Nhảy đến nội dung
 

Cuộc chiến tiếp theo của các nạn nhân trong vụ lật tàu ở Hạ Long

Dù may mắn sống sót sau thảm họa thời tiết, các nạn nhân thường gặp tổn thương tâm lý nghiêm trọng và có thể kéo dài nhiều năm nếu không được chữa lành đúng cách.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết các nạn nhân còn sống trong vụ lật tàu bị chấn thương phần mềm, vùng đầu và gặp các vấn đề tâm lý. Ảnh: Đinh Hà.

Tính đến hết ngày 20/7, có 10 người đã được cứu sống sau thảm họa ở vịnh Hạ Long. Họ gặp đủ loại thương tích: trầy xước ngoài da, chấn thương sọ não, đứt gân tay, gân chân... Song, khi vết thương thể xác đã lành, một cuộc chiến khác về tinh thần sẽ bắt đầu.

Nhiều nghiên cứu khoa học quốc tế cho thấy các nạn nhân may mắn sống sót sau thảm họa bão lũ, giông tố, chiến tranh, tai nạn... có xu hướng dễ mắc phải chứng rối loạn lo âu, thậm chí rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) - một cuộc khủng hoảng âm thầm, kéo dài và thường bị ngó lơ so với tổn thương thể xác, vật chất.

Theo các chuyên gia trị liệu tâm lý, những gì xảy ra sau thảm họa thường chỉ mới là điểm khởi đầu cho một hành trình hồi phục kéo dài. Trong cuốn sách Sang chấn tâm lý - Hiểu để chữa lành, GS.BS Bessel van der Kolk, chuyên gia hàng đầu về chấn thương tâm thần, đã chỉ ra sang chấn không chỉ để lại dấu vết trong tâm trí, mà còn khắc sâu vào não bộ, thần kinh và cả cơ thể con người.

Vậy làm sao để những người sống sót thật sự “sống tiếp”? Liệu chúng ta đã có đủ nhận thức để đồng hành cùng họ trong hành trình này?

Nỗi đau dai dẳng

Sau trận lũ quét đêm 4/7, Samantha, một người mẹ 39 tuổi sống tại Texas (Mỹ), vẫn sống sót cùng con trai 7 tuổi. Họ được trực thăng cứu ra khỏi mái nhà ngập trong nước. Nhưng từ đó, cô mất ngủ triền miên, bật dậy giữa đêm vì “nghe thấy tiếng nước dù ngoài trời nắng chang chang”.

Chồng cô mất tích từ hôm lũ về. "Tôi không dám mở máy giặt vì tiếng nước chảy làm tôi thấy buồn nôn. Con tôi thì nhất quyết không đi học lại vì nói trường học cũng có nước", Samantha kể.

Trường hợp của Samantha không cá biệt. Sau thảm họa thiên nhiên, hầu hết nạn nhân đều trải qua những phản ứng như sốc, lo âu, khó ngủ, mất kiểm soát cảm xúc. Với người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người có bệnh nền tâm thần, tình trạng này dễ chuyển thành rối loạn lo âu hoặc PTSD.

lat tau o Ha Long anh 1lat tau o Ha Long anh 2lat tau o Ha Long anh 3lat tau o Ha Long anh 4

Trận mưa kéo dài 45 phút vào ngày 4/7 khiến sông Guadalupe (Mỹ) dâng cao gần 8 mét, gây lũ quét nghiêm trọng. Ít nhất 27 người thiệt mạng và hàng chục trẻ em mất tích. Ảnh: Reuters.

Một nghiên cứu năm 2022 tại Texas cho thấy, những người trải qua từ hai thảm họa trở lên trong vòng 5 năm có chỉ số sức khỏe tâm thần thấp hơn rõ rệt. Sau bão Katrina năm 2005, 1/3 người dân New Orleans (Mỹ) được ghi nhận vẫn có biểu hiện suy giảm tinh thần sau nhiều năm. Tại Puerto Rico sau bão Maria năm 2024, tỷ lệ trầm cảm và ý nghĩ tự sát tăng vọt trong người dân do thiếu các dịch vụ y tế dài hạn.

Tuy nhiên, ngay cả ở Mỹ, các hệ thống hỗ trợ phục hồi tâm lý hiện tại thường dừng lại ở các xe khám lưu động, trung tâm khủng hoảng ngắn hạn hoặc đường dây nóng. Tại những khu vực nông thôn, vùng núi hay các quốc gia đang phát triển, người dân gần như không có cơ hội tiếp cận dịch vụ tâm lý chuyên nghiệp.

“Người ta xây lại đường, mở lại trường. Nhưng không ai hỏi xem bà cụ nhà tôi có ngủ lại trong nhà được không. Bà vẫn ngủ trên ghế ngoài hiên vì sợ nước ngập trở lại”, một người dân chia sẻ.

Một số bang ở Mỹ đã thử mô hình “trung tâm phục hồi cộng đồng”, nơi nạn nhân được khám sức khỏe tâm thần và tư vấn pháp lý, hỗ trợ tìm nhà, kết nối với các nhóm hỗ trợ cùng cảnh ngộ.

Với các quốc gia thường xuyên đối mặt thiên tai, đây là bài học đáng cân nhắc. Khi nhà cửa sập xuống, người ta nghĩ ngay đến xi măng, gạch đá. Nhưng với những người còn sống, thứ cần được dựng lại đầu tiên đôi khi là cảm giác an toàn trong tâm trí con người.

Chữa bệnh không chỉ nhờ vào thuốc men

Theo các chuyên gia về sang chấn tâm lý, tổn thương sau thảm họa không đơn thuần là nỗi sợ tạm thời mà là vết hằn sâu trong tâm trí, não bộ và cả hệ miễn dịch của người sống sót. Nó có thể làm thay đổi cách con người cảm nhận thế giới, phản ứng với nguy hiểm và kết nối với những người xung quanh. Đó là lý do mà phục hồi sau sang chấn cần được xem là một phần thiết yếu trong quá trình tái thiết sau thiên tai, chứ không phải điều thứ yếu.

GS Bessel van der Kolk, tác giả cuốn sách nổi tiếng Sang chấn tâm lý: Hiểu để chữa lành, cho rằng sang chấn khiến não bộ rơi vào trạng thái mất kiểm soát kéo dài, làm xói mòn khả năng suy nghĩ lý trí và điều chỉnh cảm xúc. Để chữa lành, người bị tổn thương cần được giúp đỡ khôi phục lại cảm giác an toàn, khả năng kết nối và kiểm soát nội tâm.

lat tau o Ha Long anh 5

Cuốn sách của GS.BS Bessel van der Kolk giúp độc giả hiểu sang chấn không chỉ là tổn thương tinh thần mà còn để lại dấu vết sinh học lên não bộ và cơ thể, từ đó mở ra hướng hồi phục toàn diện cho người sống sót. Ảnh: NXB Thế Giới.

Việc đầu tiên là tái tạo cảm giác an toàn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này có thể là đưa nạn nhân trở lại môi trường quen thuộc, có mặt của người thân và được bạn bè hỗ trợ. Kết nối xã hội là “lá chắn” mạnh mẽ giúp chống lại trầm cảm và cô lập, theo Kolk.

Tiếp theo là ứng dụng những phương pháp như điều hòa nhịp thở, thiền định, vận động thể chất nhẹ nhàng... giúp làm dịu hệ thần kinh bị kích thích quá mức, đưa nạn nhân trở lại trạng thái cân bằng.

Tuy vậy, tác giả sách nhấn mạnh yếu tố cốt lõi trong việc điều trị các vấn đề tâm lý là khả năng cảm thấy an toàn và được kết nối với người khác. Điều này là nền tảng để bệnh nhân có thể học cách đối mặt và sống chung với những tổn thương.

"Sang chấn không chỉ là một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà còn là dấu ấn mà trải nghiệm đó để lại. Nạn nhân không thể hồi phục nếu chưa học cách làm quen và kết thân với những cảm giác trong chính cơ thể mình. Nhận thức là bước đầu tiên để giải phóng bản thân khỏi sự tàn bạo của quá khứ".

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn