Nghiên cứu 400.000 người của Anh chỉ rõ: Tốc độ đi bộ ảnh hưởng đến tuổi thọ, chênh lệch tới 16 năm

Nghiên cứu khoa học chỉ ra, sự khác biệt về tuổi thọ và sức khỏe giữa nhóm người đi bộ nhanh và nhóm người đi bộ chậm.
Hai người cao tuổi, cùng ngoài 60, có thể đi lại bình thường nhưng tốc độ hoàn toàn khác nhau. Một người bước đi chậm rãi, không phải vì ông không muốn đi nhanh hơn, mà vì cơ thể ông không cho phép. Ông mắc cùng lúc bệnh tim mạch vành, cao huyết áp, tiểu đường tuýp 2 và từng bị đột quỵ cách đây nửa năm. Trong khi đó, người còn lại đi lại nhanh nhẹn, khỏe khoắn, kết quả khám sức khỏe nhiều lần đều không phát hiện bất thường.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu tốc độ đi bộ có liên quan đến tuổi thọ?
Người đi nhanh có tuổi sinh học trẻ hơn?
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, thực hiện bởi Đại học Leicester (Anh) đã phân tích dữ liệu di truyền của hơn 405.000 người có độ tuổi trung bình 56,5, trích từ ngân hàng sinh học Anh (UK Biobank).
Dựa trên tốc độ đi bộ, người tham gia được chia thành ba nhóm:
Đi bộ chậm: dưới 4,8 km/giờ
Đi bộ trung bình: 4,8–6,4 km/giờ
Đi bộ nhanh: trên 6,4 km/giờ
Kết quả cho thấy, những người đi bộ nhanh có độ dài telomere (trình tự DNA bảo vệ nhiễm sắc thể) dài hơn đáng kể – một dấu hiệu sinh học liên quan đến tuổi thọ. Thậm chí, nhóm đi bộ nhanh còn có tuổi sinh học trẻ hơn 16 tuổi so với người cùng tuổi đi bộ chậm.
Nghiên cứu này càng củng cố quan điểm: tốc độ đi bộ là một chỉ số đơn giản nhưng đáng tin cậy phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể và tiềm năng sống thọ ở người cao tuổi.
4 đặc điểm đi bộ giúp nhận biết người có khả năng sống lâu
1. Dáng đi ổn định, không bất thường
Dáng đi phản ánh trực tiếp tình trạng sức khỏe. Người có dáng đi không đều, thường xuyên mất thăng bằng có thể đang gặp vấn đề thần kinh hoặc cơ xương khớp. Chẳng hạn, bệnh nhân sau đột quỵ thường có dấu hiệu liệt nửa người, người mắc Parkinson có bước đi chậm chạp, run rẩy, còn người bị tổn thương tiểu não có dáng đi loạng choạng như say rượu.
Ngược lại, dáng đi tự tin, bước chân vững vàng là dấu hiệu của một cơ thể khỏe mạnh và hệ thần kinh ổn định.
2. Đi bộ 6.000–8.000 bước mỗi ngày
Đây được coi là mức vận động hợp lý giúp nâng cao sức khỏe tim mạch, duy trì sự linh hoạt của xương khớp và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Nếu đi quá ít, hiệu quả gần như không đáng kể; nhưng đi quá nhiều có thể gây tổn thương khớp gối. Do đó, duy trì 6.000–8.000 bước/ngày là mức phù hợp cho người cao tuổi.
3. Đi bộ không gây khó chịu
Đi bộ tưởng chừng đơn giản nhưng lại là bài kiểm tra tổng thể với tim, phổi, hệ thần kinh và cơ xương. Nếu người cao tuổi cảm thấy choáng, đau ngực, hụt hơi hoặc đau khớp khi đi bộ, rất có thể đã có vấn đề ở một hoặc nhiều cơ quan như:
- Vấn đề thần kinh: đi loạng choạng, phản ứng chậm
- Tim mạch yếu: đau thắt ngực, mệt bất thường
- Phổi yếu: hụt hơi dù đi chậm
- Xương khớp kém: đau đầu gối, phát tiếng lạo xạo
Khi đi bộ không gây khó chịu và người cao tuổi vẫn duy trì được thói quen này hằng ngày, đó là tín hiệu tích cực cho sức khỏe lâu dài.
4. Tự tin khi di chuyển, không sợ ngã
Tâm lý ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ đi bộ. Người đi quá chậm thường do sức khỏe yếu hoặc thiếu tự tin, lo sợ bị ngã. Một người khỏe mạnh, chủ động và tự tin trong di chuyển thường sẽ có khả năng giữ cân bằng tốt hơn và duy trì được thể lực dài lâu.
Đi bộ nhanh không chỉ thể hiện sức khỏe tốt mà còn liên quan mật thiết đến tuổi sinh học và khả năng sống lâu. Tuy nhiên, tốc độ đi bộ chỉ là một trong nhiều yếu tố đánh giá sức khỏe. Quan trọng hơn, người cao tuổi cần duy trì vận động phù hợp mỗi ngày, lắng nghe cơ thể và theo dõi dấu hiệu bất thường trong quá trình đi bộ.
Dáng đi vững vàng, bước chân tự tin, không khó chịu khi vận động: đó là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn vẫn còn khỏe mạnh để đồng hành cùng thời gian.
*Ảnh minh họa do AI