'Khúc ca thơ ngây và từng trải' - hữu hạn đời người

Hồi tháng 6, bản dịch tiếng Việt của Songs of Innocence and of Experience (Khúc ca thơ ngây và từng trải) ra mắt độc giả trong nước. Ấn phẩm do Nguyễn Tuấn Bình chuyển ngữ, Nhà xuất bản Văn học và Book Hunter ấn hành.
Khúc ca thơ ngây và từng trải là tác phẩm tiêu biểu nhất của William Blake, được xuất bản lần đầu dưới dạng hai tập riêng biệt: Songs of Innocence (1789) và Songs of Experience (1794), trước khi được kết hợp thành một tập vào năm 1794 với phụ đề Biểu lộ hai trạng thái tương phản của tâm hồn con người.
Hai phần thể hiện hai trạng thái đối lập của tâm hồn con người, phản ánh thế giới lý tưởng và thực tại khắc nghiệt. Khúc ca thơ ngây gồm 23 bài thơ, mang giọng điệu trong sáng, nhịp điệu nhẹ nhàng, khắc họa thế giới hồn nhiên, nơi trẻ em, thiên nhiên và đức tin hòa quyện.
Một số bài cho thấy những bất công xã hội, như phê phán nạn lao động trẻ em trong The Chimney Sweeper (Đứa bé nạo ống khói): ''Thế rồi Tom tỉnh giấc, bật dậy trong bóng tối/ Túi khoác và bàn chải, chúng em vào việc thôi/ Dẫu sáng nay lạnh lẽo, Tom vẫn thấy ấm lòng/ Chẳng việc gì phải sợ, cứ hết mình là xong''.
Khúc ca từng trải có 26 bài thơ, phơi bày một thế giới khắc nghiệt, nơi sự ngây thơ bị bóp nghẹt bởi bất công, áp bức tôn giáo và dục vọng ích kỷ. Oai hùm (The Tyger) - bài nổi tiếng nhất của tập này - đặt câu hỏi về sự tồn tại của cái ác và quyền năng sáng tạo của Chúa. Hay ở Vườn yêu thương, William Blake khắc họa sự hụt hẫng khi khu vườn thân yêu thành nghĩa địa: ''Tôi bỗng thấy trước mặt là nghĩa địa/ Nơi lá hoa giờ biến thành mộ bia/ Những thầy tu đi quanh trong u tối/ Như nhành gai trói buộc khát khao tôi''.
William Blake không đơn thuần đối lập hai giai đoạn tuổi tác trong hai tập thơ. Nhà phê bình Harold Bloom cho rằng ông "tạo ra một đối thoại nội tâm giữa hai nửa của linh hồn". Theo William Blake, nét ngây thơ và từng trải không thể tách rời, cùng tồn tại trong tâm hồn người tạo nên sự phức tạp của trải nghiệm sống. Qua đó, ông phê phán các định chế xã hội khắc nghiệt vì bóp méo bản chất tự nhiên của con người. Tác phẩm cũng mang tính tiên tri, kêu gọi một sự thức tỉnh tinh thần để xây dựng một Jerusalem lý tưởng, như ở bài thơ cùng tên được phổ nhạc thành quốc ca không chính thức của nước Anh.
Khúc ca thơ ngây và từng trải kết hợp hài hòa giữa văn bản và hình ảnh minh họa, thể hiện tài năng đa diện của William Blake trong vai trò nhà thơ, họa sĩ và nghệ sĩ chạm khắc.
Richard Holmes - nhà phê bình, sử gia, tác giả tiểu sử người Anh -nhận xét: "Sách có vẻ đơn giản nhưng ẩn chứa trí tuệ tiên tri. Wiliam Blake đã khéo léo so sánh sự ngây thơ của tuổi trẻ với kinh nghiệm của cuộc sống, không phải theo cách đen trắng, mà qua một mạng lưới biểu tượng và ý nghĩa phức tạp, nơi từ ngữ và hình ảnh đan xen".
Richard Holmes nhấn mạnh tác phẩm là một trải nghiệm nghệ thuật toàn diện nhờ kỹ thuật khắc nổi và minh họa của Blake. Nhà thơ từng nói: ''Tôi viết và vẽ cùng một lúc để trí tưởng tượng không bị gián đoạn''. Ông thực hiện hai việc trực tiếp lên tấm đồng, sau đó sử dụng axit để khắc và in ấn. Các trang sách được William Blake và vợ tự tô màu, khiến mỗi bản in trở thành một bản thể độc nhất. Điều này khiến Blake không chỉ là nhà thơ mà còn là nhà xuất bản, nhà thiết kế, họa sĩ tiên phong cho hình thức Livre d'artiste - thuật ngữ chuyên ngành trong lịch sử nghệ thuật và xuất bản, chỉ thể loại sách đặc biệt, được coi là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, kết hợp giữa văn bản và hình ảnh, thường do nghệ sĩ sáng tạo, thiết kế hoặc minh họa.
Phong cách nghệ thuật của William Blake mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn, nhấn mạnh vào cảm xúc, trí tưởng tượng và sự hòa hợp với thiên nhiên. Các hình minh họa thường sử dụng đường nét mềm mại, màu sắc tươi sáng (trong Khúc ca ngây thơ) hoặc u tối, dữ dội (ở Khúc ca từng trải). Tác giả cũng chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Trung cổ và Phục hưng với các hình tượng thiên thần, thú vật và cảnh đồng quê mang tính biểu tượng cao.
Tập thơ có các bài đối đáp giữa hai phần, được xây dựng như cuộc đối thoại, tạo nên cấu trúc biện chứng. Ví dụ, bài Khúc dạo đầu của Khúc ca thơ ngây mô tả một thế giới lý tưởng, còn Khúc dạo đầu ở Khúc ca từng trải kêu gọi trái đất thức tỉnh khỏi bóng tối. Trong Holy Thursday (Thứ năm Tuần Thánh), ở Khúc ca thơ ngây ca ngợi lòng từ thiện, nhưng phiên bản Khúc ca từng trải chỉ trích sự giả tạo của nó khi trẻ em vẫn sống trong nghèo đói. Sự đối lập này tạo nên chiều sâu triết học. Nhiều bài súc tích nhưng chứa đựng tầng ý nghĩa sâu sắc như Bóng hồng khổ đau chỉ với tám dòng, nói về sự hủy hoại, tan biến của tình yêu.
Các bài thơ có nhịp điệu giống bài hát, thể hiện ý định của William Blake rằng chúng có thể được ngân nga. Ví dụ Xuân ơi (Spring) và Khúc ca cười vang (Laughing Song) gợi cảm giác vui tươi trong khi Luân Đôn (London) mang âm hưởng nặng nề, u ám. Màu sắc ở Khúc ca thơ ngây thường tươi sáng, chủ yếu là xanh, vàng, tượng trưng cho niềm vui và sự sống còn Khúc ca từng trải sử dụng tông màu u tối như đỏ đậm, đen, thể hiện sự khắc nghiệt và đau khổ.
Khúc ca thơ ngây và từng trải có ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và nghệ thuật sau này. Các ý tưởng của ông về sự tự do, tâm linh và chống lại áp bức xã hội truyền cảm hứng cho loạt phong trào văn học và chính trị, từ chủ nghĩa siêu thực đến các cuộc đấu tranh giải phóng thế kỷ 20. Những phê phán của William Blake về cảnh nghèo đói, áp bức tôn giáo vẫn còn nguyên ý nghĩa đến nay. Tác phẩm còn là một trong những ví dụ sớm nhất của "sách thơ minh họa", mở đường cho các hình thức nghệ thuật kết hợp giữa văn bản và hình ảnh, tác động trực tiếp đến sách thiếu nhi và truyện tranh hiện đại.
Bản dịch của Nguyễn Tuấn Bình cho thấy nỗ lực trong việc đưa di sản của William Blake đến độc giả. Anh giữ được giọng điệu hồn nhiên của Khúc ca thơ ngây và sự u ám, sắc sảo ở Khúc ca từng trải.
Ví dụ, trong bài Khúc ca cười vang, bản dịch truyền tải trọn vẹn sự dịu dàng và vui tươi của nguyên tác: ''Khi rừng xanh cười vang thay tiếng gọi mời chào/ Và con suối cười vang cùng đợt sóng lao xao/ Khi đất trời cười vang theo câu đùa tếu táo/ Còn đồi xanh cười vang bằng giai điệu rì rào''. Hay ở Luân Đôn, dịch giả thể hiện nhịp điệu mạnh mẽ, hình ảnh sinh động nhưng buồn bã, tái hiện vẻ tù túng, bí bách, chán chường của bản gốc: ''Từng con phố tù túng, lang thang tôi bước đi/ Men theo dòng tù đọng, ôi sông Thames rầm rì/ Hiện trên từng gương mặt, tôi bắt gặp thoáng qua/ Là dấu vết khốn cùng, hằn in bao tàn tạ''.
Nguyễn Tuấn Bình cố gắng "giữ cái đầu lạnh", để vần điệu và ý tưởng tự vang lên. Anh giữ nguyên thứ tự gốc, kết hợp phần song ngữ và bổ sung lời bình. Anh cũng chú trọng việc tái hiện các yếu tố văn hóa và tôn giáo trong thơ của William Blake, như hình tượng Chúa, thiên thần và các biểu tượng Kinh Thánh. Tuy nhiên, việc dịch thơ của ông là một thách thức lớn do tính đa nghĩa và tính biểu tượng cao.
Một số câu thơ của Blake, như trong Auguries of Innocence (Điềm báo thơ ngây), chứa đựng các tầng ý nghĩa triết học và văn hóa khó truyền tải sang tiếng Việt. Ngoài ra, do sự khác biệt về ngữ âm và nhịp điệu giữa tiếng Anh và tiếng Việt, một số bài thơ mất đi phần nào tính nhạc trong nguyên tác.
Một thách thức khác là việc truyền tải các hình minh họa của William Blake, vốn là một phần không thể tách rời của tác phẩm. Với nhà thơ, nghệ thuật không chỉ là phương tiện mà là cuộc đời sống động. Từng bài không thể tách rời phần minh họa, đó là nét độc đáo khiến các bản dịch hiện đại thường bỏ sót khía cạnh thị giác, do giới hạn về ngôn ngữ và kỹ thuật. Tuy giữ nguyên minh họa của William Blake, bản in khắc trên thực tế khi đi vào một cuốn sách thời hiện đại vẫn có sự khác biệt.
Hà Thanh Vân