Tăng trưởng 2 con số bền vững, giải pháp nào?

Mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, dù được nhìn nhận 'ngược xu thế chung', song với quyết tâm của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội đã hiến kế để khơi thông thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và kinh tế mới nổi, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số.
Trao đổi tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội ngày 23-5 về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bối cảnh khó khăn toàn cầu, các định chế thế giới, các nước lớn đều dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo.
Ông nói mục tiêu tăng trưởng 8% và hai con số trong những năm tới là "đi ngược xu thế", vậy cần làm gì để đạt được mục tiêu?
"Mở khóa" 6 triệu tỉ đồng đang kẹt ở bất động sản
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội đặt ra bài toán và gợi ý nhiều lời giải. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá Việt Nam năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực, nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới, thứ 4 Đông Nam Á.
Tăng trưởng cao nhất khu vực, thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2025 đạt 944.100 tỉ đồng (48% dự toán), tạo dư địa lớn cho chính sách tài khóa mở rộng.
Tuy vậy, ông Cường thẳng thắn nhìn nhận tăng trưởng kinh tế năm 2025 phải phụ thuộc vào động lực hiện hữu vì mục tiêu ngắn hạn. Do khó đạt giải ngân 100% đầu tư công nên cần khuyến khích đầu tư tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ông Cường, nguyên tắc tăng trưởng kinh tế bằng vốn và lao động cho thấy lĩnh vực hút vốn nhiều sẽ tăng trưởng nhanh. Do đó, đầu tư mạnh vào bất động sản sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, tương tự Trung Quốc thời kỳ tăng trưởng hai con số.
Ông Cường đề xuất Việt Nam nên chấp nhận tăng trưởng "nóng" thông qua phát triển bất động sản trong giai đoạn 2025 - 2026, nhất là khi thị trường hiện nay đang thiếu nguồn cung, sức cầu lớn dẫn đến giá tăng cao do khan hiếm, chứ không phải bong bóng.
"Nếu chúng ta nới rộng sự phát triển của thị trường bất động sản sẽ cân bằng được nguồn cung, không sợ tình trạng tăng trưởng nóng, dư thừa hàng hóa, tồn kho như Trung Quốc. Cần khuyến khích tăng trưởng bất động sản trong giai đoạn này", ông Cường nói.
Ông Cường đưa ra thống kê của Bộ Tài chính cho thấy cả nước có 2.212 dự án đang triển khai phải dừng lại do gặp vướng mắc, với tổng vốn đầu tư gần 6 triệu tỉ đồng, sử dụng gần 350.000ha đất.
Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, nhưng chưa cho phép áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác.
Vì vậy ông Cường đề nghị cơ chế xử lý các vướng mắc này được áp dụng rộng rãi cho các dự án bất động sản ở các địa phương khác để giải phóng được nguồn lực này sẽ đóng góp vào tăng trưởng rất lớn.
Cùng quan điểm thúc đẩy đầu tư, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, phân cấp thẩm quyền cho địa phương, tập trung vào hạ tầng chiến lược (cảng Cần Giờ, đường sắt Bắc - Nam, cao tốc, logistics).
Cùng với đó thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên dự án chuyển giao công nghệ, tăng giá trị gia tăng và đào tạo nhân lực. Thiết lập cổng đầu tư một cửa quốc gia để rút ngắn thời gian, chi phí cho nhà đầu tư.
Gỡ thủ tục, tạo môi trường kinh doanh
Cùng với thúc đẩy các dự án đầu tư, khơi thông dòng vốn và tháo gỡ các dự án tồn đọng, nhiều đại biểu mong muốn có các chính sách tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lo ngại chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay.
Dù Chính phủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, ông Đồng cho rằng cần nhiều nỗ lực hơn để giữ mục tiêu tăng trưởng, đồng thời kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn đầu tư.
Ông Đồng đề nghị Quốc hội cho Thủ tướng quyết định miễn thủ tục đấu thầu, cho phép chỉ định thầu mua sắm công và nhà đầu tư để đẩy nhanh cải thiện cán cân thương mại. Ngoài ra, việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa minh bạch sẽ tạo niềm tin cho đối tác.
Rà soát các rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan... để có thể đạt được mức đàm phán thuế đối ứng 10%, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay.
Đại biểu Đồng cũng khuyến nghị cần cải thiện môi trường kinh doanh - yếu tố quyết định tăng trưởng. Ông lo ngại dù có nghị quyết thúc đẩy khoa học công nghệ, pháp luật và kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vẫn đang vướng nhiều bất cập.
Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và dòng chảy pháp luật kinh doanh cho thấy đầu tư dự án sử dụng đất của Việt Nam hiện nay gặp nhiều thủ tục rườm rà như một "rừng thủ tục, núi thủ tục", từ việc xin quy hoạch đến nghiệm thu công trình.
"Với tình trạng "rừng thủ tục" như vậy, chúng ta không thể huy động được đủ đầu tư tư nhân cho mục tiêu tăng trưởng. Theo tính toán, tỉ lệ đầu tư phải trên 40% chúng ta mới có thể duy trì tăng trưởng cao.
Làm sao có thể đầu tư nhiều như vậy nếu thủ tục đầu tư bị chậm trễ, kéo dài. Trong lĩnh vực bất động sản, thủ tục bị kéo quá dài khiến các dự án bị đình lại, làm chậm nguồn cung nhà ở và kéo giá nhà tăng mạnh thời gian qua", ông Đồng nói.
Còn đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Cần Thơ) lưu ý cần thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, bền vững với các chính sách hỗ trợ sản xuất công nghệ cao, ít phát thải. Cùng với chính sách phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cần đầu tư cho ngành thủy sản với chương trình quốc gia chuyển đổi công nghệ, xây dựng thương hiệu thủy sản với chiến lược cạnh tranh, tập trung gỡ thẻ vàng.
"Thúc đẩy phát triển du lịch với phương châm sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh, điểm đến an toàn, thân thiện, chính sách miễn thị thực mở rộng, thuận tiện xin visa và dài ngày hơn, đặc biệt ưu tiên cho các nhà khoa học, nghệ sĩ, vận động viên...", đại biểu Phương nêu giải pháp.
Giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển
Nêu ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong năm nay sẽ cơ bản tháo gỡ các vướng mắc thể chế để tạo thành lợi thế cạnh tranh. Thúc đẩy đột phá nguồn nhân lực để cải thiện năng suất lao động, kỹ năng nghề và trình độ chuyên môn với đội ngũ lao động đẳng cấp quốc tế khi đã hội nhập sâu rộng.
Cùng đó đẩy mạnh đột phá hạ tầng chiến lược nhằm giảm chi phí logistics hiện đang rất cao để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Đầu tư đồng bộ cả 5 phương thức vận tải gồm đường cao tốc với việc hoàn thành 3.000km đường cao tốc; triển khai hệ thống đường sắt kết nối hàng không, hàng hải với giá thành rẻ hơn và vận hành liên tục.
Nâng cấp hệ thống đường sắt, đường sắt liên kết với Trung Quốc như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để mở sang Trung Á và châu Âu; đường sắt đô thị... Thúc đẩy đường thủy nội địa, dự án đường hàng không, sân bay tầm cỡ thế giới, đường hàng hải với cảng biển và các đội tàu lớn.
Thủ tướng cũng cho hay vừa qua Bộ Chính trị đã thông qua 4 nghị quyết gồm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hội nhập quốc tế sâu rộng trong tình hình mới; xây dựng và thực thi pháp luật, cải cách thể chế; phát triển kinh tế tư nhân, tạo thành bộ tứ chiến lược cho phát triển.
"Chính phủ sẽ thực hiện hiệu quả các nghị quyết này, gắn thúc đẩy các động lực tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới. Bao gồm hoạt động đầu tư công, đầu tư tư nhân, thu hút FDI.
Thúc đẩy xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tích cực đàm phán với Mỹ đảm bảo lợi ích cốt lõi với tinh thần bình tĩnh, không đối đầu, đối thoại và lắng nghe kiên trì, thuyết phục, sẵn sàng giải quyết các vấn đề mà các đối tác quan tâm, bảo vệ lợi ích cốt lõi", ông cho biết.
Với động lực tiêu dùng sẽ tập trung vào chính sách tài khóa giảm thuế phí lệ phí, giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp trên cơ sở đột phá thể chế, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Tăng thu giảm chi, tiết kiệm chi, thu đúng thu đủ, thu kịp thời, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, đẩy mạnh tiết kiệm, cắt bỏ chi cho hoạt động không cần thiết.