Lâm Viên - Đà Lạt, nơi hội tụ các làng hoa nổi tiếng

P.Lâm Viên - Đà Lạt, đơn vị hành chính cấp xã mới của tỉnh Lâm Đồng, là nơi hội tụ của 3 làng hoa và các công ty sản xuất hoa hàng đầu Việt Nam.
P.Lâm Viên - Đà Lạt được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các phường: 8, 9 và 12 (TP.Đà Lạt cũ). Phường có diện tích tự nhiên 35,03 km2, quy mô dân số 71.369 người (trong đó có 3.674 người dân tộc thiểu số).
Điểm son về phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Điểm đặc biệt, trên địa bàn P.Lâm Viên - Đà Lạt có các làng hoa Hà Đông, Thái Phiên, Đa Thiện, trong đó làng hoa Hà Đông là làng hoa được hình thành lâu đời nhất ở Đà Lạt vào năm 1938. Còn làng hoa Thái Phiên là nơi chuyên canh hoa cúc các loại, có nhiều cơ sở nhân giống hoa cúc để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.
Địa bàn P.Lâm Viên - Đà Lạt còn có Công ty Dalat Hasfarm được thành lập từ năm 1994 và là đơn vị tiên phong trong canh tác rau, hoa trong nhà kính. Nơi đây được ví là cái nôi phát triển nghề trồng hoa công nghệ cao ở Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng trong hơn 30 năm qua. Dalat Hasfarm sản xuất, phân phối ngọn giống, hàng trăm giống hoa cắt cành và hoa chậu ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Những năm qua, Dalat Hasfarm liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ, thu mua và tiêu thụ hoa tươi với hàng chục nông hộ trên địa bàn.
Bên cạnh đó có Công ty CP công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, được thành lập năm 2003. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất giống cây con bằng phương pháp invitro để xuất khẩu; là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu giống hoa, cây cảnh qua Bỉ, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Hà Lan. Công ty này là một trong 3 công ty đầu tiên được Bộ NN-PTNT (cũ) cấp Giấy chứng nhận "Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao".
Theo thống kê, trên địa bàn phường có 25 cơ sở nuôi cấy mô, hàng năm sản xuất trên 115 triệu cây giống đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.
Nơi có những điểm du lịch nổi tiếng
Một điểm son khác, trên địa bàn P.Lâm Viên - Đà Lạt có các điểm du lịch nổi tiếng như: Vườn hoa Đà Lạt, Thung lũng Tình yêu, XQ Đà Lạt Sử quán, hồ Than Thở - Công viên Hoa và Ánh sáng nghệ thuật (Delight Park)…
Theo bà Trần Thị Vũ Loan, Chủ tịch UBND P.Lâm Viên - Đà Lạt, các địa điểm du lịch này góp phần kéo dài ngày lưu trú và thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế trên địa bàn, đồng thời là tiền đề để mở rộng phát triển các loại hình du lịch mới góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Cũng theo bà Loan, toàn phường hiện có 561 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động, bao gồm: 18 khách sạn 1 sao, 14 khách sạn 2 sao, 4 khách sạn 3 sao, 2 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 5 sao, 73 khách sạn chưa phân hạng, 111 biệt thự du lịch, 337 nhà ở kinh doanh dịch vụ lưu trú và các loại hình khác. Bên cạnh đó, số lượng cơ sở kinh doanh ngành thương mại, dịch vụ năm 2020 có 1.797 cơ sở, năm 2025 tăng lên 2.603 cơ sở.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết, khuyến khích thu hút đầu tư
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ P.Lâm Viên - Đà Lạt lần thứ 1, nhiệm kỳ 2025 - 2030 ngày 24.7, ông Đặng Quang Tú, Bí thư Đảng ủy phường, cho biết nhiệm kỳ này sẽ đẩy mạnh hợp tác, liên kết, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, có lợi thế của địa phương. Trong đó sẽ chú trọng phát triển du lịch canh nông, du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó có giải pháp khai thác các giá trị các làng hoa Thái Phiên, Hà Đông, Đa Thiện gắn với phát triển dịch vụ du lịch.
"Phường sẽ phát triển mô hình câu lạc bộ du lịch nông nghiệp cộng đồng; quan tâm ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ du lịch", ông Tú cho biết thêm.
Với lĩnh vực nông nghiệp, phường phát huy lợi thế cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hình thành mới các chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong phát triển sản xuất kinh doanh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng hiệu quả chứng nhận "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" trong sản phẩm địa phương; đẩy mạnh phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.