Cột mốc giữa rừng và hành trình 4 ngày tuần tra biên giới của lính biên phòng Quảng Trị

Đồn biên phòng Làng Ho phối hợp chặt chẽ với người dân, công an, kiểm lâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Có những cột mốc xa phải đi 4 ngày liền.
Đồn biên phòng Làng Ho (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) hiện quản lý xã Kim Ngân, tỉnh Quảng Trị với 30,82km đường biên giới, 11 cột mốc. Trung tá Phạm Tiến Luật - chính trị viên phó đồn - cho hay đơn vị thường xuyên phối hợp với công an, dân quân, kiểm lâm và người dân tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới.
Phần lớn các cột mốc nằm trên độ cao hơn 1.000m. Riêng cột mốc 572, hành trình đến cột mốc kéo dài đến 4 ngày 3 đêm. Lực lượng tuần tra phải mang theo nhiều trang bị, lương thực, đóng lán nghỉ giữa rừng sâu.
Hàng tháng, lực lượng phối hợp tổ chức tuần tra định kỳ, kiểm tra hiện trạng các mốc quốc giới. "Chúng tôi xem mỗi người dân là một "cột mốc sống" nơi biên cương. Khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, chính người dân là tai mắt đầu tiên, thông tin nhanh để đồn xử lý kịp thời" - trung tá Luật nói.
Trong một chuyến tuần tra gần đây, ngoài các chiến sĩ biên phòng còn có sự tham gia của người dân bản địa, dân quân xã, bảo vệ rừng Lâm trường Khe Giữa.
Từ sáng sớm, tổ tuần tra trực chỉ cột mốc 568 nằm trên đỉnh ngọn đồi cao về phía tây của bản Eo Bù Chút Mút. Sau nhiều tiếng đi xe máy theo đường lâm nghiệp, tổ phải cuộc bộ leo dốc, băng qua những tán rừng già.
Đặt chân đến cột mốc, trung tá Luật phân công cán bộ, chiến sĩ phát dọn cỏ. Riêng anh kiểm tra kỹ lưỡng cột mốc, chụp ảnh ghi nhận hiện trạng. Anh cũng phổ biến thông tin quan trọng về cột mốc, biên giới quốc gia với các thành viên trong đoàn.
Mốc số 568 thuộc loại hình mốc đơn, nằm ở độ cao 647m, thời gian cắm mốc là 10-2011.
Anh Hồ Văn Nhàn - phó bản Eo Bù Chút Mút, xã Kim Ngân - lần đầu đi tuần, chia sẻ: "Đường đi khó khăn, gian nan nhưng tôi cố gắng khắc phục, cùng bộ đội dọn vệ sinh, phát quang lối mòn, bảo vệ cột mốc và biên giới".
Không chỉ tuần tra, bộ đội còn vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền. "Biên giới là thiêng liêng. Tôi thường xuyên vận động bà con trong bản cùng tham gia giữ gìn cột mốc quốc giới, không để ai xâm phạm" - anh Nhàn nói thêm.
Ông Nguyễn Thanh Bình - công nhân bảo vệ rừng thuộc Lâm trường Khe Giữa - cũng là một thành viên tích cực tham gia tuần tra biên giới. "Khu vực chúng tôi phụ trách rừng rất xa, giáp đường biên. Việc kết hợp tuần tra cùng bộ đội là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Dù mưa gió, rắn rết, dốc cao nhưng anh em vẫn đồng lòng gìn giữ chủ quyền".
Không khí những buổi tuần tra luôn đậm tình quân dân. Những cái nắm tay thật chặt giữa cán bộ đồn biên phòng với dân quân hay người dân trong mỗi chuyến đi là lời khẳng định quyết tâm cùng nhau bảo vệ từng mét đất thiêng liêng nơi phên giậu Tổ quốc.
"Công việc có vất vả nhưng mỗi lần nhìn thấy cột mốc sừng sững giữa rừng sâu, lòng chúng tôi lại trào dâng niềm tự hào khó tả. Mỗi bước chân tuần tra là một nhịp đập nối dài tình yêu Tổ quốc" - trung tá Phạm Tiến Luật chia sẻ.
Hiện nay, mô hình "mỗi người dân là cột mốc sống" đang được đồn tiếp tục duy trì và mở rộng, trở thành nền tảng quan trọng trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, giữ vững an ninh biên giới quốc gia.