Tận dụng công nghệ để bảo tồn, phát huy văn hóa: Cơ hội trong tay người trẻ

Đề án "Thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024-2029" đề ra nhiều nội dung gắn thanh niên với di sản văn hóa.
Người trẻ nhạy bén, năng động, giỏi công nghệ nên không chỉ lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam mà còn có thể phát huy, lan tỏa bằng công nghệ, trí tuệ nhân tạo bởi smartphone vốn là phương tiện phổ biến và không tách rời với giới trẻ hiện đại.
Đề án "Thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024-2029" cũng là lần đầu tiên được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam giới thiệu, xác định người trẻ trở thành nhân vật chính cho câu chuyện này.
Tận dụng công nghệ để bảo tồn văn hóa
GS Lê Hồng Lý, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, góp vào dự án với những lời đau đáu. Ông mỉm cười bảo rằng: "Bảo tồn văn hóa là để dành cho các bạn trẻ, chứ chúng tôi gần đất xa trời cả rồi! Thế hệ bây giờ đã khác vì với chúng tôi, văn hóa ngấm vào trong đầu, trong từng bữa ăn, việc làm hằng ngày ở quê".
Như giãi bày, ông nói thế hệ bây giờ chạy vạy, vất vả trong cuộc mưu sinh. Có khi cả nhà phải đến tối mới nói chuyện với nhau, nhưng trong bữa cơm vẫn có gia đình trong bữa ăn ấy mỗi người một chiếc điện thoại mà chẳng còn giao tiếp. Những hình ảnh ngoại, clip, trang phục, lời nói hiện đại ở nơi xa lạ nào đó lại ngấm vào người trẻ.
Vị giáo sư cho rằng, chính những thiết bị công nghệ là một trong những tác nhân làm mai một giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ông lo ngại công nghệ, trí tuệ nhân tạo có khi sẽ phá hỏng văn hóa nên khuyến khích và mong các bạn trẻ cần bảo tồn và nói những công trình, dự án bảo tồn bằng công nghệ rất tốt nhưng phải cẩn thận vì nếu không sẽ làm lệch lạc, mất đi giá trị của văn hóa.
"Ngày nay trí tuệ nhân tạo có thể lắp ráp cái nọ vào cái kia dễ dàng mà nếu chúng ta không cẩn thận sẽ rất dễ phạm phải. Đó là một mối nguy", GS Lê Hồng Lý cảnh báo.
Hoa hậu Lương Thùy Linh trấn an và có phần làm dịu lo lắng của vị giáo sư đáng kính. Hoa hậu cho rằng đề án cần tăng cường yếu tố gần gũi và truyền cảm hứng với giới trẻ hơn nữa. Bởi thanh niên hiện nay đang sống trong một thế giới chuyển động nhanh với nhịp sống số, ngôn ngữ số và gu thẩm mỹ rất đặc thù.
Vì vậy, cần làm mới cách truyền đạt để giữ gìn văn hóa, chuyển hóa những thông điệp lớn thành từng hành động nhỏ và dễ thực hiện.
"Có thể là chiến dịch "một video một di sản" khuyến khích các bạn trẻ làm những video ngắn về quê hương. Hay chiến dịch "check-in văn hóa" để các bạn ghé thăm di tích, làng nghề, lễ hội dân gian hay các món ăn truyền thống rồi kể câu chuyện trên mạng xã hội.
Hoặc chiến dịch "24h sống như đồng bào mình yêu quý" nơi mà các bạn được trải nghiệm về ẩm thực, văn hóa và chia sẻ lại hành trình ấy trên trang cá nhân của mình", hoa hậu Lương Thùy Linh đề xuất.
Phát huy văn hóa dân tộc thiểu số
TikToker Sùng A Tủa - một bạn trẻ người dân tộc tại xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) - đang sở hữu kênh TikTok với trên 200.000 người theo dõi. Với phong cách giản dị, chân chất cùng khả năng kết nối giữa văn hóa, đời sống của đồng bào vùng cao với công chúng mà anh nhận được nhiều yêu mến trên mạng xã hội.
Sùng A Tủa nói thanh niên dân tộc ở vùng cao rất cần cù, chịu khó trong học hỏi nhưng chưa nhiều điều kiện phát triển. Mặt khác các bạn vùng cao cũng gặp khó khi những yếu tố về văn hóa dân tộc thiểu số không nhiều trên không gian mạng.
"Chúng ta có thể thành lập các câu lạc bộ thanh niên chuyển đổi số. Ở đo các thành viên sẽ được định hướng, học cách quay video, chụp ảnh để tạo những video thu hút trên mạng xã hội vừa lưu giữ vừa quảng bá, lan tỏa văn hóa của dân tộc mình", A Tủa nêu ý kiến.
Gợi ý, anh nói có thể làm những video về dệt thổ cẩm, làm váy Mông, thổi khèn, kể chuyện cổ tích dân tộc bằng tiếng phổ thông, tiếng dân tộc cho trẻ em vùng cao... Cạnh đó nên có chính sách ưu đãi vay vốn cho thanh niên gắn bó với nghề truyền thống kết hợp hỗ trợ kết nối thị trường, phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.