Nhảy đến nội dung
 

Học nghề để nuôi chữ sau tốt nghiệp

Hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều bạn học sinh dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk đã chọn học nghề để sớm có việc làm, theo đuổi ước mơ con chữ.

Trương Thị Điềm (18 tuổi, ở xã Ea Yông) khoe đã rất cố gắng để có điểm tốt trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi. Dẫu vậy nữ sinh người dân tộc Nùng ấy cho biết đã có "nguyện vọng 1" của đời mình.

Học nghề trước cả khi thi

Suốt ba năm qua, Điềm đã miệt mài học nghề hướng dẫn du lịch song song với học văn hóa. "Mình chọn học nghề hướng dẫn du lịch để vừa khám phá quê hương vừa có cơ hội đi nhiều nơi. Nhà trường cho mình học song song văn hóa và nghề, được thực hành tại các công ty du lịch nên kỹ năng rất sát với công việc", Điềm khoe.

Tương tự, Ksơr Y Hiếc (18 tuổi), cô gái dân tộc Ê Đê ở xã Ea Khăl, chọn học thương mại điện tử mong sớm có thu nhập giúp gia đình. Cô bạn khoe đã biết quay, dựng video, viết bài quảng bá sản phẩm và muốn đi làm ngay để có tiền nuôi con chữ, học lên cao hơn.

Còn Y Nghĩa Krông (lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, xã Krông Nô) học nghề để sớm có việc làm nuôi bản thân và giúp nhà. Cậu học trò người Ê Đê này khẳng định dù đậu hay rớt tốt nghiệp THPT cũng sẽ đi làm ngay, đồng thời sắp xếp đi học thêm nữa.

Sự lựa chọn này xuất phát từ chính sách hỗ trợ học nghề tại Đắk Lắk thời gian qua. TS Đỗ Tường Hiệp, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, cho biết học nghề sau khi hoàn tất bậc THCS là hướng đi phù hợp năng lực và điều kiện kinh tế của học sinh dân tộc thiểu số, góp phần vào việc phân luồng sau THCS.

Trong khi bà Nguyễn Vũ Anh Thư, giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Đam San (tỉnh Đắk Lắk), cho hay trong 299 học viên trung tâm đã đào tạo năm 2024 có 189 bạn là người dân tộc thiểu số. Các bạn chủ yếu chọn ngành pha chế, chế biến thực phẩm, nghiệp vụ nhà hàng.

"Nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định, có bạn còn tự mở cơ sở kinh doanh", bà Thư nói.

Tự mở cánh cửa cho mình

Chính sách học nghề miễn phí ấy đã giúp không ít bạn trẻ dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk viết lại câu chuyện đời mình. Có những bạn từng bỏ học giữa chừng đã có tay nghề, tìm được việc làm ổn định.

Từng bỏ học từ năm lớp 10 vì quá khó khăn, chị H'Mia Ênuôl (30 tuổi, ở phường Buôn Ma Thuột) đã quay lại học nghề pha chế miễn phí từ hai năm trước. Hoàn tất, chị tự tin với tay nghề được học nên mở quán cà phê, giúp tạo việc làm cho một số bạn trẻ trong buôn.

Còn anh Sùng Seo Hải (27 tuổi, xã Cư Pui) sau khi được vận động đã theo học miễn phí nghề sửa xe máy và hiện đã có tiệm riêng tại quê nhà. "Mình có nghề, có thu nhập nên muốn mở thêm cửa hàng để tạo việc làm cho thanh niên trong buôn", anh Hải khoe.

Bà Trần Thị Minh Lý, phó hiệu trưởng Trường trung cấp Đắk Lắk, nói nhà trường sẽ tiếp tục thông tin để thu hút học sinh dân tộc thiểu số học nghề theo chính sách nhân văn này. Trong khi TS Đỗ Tường Hiệp nói phổ cập nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số là chiến lược quan trọng trong phát triển bền vững Tây Nguyên.

Tỉ lệ học sinh chọn học nghề song song với văn hóa tại Đắk Lắk theo thống kê đã tăng trên 10% so với năm trước. Các trường nghề tại đây kết nối cùng doanh nghiệp mở thêm ngành mới như du lịch, thương mại điện tử, sửa chữa xe máy, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh.

"Chính sách này không chỉ tháo gỡ rào cản tài chính mà còn mở ra cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân cho các bạn. Có thể xem đây là giải pháp bền vững giúp nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo và phát triển hài hòa giữa các vùng miền", ông Hiệp bày tỏ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn