Chiến dịch 'trả đũa ngày xưa' của ông Trump quay trở lại

Sau 6 tháng tập trung vào nhiều cá nhân và tổ chức khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đang tìm cách truy tố các đối thủ chính trị nổi bật nhất, bắt đầu với người tiền nhiệm Barack Obama.
![]() |
Ông Donald Trump bắt tay ông Barack Obama trong lễ nhậm chức tổng thống ở Washington D.C. (Mỹ) hôm 21/1/2017. Ảnh: Reuters. |
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, không ít người lo ngại viễn cảnh ông chủ Nhà Trắng sẽ thực hiện lời cam kết “giam giữ” hoặc truy tố những nhân vật cấp cao như cựu Hạ nghị sĩ Liz Cheney, cựu Giám đốc FBI James B. Comey hay cựu Tổng thống Barack Obama.
Sau khi nhậm chức, ông Trump nhanh chóng nhắm vào các đối thủ chính trị nhưng không phải những cá nhân như đã dự đoán, và theo cách đầy bất ngờ. Ông đã tiếp cận các công ty luật, trường đại học, nhà báo tới quan chức liên bang không tuân theo hoặc thể hiện những giá trị trái ngược với vị tổng thống.
Song tới ngày 22/7, ông Trump dường như "nhớ ra" kế hoạch cũ, thể hiện sự bất bình với ông Obama, những nhân vật nổi bật trong các chính quyền trước và những người liên quan tới cuộc bầu cử năm 2016.
Theo New York Times, ông Trump dường như làm vậy nhằm đánh lạc hướng những áp lực từ cả hai đảng xoay quanh hồ sơ điều tra Jeffrey Epstein - tỷ phú ấu dâm từng gây chấn động nước Mỹ và chết trong tù năm 2019. Vị tổng thống nói đã đến lúc người tiền nhiệm phải đối mặt với cáo buộc hình sự.
“Tôi đã tha cho bà ta. Tôi rất vui vì đã làm vậy, nhưng đã đến lúc làm gì đó sau tất cả những gì họ làm với tôi”, ông Trump nói về bà Hillary Clinton. “Dù đúng hay sai, giờ là lúc truy cứu. Obama đã bị bắt quả tang. Ông ấy có tội, tội phản quốc”.
Tập hợp một đội toàn thành viên trung thành
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump liên tục cáo buộc nhiều đối thủ chính trị “tội phản quốc” và tìm cách thúc đẩy FBI và Bộ Tư pháp Mỹ truy tố họ. Ông từng nói với chánh văn phòng về mong muốn “bắt Sở Thuế vụ” (IRS) xử lý những cá nhân chống đối ông. Nhiều người trong số này đã bị điều tra, song chưa ai bị buộc tội.
Trong nhiệm kỳ hai, ông Trump có một lợi thế hơn hẳn nhiệm kỳ đầu tiên, khi ông chủ Nhà Trắng bao quanh bởi hàng loạt phụ tá và thành viên nội các sẵn sàng nghe theo lệnh.
Bộ Tư pháp có đội ngũ lãnh đạo cấp cao toàn những cá nhân trung thành, trong đó có cả hai luật sư của ông Trump. Cơ quan này trong tâm thế ngả theo các chương trình nghị sự cá nhân của vị tổng thống.
![]() |
Trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ ở thủ đô Washington, D.C. hôm 29/8/2020. Ảnh: Reuters. |
Bộ Tư pháp đã sa thải những công tố viên liên quan tới các vụ án hình sự do một công tố viên đặc biệt khởi tố 2 năm trước và vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021. Bộ này cũng hủy bỏ vụ truy tố thị trưởng thành phố New York sau khi ông Eric Adams đồng thuận với ông Trump về các vấn đề nhập cư.
Chính quyền còn nhắm vào các quan chức phục vụ nhiệm kỳ đầu tiên nhưng công khai mâu thuẫn với ông Trump, như Miles Taylor (cựu Chánh văn phòng Bộ An ninh Nội địa Mỹ) và Chris Krebs (cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ).
Ngày càng mạnh tay
Hiện tại, chiến dịch nhắm vào các quan chức cấp cao từ những chính quyền trước dường như ngày càng mạnh mẽ.
Giám đốc CIA John Ratcliffe đã thực hiện một đợt đánh giá chỉ trích chính quyền Obama và cựu Giám đốc CIA John O.Brennan. Trên mạng xã hội, ông Ratcliffe tiết lộ đợt đánh giá cho thấy quy trình "có vấn đề" và đã chuyển hồ sơ hình sự cho FBI.
Hôm 18/7, Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard công bố một báo cáo khác, trong đó gồm các tài liệu khẳng định chính quyền Obama “âm mưu phản quốc” vào năm 2016 nhằm suy yếu chiến thắng của ông Trump. Một email được bà Gabbard công bố cho rằng ông Obama đã "ra lệnh" thực hiện đánh giá tình báo, kết luận Nga "can thiệp" giúp ông Trump đánh bại bà Clinton.
Hôm 23/7, bà Gabbard tiến thêm bước nữa, công bố báo cáo năm 2017 của Ủy ban Tình báo Hạ viện, trong đó chỉ trích một số nội dung trong đánh giá của chính quyền Obama. Trả lời phóng viên trong họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng, bà nói các quan chức chính quyền Obama đã dẫn tới “cuộc đảo chính kéo dài nhiều năm và âm mưu phản quốc” chống lại ông Trump.
"Những bằng chứng chúng tôi tìm thấy và công bố chỉ ra Tổng thống Obama đứng đầu đánh giá tình báo này. Có rất nhiều bằng chứng và thông tin tình báo xác nhận điều này”, bà nói.
![]() |
Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard. Ảnh: Reuters. |
Cùng ngày 23/7, Bộ Tư pháp Mỹ công bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm điều tra những cáo buộc này. Theo cáo báo cáo hiện có của chính quyền Trump, chính quyền Obama muốn hoàn tất đánh giá trước khi rời nhiệm sở nên họ gây áp lực buộc cơ quan tình báo phải hành động nhanh chóng, song chưa có bằng chứng về hành vi phạm tội.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Bộ Tư pháp có sẵn sàng hoặc có đầy đủ căn cứ mở cuộc điều tra hình sự với ông Obama, các đảng viên Dân chủ nổi tiếng và những cá nhân chỉ trích ông Trump hay không. Ngay cả khi các công tố viên đệ đơn truy tố, khả năng truy tố cũng không dễ dàng.
Ông Obama, giống ông Trump, có thể được hưởng quyền miễn trừ truy tố với mọi hành vi chính thức khi còn đương nhiệm, dựa trên phán quyết về quyền miễn trừ của tổng thống từ Tòa án Tối cao năm 2024.
Dẫu vậy, ông Trump có thể muốn đối thủ chính trị chịu sự giám sát tương tự cách ông từng trải qua.
Dưới áp lực từ sắc lệnh hành pháp mới, nhiều công ty luật cam kết ủng hộ gần một tỷ USD cho các hoạt động pháp lý miễn phí cho những lĩnh vực ông Trump ủng hộ.
Ông Trump coi nhiều trường đại học “sản sinh chủ nghĩa bài Do Thái” và thúc đẩy “chủ nghĩa thức tỉnh” (woke), với Harvard là mục tiêu lớn nhất. Ông cắt giảm ngân sách nghiên cứu, tìm cách tước thị thực của sinh viên quốc tế, đồng thời tiến hành một loạt điều tra. Harvard hiện tìm cách đối thoại với Nhà Trắng, song chính quyền tiếp tục gây áp lực bằng cách thông báo về một cuộc điều tra khác hôm 23/7.
Ông Trump cũng cảnh báo nhiều tổ chức truyền thông, cấm AP tham gia nhóm báo chí Nhà Trắng, hay khởi kiện Wall Street Journal về bài báo nói về quan hệ giữa ông và tỷ phú ấu dâm Jeffrey Epstein.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.