Nhảy đến nội dung
 

Hỏi ChatGPT, nạn nhân tiêm filler bay từ Hồng Kông sang TPHCM cầu cứu

(Dân trí) - Trong thời gian ngắn, bệnh viện ở TPHCM liên tục tiếp nhận các ca biến chứng nặng sau tiêm filler. Có trường hợp bay từ Hồng Kông sang Việt Nam cầu cứu, sau khi tra thông tin từ nền tảng ChatGPT.

Ngày 24/7, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng Giám đốc một bệnh viện ở TPHCM cho biết, vừa qua nơi ông làm việc đã tiếp nhận điều trị cho nhiều ca hoại tử vùng mông, đùi, cằm… do tiêm filler (chất làm đầy) không rõ nguồn gốc.

Mổ lấy 3.000ml filler, máu và dịch mủ cho cô gái trẻ

Trường hợp đầu tiên là nữ bệnh nhân N.T.H. (29 tuổi, quốc tịch Singapore) phải trả giá đắt bằng việc biến dạng vùng mông và đùi.

Theo khai thác bệnh sử, năm 2019 chị từng tiêm khoảng 1.000ml filler tại một spa không phép, sau đó tiếp tục thực hiện cấy mỡ làm đầy mông vào năm 2021. Nhưng sau một thời gian, mông đùi bệnh nhân rơi vào tình trạng lồi lõm, mô cơ lỏng lẻo, khiến chị mất tự tin trong sinh hoạt, đi đứng khó khăn.

Qua thăm khám lâm sàng, chẩn đoán bằng hình ảnh MRI và siêu âm, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung đánh giá filler đã ăn sâu vào lớp mô cơ, gây hoại tử lan rộng từ mông sang đùi nhưng bệnh nhân không hay biết. Việc điều trị muộn khiến tình trạng áp xe của bệnh nhân cực kỳ nghiêm trọng.

Nguyên nhân được xác định do kỹ thuật tiêm filler sai vị trí và tiêm quá nhiều, khiến chất làm đầy len lỏi sâu khắp nơi, gây nhiễm trùng và hoại tử sâu vào mô cơ. 

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nạo filler gấp, có ứng dụng kỹ thuật siêu âm AI xuyên suốt quá trình mổ. Sau ca phẫu thuật, gần 3.000ml hỗn hợp dịch hoại tử gồm filler, mô hoại tử và máu được lấy khỏi cơ thể bệnh nhân.

Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được đặt máy hút áp lực âm VAC và chăm sóc tích cực. Sau 6 tháng đến 1 năm điều trị, bệnh nhân có thể thực hiện cấy mỡ để làm đầy vòng 3. 

Bác sĩ hoảng hốt vì chiếc cằm bệnh nhân “phát sáng" trong đêm

Tối cùng ngày chị H. vào viện, bác sĩ Tú Dung tiếp nhận thêm một ca cấp cứu liên quan đến biến chứng filler. Đó là một nam Việt kiều 25 tuổi, sinh sống tại Hồng Kông (Trung Quốc), vào viện với vùng cằm sưng to và đau nhức dữ dội, ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.

Đáng chú ý, chiếc cằm tấy đỏ như “phát sáng”, khiến bác sĩ cũng hoảng hốt. Anh L. cho biết trước đó từng tiêm filler nhiều lần để cải thiện dáng cằm. Vì không hài lòng với kết quả, anh đã tiêm thuốc làm tan chất làm đầy, rồi lại tiêm tiếp filler mới vào vùng cằm, khiến tổ chức mô tại đây bị tổn thương nặng.

Sau khi hỏi ChatGPT và được nền tảng này cung cấp nhiều thông tin liên quan đến các ca biến chứng thẩm mỹ hồi phục ngoạn mục tại Việt Nam, bệnh nhân quyết định bay từ Hong Kong sang cầu cứu bệnh viện ở TPHCM, với hy vọng tìm được hướng điều trị an toàn.

Qua thăm khám, các bác sĩ Việt chẩn đoán anh L. bị viêm mô hoại tử do ổ áp xe lan rộng bên dưới vùng cằm, một biến chứng nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời. Ê-kíp bác sĩ lập tức kích hoạt quy trình mổ khẩn trong đêm.

Xuyên suốt 3 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã nạo hút triệt để toàn bộ filler còn tồn dư cũng như xử lý các ổ mủ viêm lan sâu. Toàn bộ quá trình phẫu thuật được thực hiện qua đường mổ bên trong khoang miệng, giúp bảo toàn yếu tố thẩm mỹ, tránh để lại sẹo sau phẫu thuật.

Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, ca mổ đã diễn ra thành công, bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi phục tích cực.

“Đặc điểm của nạn nhân là bị tiêm filler “vô tổ chức”. Phẫu thuật viên không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm hay mắt thường, mà phải cần sự hỗ trợ của máy siêu âm, như “mắt thần” giúp chúng tôi định vị tổn thương nhanh và chính xác hơn.

Hệ thống siêu âm AI giúp bác sĩ dẫn hướng dụng cụ can thiệp một cách an toàn, rút ngắn thời gian phẫu thuật và hạn chế tối đa biến chứng. Đây là bước tiến quan trọng trong điều trị biến chứng thẩm mỹ” - Bác sĩ Tú Dung, trưởng kíp mổ chia sẻ.

Bác sĩ Tú Dung khuyến cáo, trong các trường hợp trên, bệnh nhân đều tiêm filler tại các cơ sở không phép, người thực hiện không có trình độ y khoa, dẫn đến tình trạng tiêm sai lớp giải phẫu, gây biến chứng nặng và khó xử lý về sau.

"Người dân không nên tin vào quảng cáo giá rẻ, tiêm filler tại nhà và không có nguồn gốc rõ ràng. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường sau tiêm như đau kéo dài, sưng đỏ, biến dạng, mất cảm giác… cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và xử lý kịp thời", bác sĩ chia sẻ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn