Nhảy đến nội dung
 

Họp báo đại lễ Vesak 2025: 50 xe điện Vinfast VF9 chuyên chở đại biểu

Trong khuôn khổ đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, Vingroup hỗ trợ 50 xe điện VinFast VF9 để chuyên chở các khách mời tham dự đại lễ.

Ngày 2.5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam trước thềm đại lễ.

Tham dự họp báo có thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; thượng tọa Thích Tâm Hải, Phó trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; ông Đặng Huy Cường, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Dân tộc - Tôn giáo TP.HCM; ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM…

Xá lợi Đức Phật đến TP.HCM

Tại họp báo, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông tin, ngay trong sáng nay 2.5, sự kiện đầu tiên mở đầu cho chuỗi hoạt động trước, trong và sau Đại lễ Vesak đã diễn ra.

Lúc 8 giờ sáng, máy bay chở xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ Ấn Độ đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất và được tháp tùng về tôn trí tại chùa Thanh Tâm (xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM). Xá lợi Đức Phật là bảo vật quốc gia của Ấn Độ, được tôn trí tại Bảo tàng quốc gia New Delhi. Theo quy định ngoại giao của Ấn Độ, xá lợi Đức Phật xuất ngoại tương đương với chuyến công du của nguyên thủ quốc gia.

Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đại lão hòa thượng Thích Trí Quảng cùng trưởng lão hòa thượng Thích Thiện Nhơn, chư tôn đức và lãnh đạo chính phủ hai nước đã cung nghinh xá lợi trong tiếng niệm Phật vang vọng đầy kính lễ, thể hiện nghi lễ ngoại giao cấp quốc gia và sự trang trọng khi đón tiếp một biểu tượng tâm linh đặc biệt.

“Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 có đông đảo khách mời tham dự từ quốc tế đến trong nước, việc này thể hiện vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam. Đồng thời cho thấy sức lan tỏa của đại lễ Vesak 2025, đúng vào thời điểm cả nước kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất”, thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.

Ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Dân tộc - Tôn giáo TP.HCM cho biết, thành phố và các đơn vị liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài, từ công tác hậu cần, hạ tầng cho đến phối hợp tổ chức. Khu vực tổ chức chính tại xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh là không gian quan trọng, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị nhằm phục vụ đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.

TP.HCM cũng lên phương án điều phối giao thông, tổ chức các bãi xe lớn xung quanh khu vực diễn ra đại lễ nhằm đảm bảo trung chuyển hiệu quả cho gần 3.000 đại biểu quốc tế và trong nước.

TP.HCM cũng đang lên kế hoạch tổ chức buổi tiếp đón, chào xã giao các đoàn đại biểu quốc tế vào ngày 5.5 tại Hội trường Thống Nhất (Q.1, TP.HCM). Đây là sự kiện mang tính ngoại giao quan trọng, được Trung ương giao thành phố chủ trì thực hiện.

Ngoài ra, các hoạt động triển lãm, nghệ thuật, giao lưu văn hóa cũng được tổ chức đa dạng. Đặc biệt, H.Bình Chánh đã có nhiều sáng kiến như thiết kế cảnh quan với hoa mai nở nghịch mùa, nhằm tạo không gian đặc trưng cho đại lễ. Thành phố cũng đã vận động người dân hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hiến đất vì sự kiện, thể hiện tinh thần vì lợi ích chung.

Đại diện thành phố nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên đại lễ Vesak được tổ chức tại TP.HCM, đúng dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, nên chúng ta quyết tâm tổ chức thật thành công, an toàn và thể hiện được hình ảnh một Việt Nam yên bình, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế”.

TP.HCM đảm bảo hậu cần, an ninh và giao thông đồng bộ

Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế quan trọng được Liên Hiệp Quốc công nhận, nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn và hòa bình toàn cầu.

Ngày 15.12.1999, trong kỳ họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, mục 174 của chương trình nghị sự chính thức công nhận Vesak hay còn gọi là "Đại lễ Tam hợp" (kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của Đức Phật, thường tương ứng với tháng 5 dương lịch) là Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Hằng năm, sự kiện này được tổ chức trọng thể tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York và tại các văn phòng khu vực của Liên Hiệp Quốc.

Năm 2025 là lần thứ tư Việt Nam tổ chức sự kiện trọng đại này, sau thành công trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (TP.Hà Nội) năm 2008, tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) năm 2014, tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) năm 2019.

Thời gian tổ chức đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 từ ngày 6 - 8.5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM (cơ sở Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh). Chủ đề chính của đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 là "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".

Về công tác hậu cần, ban tổ chức đã bố trí một khu vực riêng biệt rộng hơn 5.000 m² dành cho các đầu bếp thực hiện việc chế biến, nấu nướng các món ăn chay. Một khu nhà ăn rộng 4.680 m² cũng được thiết lập để tổ chức tiệc buffet phục vụ các đại biểu chính thức trong suốt ba ngày diễn ra Đại lễ. Ước tính có khoảng 1.200 người tham gia vào công tác hậu cần ẩm thực để đảm bảo phục vụ chu đáo cho sự kiện.

Gần 200 món chay sẽ được chuẩn bị nhằm phục vụ các đại biểu trong dịp này. Đồng thời, các phật tử và người dân đến tham dự đại lễ Vesak 2025 cũng sẽ được ban tổ chức phát nước uống và cơm miễn phí tại khu vực Học viện Phật giáo Việt Nam, chùa Thanh Tâm và công viên Láng Le.

Về phương án lưu trú và vận chuyển, các đại biểu được bố trí nghỉ tại 15 khách sạn nằm ở khu vực trung tâm TP.HCM. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký hợp đồng với Công ty lữ hành Vietravel để phụ trách toàn bộ khâu lưu trú và vận chuyển cho đại biểu trong suốt thời gian diễn ra Đại lễ.

Đặc biệt, Vingroup đã hỗ trợ 50 xe điện VinFast VF9 để chuyên chở các khách mời đến từ Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế, đại diện các quốc gia, vùng lãnh thổ, các đại sứ cùng các vị tăng vương, tăng thống, pháp chủ, chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới.

Về lực lượng tình nguyện viên, có khoảng 550 sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học tại TP.HCM tham gia hỗ trợ đại lễ. Ngoài ra, còn có 1.000 tăng ni sinh từ Học viện Phật giáo Việt Nam, 1.200 người phục vụ công tác hậu cần, khoảng 4.000 thanh niên - sinh viên tham gia lễ hội hoa đăng, cùng với 6.000 Phật tử từ các chùa trên địa bàn thành phố cùng chung tay đóng góp vào thành công của sự kiện.