Nhảy đến nội dung
 

Bệnh sốt xuất huyết tăng nhiều nơi, TP.HCM đã có 6 ca tử vong

Bộ Y tế cảnh báo số ca mắc sốt xuất huyết đã ghi nhận tăng cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt khu vực phía Nam chiếm hơn 70% tổng số ca mắc.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19 nguy cơ bùng phát cục bộ, đặc biệt trong mùa mưa.

Từ đầu năm 2025 đến nay cả nước ghi nhận hơn 32.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Hiện đang là thời điểm mưa nhiều, nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, truyền bệnh.

TP.HCM: tăng nhanh và lan rộng, đã có 6 ca tử vong

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Bùi Hoàng Chương - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với những năm trước, số ca sốt xuất huyết diễn tiến nặng năm nay nhiều hơn. Đáng chú ý đã có ba ca tử vong vì mắc sốt xuất huyết.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho hay thời gian gần đây đơn vị cũng tiếp nhận nhiều trẻ sốc sốt xuất huyết dẫn đến rối loạn đông máu, tổn thương một số cơ quan, phải điều trị tích cực.

Tham khảo y văn thế giới và qua điều trị nhiều ca sốc sốt xuất huyết, các bác sĩ nhận thấy các trường hợp thường diễn tiến nặng, bất thường, gây khó khăn trong điều trị như: trẻ cơ địa dư cân béo phì, trẻ nhũ nhi, biểu hiện sốc sốt xuất huyết sớm (ngày 3, 4 của bệnh), tình trạng cô đặc máu nhiều…

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 27 (từ 30-6 đến 6-7) toàn TP ghi nhận 838 ca sốt xuất huyết, tăng 43 ca so với tuần trước. Tích lũy 27 tuần đầu năm, TP.HCM mới đã có 14.370 ca sốt xuất huyết được ghi nhận, tăng 153,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Cũng trong thời gian này, toàn TP.HCM mới ghi nhận tổng cộng sáu ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó khu vực TP.HCM cũ ghi nhận ba ca, Bình Dương hai ca và Bà Rịa - Vũng Tàu một ca.

Dữ liệu giám sát cho thấy TP.HCM đang bước vào cao điểm mùa mưa với các điều kiện môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Số ca mắc hằng tuần có xu hướng tăng nhanh và lan rộng địa bàn.

HCDC nhận định nếu công tác kiểm soát ổ dịch và diệt lăng quăng không được duy trì thường xuyên, nguy cơ hình thành các chuỗi lây nhiễm thứ phát là rất cao, từ đó có thể gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt tại các bệnh viện nhi và tuyến cơ sở.

So sánh với giai đoạn 2019-2022, các đợt dịch lớn đều bùng phát từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8, đây cũng là khoảng thời gian TP.HCM cần đặc biệt cảnh giác. Với xu hướng gia tăng ca bệnh trong mùa mưa, TP tiếp tục xác định chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý triệt để là giải pháp then chốt để kiềm chế dịch sốt xuất huyết.

Ca mắc tăng, dịch tễ thay đổi

Mặc dù Bộ Y tế cho rằng tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng với điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển như hiện nay, nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh tại các địa phương thời gian tới rất lớn.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ 4 đến 11-7) toàn TP ghi nhận thêm 34 ca mắc sốt xuất huyết tại 16 xã, phường, tăng 13 ca so với tuần trước đó (tuần trước đó mới là 21 ca).

Từ đầu năm đến nay Hà Nội đã ghi nhận tổng số 365 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có ca tử vong; đã ghi nhận bảy ổ dịch, hiện còn bốn ổ dịch đang hoạt động.

Đại diện CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua có xu hướng tăng khi ghi nhận thêm các ổ dịch mới. Kết quả giám sát các ổ dịch cho thấy chỉ số côn trùng (bọ gậy, lăng quăng sinh ra muỗi truyền bệnh) ở ngưỡng nguy cơ cao. Dự báo số mắc có thể gia tăng do bắt đầu bước vào các tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết hằng năm.

Ông Võ Hải Sơn - phó cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế - cho biết số ca mắc sốt xuất huyết đã ghi nhận tăng cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt khu vực phía Nam chiếm hơn 70% tổng số ca mắc. Ở phía Bắc, các ca mắc rải rác được ghi nhận tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Các tuýp vi rút sốt xuất huyết lưu hành chủ yếu vẫn là D1, D2 và chiếm hơn 90% các trường hợp.

"Điều đáng chú ý là chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch đang có xu hướng rút ngắn từ khoảng năm năm (trước đây) xuống còn khoảng từ ba đến bốn năm. Gần nhất là đợt dịch năm 2022 với số ca mắc lên tới hơn 370.000 người.

Vì vậy nếu các địa phương không triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời thì nguy cơ bùng phát dịch trong năm 2025 hoàn toàn có thể xảy ra. Các địa phương có số ca mắc cao cần chủ động kiểm soát ổ dịch sớm, không để dịch lan rộng và kéo dài", ông Sơn cho hay.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hưng - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cũng cho hay công tác giám sát phát hiện các ca bệnh nghi sốt xuất huyết, giám sát côn trùng truyền bệnh để đánh giá, dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết là yếu tố rất quan trọng.

Trên cơ sở đó các đơn vị y tế mới triển khai kịp thời các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát trên địa bàn mình phụ trách.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn