Bí mật phía sau danh hiệu ‘Người bạn của văn học Trung Quốc’ của nữ dịch giả Việt

Suốt hơn 25 năm, chị Nguyễn Lệ Chi lặng lẽ đưa hàng trăm tác phẩm văn học Trung Quốc đến gần độc giả Việt bằng tâm huyết và tình yêu ngôn ngữ. Ít ai biết, đằng sau danh hiệu "Người bạn của văn học Trung Quốc" mà chị vừa nhận tại Nam Kinh là một hành trình bền bỉ vượt qua định kiến, khó khăn và cả những hiểu lầm về văn học dịch.
Sáng 21.7.2025 tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc, chị Nguyễn Lệ Chi là một trong 15 dịch giả quốc tế được vinh danh danh hiệu "Người bạn của văn học Trung Quốc" trong khuôn khổ hội thảo quốc tế về dịch văn học. Danh hiệu do Hội nhà văn Trung Quốc như một sự ghi nhận với những đóng góp bền bỉ của chị trong việc kết nối văn học hai quốc gia.
"Tôi thật sự bất ngờ. Trước giờ khai mạc, tôi không hề biết mình sẽ được xướng tên trong buổi lễ trang trọng ấy. Ban tổ chức giữ kín đến phút chót như một món quà tinh thần lớn cho những người âm thầm với nghề dịch thuật như tôi", chị Lệ Chi chia sẻ từ Nam Kinh.
Gần 30 năm "trụ lại" với văn học Trung Quốc
Chị Nguyễn Lệ Chi tốt nghiệp đại học với chuyên ngành tiếng Trung, nhưng thay vì chọn con đường phổ biến như làm hướng dẫn viên, nhân viên thương mại hay biên phiên dịch doanh nghiệp, chị lại chọn đi theo một lối mòn ít người: dịch văn học Trung Quốc.
"Rất nhiều bạn cùng khóa tôi đã rẽ hướng. Có người vẫn dùng tiếng Trung, nhưng phần lớn không ai kiên trì với mảng văn học như tôi. Cũng không ít người khuyên tôi nên làm việc nhẹ nhàng hơn, lương cao hơn. Nhưng tôi chọn nghề dịch văn học vì yêu thích thật sự".
Yêu văn học là một chuyện, nhưng "sống được" bằng nghề này lại là chuyện khác. Chị từng phải tự tìm kiếm tác phẩm bằng cách nhờ bạn bè mua hộ sách từ nước ngoài, đọc ngấu nghiến để lựa chọn những cuốn mà mình cảm thấy có thể "sống cùng", rồi mới bắt tay dịch.
Có những lúc, chị chọn dịch những tác phẩm mà người khác cho là "khó bán" hoặc "ít hấp dẫn", nhưng bằng sự cảm thụ tinh tế và ngôn ngữ chuẩn mực, các bản dịch ấy vẫn được độc giả đón nhận.
Với Nguyễn Lệ Chi, bản dịch không chỉ cần đúng nội dung mà còn phải chạm cảm xúc người đọc. Và để làm được điều đó, chị tin rằng người dịch cần có ba yếu tố: tình cảm với tác phẩm, sự hiểu biết toàn diện về văn hóa - lịch sử - xã hội của bản gốc, và khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thật giàu biểu cảm.
"Một bản dịch hay là bản dịch giữ được tinh thần của tác phẩm gốc, đồng thời thể hiện bằng văn phong uyển chuyển, tự nhiên, có hồn trong tiếng Việt. Muốn thế, người dịch phải yêu tác phẩm, hiểu được phong cách của tác giả và nắm chắc ngôn ngữ mẹ đẻ. Chỉ dịch đúng thôi thì chưa đủ", nữ dịch giả nói.
Khi dịch giả trở thành cầu nối văn hóa
Không chỉ là dịch giả, Nguyễn Lệ Chi còn là người sáng lập Chibooks – một đơn vị xuất bản độc lập từng góp phần đưa nhiều tác phẩm Trung Quốc đến tay bạn đọc Việt.
Từ 2–3 năm nay, chị xây dựng một cộng đồng bạn đọc văn học với mong muốn tìm được những người cùng đam mê, và ươm mầm các dịch giả trẻ. Chị vẫn tiếp tục hợp tác với các đơn vị xuất bản lớn tại Trung Quốc, tổ chức các hoạt động giao lưu giữa tác giả hai nước, góp phần quảng bá văn học Việt ra thế giới và ngược lại.
"Tôi mong rằng, không chỉ văn học Trung Quốc đến với bạn đọc Việt Nam, mà văn học Việt cũng sẽ đến được với bạn đọc Trung Quốc và các nước khác. Và tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều dịch giả trẻ giỏi, yêu nghề, cùng nhau tiếp tục công việc này".
Hơn 25 năm qua, dịch giả Nguyễn Lệ Chi vẫn chọn sách bằng cảm nhận cá nhân thay vì chạy theo trào lưu. Chị tin rằng chỉ khi người dịch có tình cảm thật sự với tác phẩm, thì bản dịch mới có thể truyền cảm hứng đến người đọc.