Vì sao Israel ném bom các nước láng giềng bất chấp mọi chỉ trích?

Trong 2 năm qua, cùng với cuộc xung đột ở Dải Gaza và việc kiểm soát ngày càng mạnh tay ở Bờ Tây, Israel đã phát động các cuộc tấn công nhằm vào Iran, Lebanon, Syria và Yemen.
Israel không kích Bộ Quốc phòng Syria. Video: The Guardian
Theo Al Jazeera, các cuộc tấn công gần đây nhất của Israel diễn ra vào tuần trước, nhằm vào Syria và Bộ Quốc phòng nước này. Israel biện minh, họ tấn công nhằm bảo vệ người Druze thiểu số ở Syria. Một lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian đã có hiệu lực, nhưng liệu có được duy trì hay không vẫn cần chờ thời gian trả lời.
Khi phát động chiến dịch tấn công quân sự ở Lebanon, Israel tuyên bố phải ngăn chặn mối đe dọa xuất phát từ nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah. Trong khi đó, về lý do tấn công Iran, Israel nói, động thái nhằm chấm dứt nỗ lực chế tạo bom hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đối với Yemen, Israel cho biết, chiến dịch đánh bom nước này nhằm đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Houthi nhằm vào Israel.
Bỏ qua một bên những lời giải thích, câu hỏi đặt ra là liệu Israel có tiếp tục hành động theo cách khiến nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở Trung Đông, coi họ là bên gây hấn hay không.
Cuộc chiến sinh tồn, chỉ thắng không thua
Israel lập luận rằng, tất cả các cuộc xung đột đều cần thiết vì nước này đang đối mặt với một cuộc chiến sinh tồn, trong đó họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chiến thắng.
Theo các nhà phân tích, Chính phủ Israel hiện dường như không quan tâm đến việc các nước láng giềng có thích họ hay không. Thay vào đó, Israel chỉ để ý tới việc các nước có sợ mình không. Với tư cách là lực lượng quân sự hùng mạnh nhất trong khu vực, cùng với sự ủng hộ của Mỹ, nước sở hữu sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, Israel cảm thấy có thể làm những gì họ muốn.
Giới quan sát nhận định, Israel đang khai thác việc trật tự quốc tế yếu đi và thời điểm biến động trong cách thức vận hành thế giới, đặc biệt khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump công khai chuyển hướng sang chính sách đối ngoại mang tính giao dịch hơn. Các nước phương Tây trước đây đã cố gắng duy trì ý tưởng về một trật tự quốc tế tự do, nơi các tổ chức như Liên Hợp Quốc đảm bảo luật pháp quốc tế phải được tuân thủ, nhưng những hành động của Israel đã khiến việc duy trì này ngày càng khó khăn.
Tranh thủ lỗ hổng quyền lực
Không có cường quốc nào muốn hoặc đủ mạnh để gánh vác trọng trách Mỹ đang để lại. Nhiều người nhận xét, cho tới khi các quy tắc được viết lại, cảm giác sức mạnh đồng nghĩa với lẽ phải vẫn tồn tại. Israel, cường quốc hạt nhân duy nhất trong khu vực, đang tận dụng điều này.
Những người ủng hộ hành động của Israel trong 2 năm qua cũng lập luận, các dự đoán về hậu quả tiêu cực từ các cuộc tấn công của nước này đã được chứng minh là sai lầm.
Mối đe dọa chính đối với Israel hiện giờ là "Trục kháng chiến" do Iran lãnh đạo. Đã có những lập luận rằng, các nhóm trong trục kháng chiến sẽ tấn công Israel nếu chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đi quá xa trong các hành động quân sự. Iran đã tấn công Israel theo cách quốc gia này chưa từng tiến hành trước đây và Tel Aviv bị tấn công trực tiếp nhiều lần. Tuy nhiên, một số dự đoán về kịch bản xấu nhất đã không xảy ra và cuối cùng, cuộc xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran chỉ kéo dài 12 ngày, mà không bùng nổ thành một cuộc chiến khu vực.
Khác với Iran, Israel hài lòng với kết quả chiến dịch ném bom Lebanon hồi năm ngoái. Nhóm Hezbollah ở Lebanon đã mất đi nhà lãnh đạo biểu tượng Hassan Nasrallah và phần lớn năng lực quân sự. Do đó, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn, Hezbollah không còn là mối đe dọa lớn với Israel.