Lý do TP.HCM ưu tiên phủ xe điện ở Cần Giờ, Côn Đảo và trung tâm

TP.HCM đang xây dựng đề án kiểm soát khí thải, trong đó ưu tiên thí điểm tại Cần Giờ, Côn Đảo và khu vực trung tâm bởi sự thuận lợi và tính cấp thiết.

Sở Xây dựng TP.HCM đang lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan về phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức phát thải cao tại các khu vực đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm khí thải.
Theo thống kê của Sở, TP.HCM đang quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện, gồm hơn 1 triệu ôtô và khoảng 8,6 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng ôtô tăng 9% và xe máy tăng 2%, phản ánh xu hướng gia tăng phương tiện cá nhân tiếp tục gây áp lực lên hạ tầng giao thông và môi trường đô thị.
Đề xuất 3 vùng kiểm soát khí thải
Trong dự thảo Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông đang được xây dựng, TP.HCM dự kiến chọn một số khu vực như trung tâm thành phố, Cần Giờ và Côn Đảo để thí điểm khoanh vùng kiểm soát khí thải. Các khu vực này được đánh giá có tiềm năng trong việc chuyển đổi sang hệ thống giao thông sạch.
Lý giải việc lựa chọn 3 khu vực nói trên, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) - đơn vị tham gia xây dựng đề án - cho biết Cần Giờ và Côn Đảo là những địa bàn tương đối biệt lập, dễ áp dụng chính sách nên có thể thực hiện trước.
Trong khi đó, các khu vực trung tâm TP.HCM đang ô nhiễm nghiêm trọng, cần ưu tiên kiểm soát.
Tại dự thảo Đề án chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM, Viện này cũng đề xuất chọn 6 phường thuộc khu vực trung tâm - nơi có mật độ tài xế công nghệ cao - để thí điểm trước, nhằm tập trung nguồn lực tại các địa bàn có nhu cầu chuyển đổi thực tế lớn. Đây cũng là khu vực có hạ tầng logistics phát triển và tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cần được xử lý sớm.
Việc khoanh vùng kiểm soát khí thải tại trung tâm TP được đánh giá là bước đi cấp bách nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường, bởi đây là khu vực đô thị hóa cao nhất cả nước, nơi tập trung dày đặc hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ và dân cư. Mật độ phương tiện cao, tình trạng ùn tắc thường xuyên và nồng độ bụi mịn vượt chuẩn khiến khu vực này trở thành điểm nóng ô nhiễm khí thải.
Trong khi đó, Cần Giờ được mệnh danh là "lá phổi xanh" của TP.HCM nhờ hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng hơn 31.000 ha, đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu vực này đang được định hướng phát triển thành đô thị biển và điểm đến du lịch sinh thái.
Từ năm 2023, TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển huyện Cần Giờ (cũ) trở thành thành phố "xanh".
Nay, sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM mới nghiên cứu mở rộng phạm vi khoanh vùng kiểm soát khí thải đến Côn Đảo - nơi có hệ sinh thái biển đảo phong phú, rừng nguyên sinh và các bãi biển hoang sơ, đồng thời mang giá trị lịch sử đặc biệt.
Cần Giờ và Côn Đảo là hai địa bàn tương đối độc lập với vị trí tách biệt khỏi khu vực trung tâm và mật độ dân cư còn thấp. Do đó, việc kiểm soát phương tiện và áp dụng mô hình giao thông phát thải thấp tại đây có thể triển khai tương đối thuận lợi, dễ theo dõi.
![]() |
Cần Giờ được mệnh danh là "lá phổi xanh" của TP.HCM nhờ hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng hơn 31.000 ha. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng nếu nhìn từ kinh nghiệm quốc tế tại London, Berlin hay Thâm Quyến, việc triển khai vùng phát thải thấp và tiến tới cấm xe xăng là bước đi cần thiết để thúc đẩy quá trình điện hóa phương tiện giao thông.
"Ví dụ, thành phố Thâm Quyến đã tiến đến cấm xe máy xăng tại 6 quận trung tâm từ năm 2023, với mức phạt tương đương 7 triệu đồng cho mỗi lần vi phạm", HIDS thông tin.
Theo đề xuất, khi vùng phát thải thấp được thiết lập, tất cả phương tiện chạy xăng sẽ không được phép lưu thông trong khu vực này kể từ năm 2028.
Những "bài toán" lớn nhất
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng về nguyên tắc, khu vực nào cũng có thuận lợi trong việc chuyển đổi sang xe điện. Tuy nhiên, yếu tố then chốt nằm ở ý thức, sự sẵn sàng của người dân, cùng với hệ thống chính sách hỗ trợ phù hợp từ phía Nhà nước.
Theo ông, tại Cần Giờ và Côn Đảo, thách thức lớn nhất hiện nay là khả năng tài chính của người dân. Việc chuyển từ xe xăng sang xe điện đòi hỏi chi phí cao, nếu không có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, người dân có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận phương tiện mới.
Ở trung tâm TP.HCM, thách thức còn phức tạp hơn, bởi khu vực này không chỉ tập trung đông người dân sinh sống mà còn là nơi làm việc của hàng triệu người từ các địa phương khác.
Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng ở TP.HCM còn hạn chế, mới chỉ có tuyến metro số 1 hoàn thiện. Điều này khiến người dân khó có lựa chọn thay thế nếu xe xăng bị cấm mà chưa đủ điều kiện mua xe điện.
Vị chuyên gia ước tính chỉ riêng khu vực trung tâm hiện có khoảng 2-3 triệu xe máy cá nhân. Nếu chi phí chuyển đổi xe điện trung bình khoảng 20 triệu đồng/chiếc, tổng kinh phí có thể lên tới 40.000-60.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, đòi hỏi phải có lộ trình và chính sách hợp lý để chia sẻ gánh nặng với người dân.Theo ông, TP.HCM nên ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là metro, trước khi hạn chế xe cá nhân."Khi phương tiện công cộng hoạt động hiệu quả, có thể kết hợp chính sách khuyến khích sử dụng và dần 'siết' xe cá nhân vào trung tâm. Cách làm này vừa giảm ô nhiễm, vừa giảm ùn tắc, một mũi tên trúng hai đích và phù hợp với xu hướng các nước phát triển", ông nhấn mạnh. Theo chuyên gia, việc chuyển sang xe điện khả thi ở mọi khu vực, nhưng thành công phụ thuộc vào ý thức của người dân và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Ảnh: Duy Hiệu. Ông Huân cho rằng xe điện chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu được sử dụng thường xuyên, với quãng đường dài. Với người ít di chuyển, xe xăng vẫn có thể "kinh tế" hơn. Vì vậy, để người dân tự nguyện chuyển đổi, TP cần phải chứng minh được lợi ích kinh tế rõ ràng, ví dụ như miễn phí sạc trong nhiều năm đầu hoặc hỗ trợ chi phí ban đầu...Việc xây dựng hạ tầng trạm sạc cũng là một bài toán lớn, đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Bên cạnh đó, theo ông, cần có chiến lược truyền thông hiệu quả để người dân hiểu, đồng thuận và không cảm thấy bị áp đặt.Đặc biệt, trước khi quyết định chuyển đổi, phải đánh giá kỹ các tác động có thể xảy ra với toàn xã hội. Thực tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng cho rằng lộ trình cấm xe xăng và phạm vi vùng phát thải thấp sẽ được tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội và tạo thời gian chuẩn bị cho người dân, doanh nghiệp.Lộ trình cấm xe xăng và phạm vi vùng phát thải thấp sẽ được tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội và tạo thời gian chuẩn bị cho người dân, doanh nghiệpViện Nghiên cứu Phát triển TP.HCMHiện nay, việc "đổi màu" xe buýt là một trong những bước đi đầu tiên trên hành trình xanh hóa giao thông. TP.HCM đang từng bước chuyển đổi xe buýt sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh, với mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt sử dụng điện hoặc năng lượng sạch."Về hiệu quả và tính khả thi, TP.HCM và Hà Nội đều chọn xe buýt điện là đối tượng chuyển đổi nhanh vì đây là nhóm dễ kiểm soát nhất, chính quyền sẽ chủ động cung cấp hạ tầng, bến bãi và trợ giá", ông Lê Thanh Hải nói và cho biết TP.HCM hiện đã chuyển đổi được hơn 31% đội xe buýt.Đối tượng tiếp theo là nhóm tài xế công nghệ và giao hàng, với lộ trình dự kiến từ năm 2026, TP.HCM sẽ dừng cấp phù hiệu mới, tức ngưng ký hợp đồng mới với tài xế xe máy xăng hoạt động trên nền tảng gọi xe công nghệ.Đồng thời, TP.HCM bắt đầu quá trình chuyển đổi xe công nghệ, giao hàng đang hoạt động, với mục tiêu đến cuối năm 2026 thay thế 30% xe xăng, năm 2027 tăng lên 80% và hoàn tất vào năm 2028. Từ năm 2029, xe máy xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động giao hàng và xe ôm công nghệ.Viện nhấn mạnh quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh và xe điện là xu hướng không thể đảo ngược. Đơn vị này cũng đang làm việc với các nhà sản xuất xe điện và Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) để tính toán lượng điện cần thiết, đồng thời đề xuất lộ trình phát triển hệ thống trạm sạc phủ rộng toàn thành phố.Liên quan đến quy hoạch hạ tầng, Viện kiến nghị UBND TP.HCM dành tối thiểu 60 ha đất công khó khai thác để phát triển trạm sạc và hệ thống đổi pin.Ngoài ra, Viện cũng đã xây dựng lộ trình chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức và các nguồn lực xã hội cùng tham gia. Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.