Hy vọng mới từ những dòng kênh - Nhà ven kênh chờ 'thay áo mới', Kỳ 6

Không còn là viễn cảnh xa vời, những dòng kênh từng bị lấp kín bởi rác thải và nước đen đặc đang dần được cải tạo, hồi sinh. Từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến kênh Hàng Bàng, sự thay đổi đã chứng minh: nếu quyết liệt và đồng lòng, TP.HCM hoàn toàn có thể "thay áo mới" cho hàng chục ngàn căn nhà ven kênh, như đã từng làm được.
Từng là con kênh ô nhiễm, bị bồi lấp, rác thải dày đặc, thế nhưng kênh Hàng Bàng đi qua địa bàn quận 5 và quận 6, nay đã mang một diện mạo mới. Những đoạn được cải tạo sạch sẽ, hai bên kênh dần xuất hiện mảng xanh và hạ tầng chỉnh trang.
Trước đó, kênh Hàng Bàng dài 1,7 km, nối từ kênh Tân Hóa – Lò Gốm (thuộc quận 6) đến kênh Tàu Hủ (thuộc quận 5), từng là huyết mạch giao thương sầm uất, sau bị lấp và ô nhiễm nhiều năm.
Dự án cải tạo hiện vẫn đang được triển khai các đoạn tiếp theo, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026. Đây là một trong số ít dự án cải tạo kênh được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, với sự điều phối từ Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và các quận liên quan, tạo tiền lệ tích cực cho các dự án tương tự.
Trước đó, từ năm 1993, TP.HCM khởi động kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch, tuyến đầu tiên là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Từng là dòng kênh ô nhiễm nhất thành phố với những nhà ổ chuột, rác thải thì giờ đây kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được "thay da đổi thịt".
Từ thành công của những dòng kênh đã được cải tạo như Nhiêu Lộc – Thị Nghè hay Hàng Bàng, TP.HCM đang đứng trước cơ hội tạo nên một bước ngoặt lớn trong hành trình chỉnh trang đô thị, mở ra hy vọng cho những kênh rạch ô nhiễm khác sớm được cải tạo, hồi sinh
MỜI XEM LẠI KỲ 5: Thách thức bài toán trăm ngàn tỉ
TP.HCM hiện có gần 40.000 căn nhà ven sông, kênh rạch chưa được di dời. Trong đó, nhiều nhất là ở quận 8, 7, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức… Những con số này gắn liền với 398 dự án quy mô lớn – một "bản quy hoạch chỉnh trang" chưa từng có trong lịch sử thành phố. Nhưng để di dời hết con số này từ nay đến năm 2030, ngân sách thành phố dự kiến phải chi hơn 221.000 tỉ đồng. Một con số khổng lồ, với những thách thức không nhỏ.
Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, cái khó khăn trước mắt thì đầu tiên là vấn đề về ngân sách, kinh phí để cho việc đền bù, giải tỏa cũng như chỉnh trang khu vực. Từ ngân sách đó mới tới chính sách xử lý, đền bù giải tỏa cho người dân và đi kèm với nó những biện pháp kèm theo ví dụ như quy hoạch, kế hoạch tài chính, chương trình phát triển.
Bên cạnh vấn đề tài chính, đền bù giải tỏa thì việc quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư cũng là một thách thức lớn. Để làm thế nào đảm bảo chất lượng sống cho người dân sau khi di dời. Cùng với đó là làm thế nào để tạo ra những khu tái định cư văn minh, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về hạ tầng, dịch vụ.