 USD/thùng. Từ đó, nếu giá dầu tiếp tục giảm thì nhiều công ty khai thác dầu thô có thể bị thiệt hại. Tuy nhiên, xét về chi phí sản xuất, các dự án khai thác ở Trung Đông vẫn lợi thế hơn so với Bắc Mỹ.
Chính vì thế, việc một số thành viên OPEC+ tăng sản lượng trở lại cũng có thể là chiến lược chấp nhận mức giá giảm để loại bỏ nguồn cung cấp dầu đá phiến từ Bắc Mỹ. Theo chuyên trang Oilprice, sản lượng khai thác dầu đá phiến Mỹ dự kiến có thể sớm giảm sâu do giá bán không thể bù chi phí khai thác. Đặc biệt, chi phí dự kiến còn có thể tăng cao do các yếu tố kinh tế, nên nếu dầu thô xuống dưới giá 60 USD/thùng thì các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ có thể bị lỗ.