Dấu hiệu viêm đa dây thần kinh - Báo VnExpress

Viêm đa dây thần kinh là tình trạng tổn thương cùng lúc nhiều dây thần kinh, thường bắt đầu từ các ngọn chi như bàn tay, bàn chân, sau đó lan dần lên trên, có xu hướng đối xứng hai bên cơ thể. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng khác nhau của hệ thần kinh ngoại biên hoặc các dây thần kinh sọ.
BS.CKI Đỗ Thị Thu Hằng, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hệ thần kinh ngoại biên hoạt động như "mạng lưới dây điện" truyền tín hiệu cảm giác và vận động giữa não bộ với toàn cơ thể. Khi hệ thống này tổn thương, chức năng dẫn truyền bị rối loạn, người bệnh mất dần khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày như đi lại, cầm nắm, có thể bị teo cơ nếu không được điều trị đúng và kịp thời.
Triệu chứng sớm và điển hình nhất của viêm đa dây thần kinh là cảm giác tê bì. Người bệnh thường cảm thấy như có kim châm, kiến bò ở bàn tay hoặc bàn chân, nhất là khi nghỉ ngơi. Cảm giác này ban đầu không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Theo thời gian, cảm giác tê lan dần lên cẳng tay, cẳng chân, vùng đùi và vai, có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng mà không giảm dù nghỉ ngơi hay xoa bóp.
Nhiều trường hợp còn xuất hiện cảm giác nóng rát, bỏng buốt ở lòng bàn chân như đi trên than hồng, đau như dao đâm, điện giật từng đợt. Theo bác sĩ Hằng, những cơn đau thần kinh kiểu này thường dữ dội hơn về đêm, gây mất ngủ, dễ nhầm với đau xương khớp, đau cơ.
Một số người bệnh có thể cảm thấy tay yếu, không thể cầm chắc ly nước, mở nắp chai khó khăn, hay đi lại nặng nề, khó nhấc chân khi bước. Dấu hiệu khác là xuất hiện hiện tượng "bàn chân rũ" - người bệnh đi lại với dáng kéo lê một chân, dễ vấp ngã. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng yếu cơ sẽ lan rộng, ảnh hưởng khả năng tự chăm sóc, làm việc, sinh hoạt. Ở mức độ nặng hơn, người bệnh có thể mất cảm giác đau, nóng, lạnh như chạm vào nước sôi không thấy bỏng, không đau dù trầy xước hay va đập, mất định hướng tư thế cơ thể, dễ mất thăng bằng khi đi lại.
Một số người bệnh có thể bị rối loạn thần kinh tự chủ, khô da, thay đổi sắc tố da vùng tay chân, đổ mồ hôi bất thường, huyết áp tụt mạnh khi đứng dậy, rối loạn tiêu hóa, tiểu tiện không kiểm soát. Những biểu hiện này nếu không được nhận diện đúng rất dễ bị bỏ sót hoặc nhầm với các bệnh nội khoa khác.
Viêm đa dây thần kinh có thể do nhiều nguyên nhân như biến chứng đái tháo đường, thiếu vitamin nhóm B (đặc biệt là B12), nhiễm trùng, bệnh tự miễn, do dùng thuốc, rượu bia kéo dài hoặc do yếu tố di truyền. Bệnh lý ác tính như ung thư, u lympho hoặc bệnh lý thần kinh ít gặp như amyloidosis cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Bác sĩ Hằng khuyên người bệnh khi có những biểu hiện như tê bì kéo dài, đau kiểu thần kinh, yếu cơ hoặc đi đứng bất thường, nên đến khám tại khoa Thần kinh ở các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm, phòng ngừa biến chứng.
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ có thể thực hiện đo điện cơ (EMG) để xác định chính xác mức độ và vị trí tổn thương các dây thần kinh, phân biệt thể bệnh từ đó có hướng điều trị phù hợp. Xét nghiệm máu tìm nguyên nhân nền (đường huyết, chức năng gan thận, định lượng vitamin, miễn dịch học...), chụp MRI, chọc dịch não tủy cũng có thể được chỉ định.
Phượng Thy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |