Nhảy đến nội dung

Khám phá trận địa pháo tồn tại hơn 100 năm ở thành phố biển nổi tiếng

Hơn 100 năm trước, người Pháp cho xây dựng trận địa với hàng chục khẩu pháo lớn nhất Đông Dương trên các đỉnh núi ở Vũng Tàu nhằm tạo thành tuyến phòng thủ ven biển. Trong đó, trận địa pháo và hầm thủy lôi Núi Lớn là kiên cố nhất.

Theo Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 1895, khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Bộ đã cho xây dựng một hệ thống phòng thủ ven biển Vũng Tàu, bao gồm 23 khẩu đại pháo bố trí trên các ngọn núi, trong đó có Núi Lớn. Các trận địa pháo này hoàn thành vào năm 1905.

Trận địa pháo cổ Núi Lớn nằm ở độ cao hơn 100m so với mực nước biển. Tại đây lắp đặt 6 khẩu đại pháo được sản xuất từ năm 1872 đến 1876, bố trí theo hình vòng cung, mỗi khẩu cách nhau khoảng 17m với trọng lượng mỗi khẩu hơn 15 tấn.

Các khẩu pháo gồm có 5 bộ phận chính là bệ pháo, giá súng, nòng súng, buồng đạn và đuôi nòng. Bệ pháo cao 1,1m hình tròn đường kính 3m chia làm 4 tầng. Phía trên bệ là phần giá súng cũng làm bằng sắt với chiều cao 0,85m, đường kính trong 0,3m. 

Nòng súng dài 2,82m, đường kính lớn 0,42m, đường kính nhỏ 0,24m. Buồng đạn dài 1,28m, hai bên buồng đạn có hệ thống điều khiển tầm hình tam giác.

Đuôi pháo dài 3m làm bằng thép. Tính từ đuôi đến đầu nòng pháo dài 4,1m. Tất cả các khẩu pháo đều được đặt trên mâm pháo có thể quay 360 độ và nâng cao hay hạ thấp tầm bắn nhờ vào hệ thống đĩa có răng cưa gắn với bệ pháo cố định.

Sáu khẩu pháo đều hướng ra biển Đông. Xung quanh là hệ thống hầm, hào giao thông như phần công sự.

Cách trận địa pháo khoảng 200m về phía Tây là hai hầm thủy lôi (kho chứa đạn pháo) được đào xuyên vào trong lòng núi. Năm 1944, quân đội Nhật đã dùng hầm này chứa thủy lôi để phong tỏa vịnh Gành Rái và cửa biển Vũng Tàu.

Bên trong hầm thủy lôi, mỗi hầm có diện tích khoảng hơn 100m2, được xây theo hình vòm, trên nóc đổ đá và xi măng. Lòng 2 hầm được bố trí thông nhau theo hình chữ U với chiều cao của hầm 2,7m.

Thời chống Pháp, quân và dân Vũng Tàu đã bí mật lấy hàng chục trái thủy lôi (mỗi trái nặng trên 100kg) để chế bom mìn tự tạo, tiêu diệt địch.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, trong những ngày tháng Tư lịch sử này, nhiều người dân và du khách đã đến khám phá trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi Núi Lớn để sống lại lịch sử đấu tranh của quân và dân địa phương trong những năm kháng chiến chống Pháp, đánh Nhật góp phần vào thắng lợi của cách mạng.

Theo Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trận địa pháo và hầm thủy lôi Núi Lớn được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia tại quyết định số 983/QĐ ngày 4/8/1992. Đây là một trong những bộ sưu tập pháo cổ lớn nhất Đông Dương còn lại tại Vũng Tàu, đồng thời là nơi in đậm dấu ấn lịch sử, lao động khổ sai của tù nhân, dân phu thời thuộc địa Pháp.