Khát vọng phát triển nhìn từ lao động trẻ

Nhiều lao động trẻ vừa ra trường đã có việc làm ngay, đúng ngành nghề và thu nhập rất cao. Tuy nhiên cũng có không ít lao động trẻ thất nghiệp, loay hoay tìm việc dù đều qua đào tạo. Nghịch lý này do đâu?
Câu hỏi ấy được cùng đi tìm lời giải tại tọa đàm "Lao động trẻ - khát vọng phát triển TP" được Thành Đoàn TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tổ chức ngày 21-5. Bởi lao động trẻ vốn được doanh nghiệp đánh giá có sức khỏe, sáng tạo, năng động, hoài bão lớn, dám dấn thân và đầy khát vọng trên thị trường lao động.
Cần người nhưng thất nghiệp vẫn cao
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, giám đốc Trung tâm Việc làm TP.HCM (Sở Nội vụ), thông tin tính đến giữa tháng 5, trung tâm tiếp nhận hơn 43.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó số lao động trẻ dưới 35 tuổi chiếm gần 50%, số thất nghiệp không có bằng cấp 43%, còn số thất nghiệp có trình độ đại học trở lên tới 37%.
Thông tin này cho biết nhiều sinh viên giỏi, tốt nghiệp là có việc làm đúng ngành nghề, sở thích và mức lương tương đối cao. Nhưng cũng rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp song thụ động khi tìm việc, chưa trang bị cho bản thân kiến thức từ trường học, thực tế và cả kỹ năng mềm.
Từ quá trình tư vấn giới thiệu việc làm, bà Thục nói lương mà lao động trẻ đề nghị và mức mà thị trường lao động và doanh nghiệp đưa ra rất ít khi gặp nhau. Doanh nghiệp tìm kiếm nhóm lao động chất lượng với mức lương hợp lý. Trong khi người lao động luôn kỳ vọng lương cao, sẵn sàng không đi làm nếu không đạt mức lương mong muốn khiến thị trường lao động hiện có độ vênh giữa cung và cầu.
Ông Nguyễn Phương Tài Lộc, trưởng phòng nhân sự Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, cho hay doanh nghiệp có lúc cần tuyển 2.000 lao động phổ thông, không yêu cầu tay nghề, bằng cấp nhưng vẫn không tuyển đủ. Nhiều lý do được nêu lên như địa điểm làm việc, mức lương, môi trường công việc… ứng viên thấy chưa phù hợp.
Doanh nghiệp muốn cùng đào tạo kỹ năng cho sinh viên
Ông Nguyễn Thiên Ân, giám đốc Công ty TNHH thương mại điện tử Cầu Vồng, nói một trong những điều sinh viên ra trường thiếu chính là kỹ năng mềm. Ông nói rắc rối là cứ tuyển 10 người, đào tạo xong các kỹ năng mềm thì chỉ 3 người có thể trụ lại nên "sinh viên rất cần bổ sung, trau dồi kỹ năng mềm để tiếp cận công nghệ mới, dám thay đổi tư duy". "Sinh viên cần gặp gỡ, tiếp xúc môi trường doanh nghiệp ngay từ năm 2 thay vì chờ tới cuối năm 3 hay 4 như hiện nay", ông Ân nêu.
Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng FPT Polytechnic Lê Thị Hồng Hạnh chia sẻ doanh nghiệp đang phải liên tục đào tạo nhân sự trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Nếu chỉ dựa vào giáo trình có sẵn, sinh viên tốt nghiệp sẽ rất khó bắt kịp thay đổi của thị trường. "Cần một "liên minh sâu sắc" hơn giữa doanh nghiệp với nhà trường, nhà quản lý giáo dục. Doanh nghiệp được chung tay trong việc xây dựng khung chương trình dạy và học, can thiệp sâu hơn vào việc dạy", bà Hạnh nói.
Cùng ý kiến, bà Lê Thị Thúy Tiên, giám đốc nhân sự Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Sài Gòn King Land, bổ sung doanh nghiệp luôn có chung mong muốn được tham gia đồng hành đào tạo kỹ năng cho sinh viên. "Trường có chuyên môn còn doanh nghiệp có kinh nghiệm, góc nhìn từ thực nghiệm tiệm cận nhất với thị trường", bà Tiên nói.