Hơn 900 nhà hàng Singapore đóng cửa

Hơn 900 nhà hàng tại Singapore đã phải đóng cửa chỉ trong 5 tháng đầu năm, phản ánh sức ép ngày càng lớn từ chi phí tăng cao và thay đổi thói quen tiêu dùng.
Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ ăn uống tại Singapore tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi chi phí hoạt động tăng, thiếu hụt nhân lực và thói quen người tiêu dùng thay đổi. Tại một trong những khu phố tập trung nhiều quán ăn nhộn nhịp nhất ở Singapore, từ đầu năm đến nay, đã có ít nhất 3 nhà hàng lâu năm tại khu vực này đã phải đóng cửa.
Trang tin Reuters trích dữ liệu của chính phủ Singapore cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, số lượng doanh nghiệp đóng cửa trong ngành thực phẩm và đồ uống trung bình là 307 doanh nghiệp mỗi tháng, tăng so với mức 254 doanh nghiệp mỗi tháng vào năm 2024.
Tờ Straitstimes cho biết, tổng số doanh nghiệp nhà hàng phải đóng cửa tại Singapore trong 5 tháng đầu năm nay là 913 doanh nghiệp.
Nguyên nhân chính được báo chí nêu lên là tiền thuê nhà tăng, chi phí tiện ích gia tăng và tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề.
Trang tin CNA cung cấp một góc nhìn khác, cho rằng việc đóng cửa hàng loạt các quán ăn nhà hàng hiện nay là hệ quả của việc bủng nổ các cơ sở ăn uống trong thời kỳ đại dịch. Khi đó, các doanh nghiệp được chính phủ trợ cấp, giá thuê mặt bằng thấp, trong khi người dân có nhiều thời gian rảnh hơn khi làm việc từ xa.
Hiện nay chi phí đã tăng, tình trạng thiếu hụt lao động và thị trường nhạy cảm về giá khiến các doanh nghiệp phải đánh giá lại khả năng duy trì hoạt động của mình.
Một nguyên nhân nữa là đồng đô la Singapore mạnh lên khiến người dân đi du lịch và chi tiêu ở nước ngoài nhiều hơn và do đó làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Vậy câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp ăn uống Singapore có thể làm gì để tồn tại? Một bài viết khác trên CNA đưa ra một số khuyến nghị: Trước hết là các doanh nghiệp tập trung vào điểm mạnh của mình, không chạy theo xu hướng; Thứ hai là duy trì sự linh hoạt và đổi mới như cập nhật thực đơn và hợp tác với các thương hiệu khác; Thứ ba là không nên lo lắng mà nên học hỏi từ sự cạnh tranh;
Thứ tư xây dựng quan hệ gắn kết với chủ cho thuê mặt bằng. Ví dụ như quán ăn nhà hàng phối hợp nhau để tích hợp cơ sở của mình thành một hệ sinh thái làm gia tăng giá trị của khu phố; Và cuối cùng là xây dựng đội ngũ nhân viên vui vẻ hạnh phúc để từ đó có những khách hàng hạnh phúc.
Báo chí kết luận những thách thức vẫn còn lớn và có thể sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa hơn vào năm 2025. Nhưng bằng cách tập trung vào những gì làm nên sự độc đáo của mình, duy trì khả năng thích ứng và đầu tư vào đội ngũ nhân viên, các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống sẽ tăng đáng kể cơ hội, không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ.