Học Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ở FTU hay NEU?


Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là lĩnh vực chuyên sâu nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong sản xuất kinh doanh.
Ngành này bao gồm chuỗi hoạt động từ lập kế hoạch, thực hiện đến kiểm soát dòng chảy hàng hóa, quản lý nguyên liệu, vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả và tối ưu hóa quy trình.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng và phát triển mạnh mẽ, đây là một trong những ngành học hot và có tiềm năng phát triển lớn.
Việc lựa chọn học chương trình Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng tại Đại học Ngoại thương (FTU) hay Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) là điều khiến nhiều thí sinh phân vân bởi cả hai trường đều là những cái tên hàng đầu trong khối ngành kinh tế tại Việt Nam.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin khách quan, đa chiều, giúp học sinh tự đánh giá và lựa chọn.
Chương trình đào tạo và chất lượng
Tại Đại học Ngoại thương, chương trình Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng (thuộc ngành Kinh doanh quốc tế) được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình từ nhiều trường đại học danh tiếng tại Mỹ, Anh, Australia, Singapore.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ThS Phạm Thanh Hà, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Ngoại thương, cho biết chương trình học tập của trường giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp quốc tế thông qua tích hợp chứng chỉ của Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận quốc tế (FIATA). Các em có thể nhận văn bằng FD có giá trị toàn cầu.
Chương trình kết hợp mạnh mẽ giữa lý thuyết và thực hành. Ngay từ năm nhất, sinh viên được tham gia coaching theo nhóm dưới sự hướng dẫn của một giảng viên (5-6 sinh viên/giảng viên).
Các giảng viên sẽ hướng dẫn các nhóm sinh viên liên tục trong 4 năm học theo lộ trình học tập các học phần chuyên môn, cũng như các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học.
Đội ngũ giảng viên của chương trình đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Nhiều thầy cô đã hoàn thành chương trình sau đại học ở nước ngoài, tham gia các dự án tư vấn cho doanh nghiệp, cũng như nghiên cứu trong các lĩnh vực vận tải, logistics, quản trị chuỗi cung ứng.
Phương pháp giảng dạy được thiết kế theo hướng ứng dụng, với tỷ trọng lớn các bài tập tình huống (case study), mô phỏng (simulation), dự án nhóm và bài tập thực hành.
Chương trình cũng thiết kế một chuỗi gồm 4 học phần nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, góp phần giúp sinh viên thích ứng với yêu cầu số hóa trong ngành.
Theo bà Hà, nhà trường cũng chú trọng đến sự tham gia của chuyên gia từ doanh nghiệp và tổ chức chuyên ngành vào giảng dạy thông qua đồng giảng, chia sẻ, hội thảo, tọa đàm (khoảng 20-30% học phần).
Việc này nhằm tăng cường tính thực tiễn, giúp sinh viên sẵn sàng tham gia thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, sinh viên cũng có cơ hội tham gia trao đổi quốc tế, các chương trình chuyển tiếp sang các đại học nước ngoài.
Năm học 2025-2026, học phí ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng tại FTU dự kiến 49-51 triệu đồng/năm học.
![]() |
Sinh viên Đại học Ngoại thương trong lễ tốt nghiệp đợt 1 năm 2025. Ảnh: FBNT. |
Trong khi đó, theo thông tin do Đại học Kinh tế Quốc dân cung cấp, năm 2025, ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng gồm ba chương trình đào tạo, cụ thể như sau:
Tên chương trình | Mô tả |
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng | Chương trình đào tạo bằng tiếng Việt (giảng dạy, học tập, giáo trình bằng tiếng Việt, có thể tham khảo giáo trình, tài liệu học tập bằng tiếng Anh). Học phí 22-25 triệu đồng/năm học (10 tháng). |
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp chứng chỉ quốc tế (LSIC) | Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh (giảng dạy, học tập, giáo trình bằng tiếng Anh, trừ các môn về lý luận chính trị, Giáo dục thể chất, Quốc phòng An ninh). Học phí 55-60 triệu đồng/năm học (10 tháng). |
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chất lượng cao) | 30-60% các môn học được giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh. Học phí 55 triệu đồng/năm học (10 tháng). |
Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết chương trình đào tạo gồm 130 tín chỉ. Cử nhân ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, khoa học kinh tế và quản trị.
Các em sẽ có có kiến thức chuyên ngành hiện đại, kỹ năng làm việc ở môi trường năng động, chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cao tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước và nước ngoài.
Sinh viên theo học có cơ hội được chuyển tiếp 2+2 hoặc 3+1 sang Đại học Waikato (New Zealand); 3+1 sang Đại học Northampton (Anh) và được giới thiệu sang làm việc và học tập tại Nhật Bản.
Riêng chương trình LSIC, sinh viên được tiếp cận các môn học hiện đại với giáo trình hoàn toàn của nước ngoài theo chương trình đào tạo của Đại học Bremen (Đức), với sự giảng dạy của đội ngũ giảng viên nước ngoài đến từ Mỹ, Anh, Đức và các giảng viên Việt Nam.
Chương trình còn được tích hợp chứng chỉ quốc tế do Mạng lưới tri thức về Vận tải và Logistics Đức và Châu Á (AGKN) chứng nhận.
Chất lượng đầu vào, đầu ra
Điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2 năm gần đây của hai trường như sau:
Chương trình | Năm 2023 | Năm 2024 |
Đại học Ngoại thương | ||
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế) | 26,3 (xét chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp kết quả thi tốt nghiệp) | 28,1 (xét kết quả thi tốt nghiệp) |
Đại học Kinh tế Quốc dân | ||
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng | 27,4 | 27,89 |
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp chứng chỉ quốc tế (LSIC - Tiếng Anh hệ số 2) | 36,4 | 36,42 |
Theo đề án tuyển sinh năm 2025 của Đại học Kinh tế Quốc dân, kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp là 98,08%.
Trong khi đó, theo báo cáo thường niên của Đại học Ngoại thương năm 2024, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đối với ngành Kinh doanh quốc tế là 99,56%.
![]() |
Học sinh tham quan Đại học Kinh tế Quốc dân, tháng 3/2025. Ảnh: NTCC. |
Cơ hội thực tập, việc làm
Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết cử nhân ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có nhiều cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực.
Các em có thể làm việc tại các cơ quan quản lý liên quan tới việc hoạch định chính sách cho hoạt động logistics và chuỗi cung ứng; vị trí tại các nhà máy sản xuất để lập kế hoạch và điều phối hoạt động, hoặc tham gia điều phối tại các tập đoàn bán lẻ.
Cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp vận tải như đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Ngoài ra, còn có thể làm việc tại các đại lý hàng không, đại lý vận tải, cảng biển, ICD (trung tâm phân phối nội địa), cảng hàng không, hoặc các đơn vị chuyên tổ chức, khai thác và quy hoạch kho hàng.
Trong khi đó, theo ThS Phạm Thanh Hà, trong 4 năm học tại FTU, sinh viên được tham gia 3-4 chuyến thực tế tại doanh nghiệp, địa điểm vận hành để quan sát thực tế hoạt động và kết nối với nhà quản lý.
"Ngoài ra, sinh viên còn có ít nhất 5 tuần thực tập giữa khóa và 13 tuần thực tập tốt nghiệp kết hợp làm khóa luận, tạo điều kiện rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, vận dụng kiến thức vào thực tiễn", bà Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng có mạng lưới đối tác, chuyên gia đồng hành với nhiều doanh nghiệp như như U&I Logistics, Viettel Post, Unilever, KMG, Gemadept, Kuehne+Nagel...
Mạng lưới này hỗ trợ sinh viên theo yêu cầu thực tế, thực hành trong quá trình học cũng như tuyển dụng ngay sau khi ra trường.
Ngoài ra, trường còn có mạng lưới cựu sinh viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội nghề nghiệp cho các em.
Chọn trường nào?
Ngoài các yếu tố trên, cả hai trường đều nổi tiếng với môi trường sinh viên năng động, sôi nổi thông qua hàng loạt các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi đa dạng và phong phú.
Về hỗ trợ sinh viên, tổng quỹ học bổng (dự kiến ) năm 2025 của NEU là khoảng 30 tỷ đồng. Trong đó, học bổng khuyến khích học tập khoảng 25 tỷ đồng, còn lại là học bổng từ doanh nghiệp, tổ chức tài trợ, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Trong khi đó, hàng năm, mức học bổng của Đại học Ngoại thương có thể từ 25-50% học phí, cùng với đó là học bổng từ nhà tài trợ.Như vậy, cả FTU và NEU đều là những trường đại học hàng đầu, cung cấp nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc để phát triển trong ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.Để có quyết định, các em cần cân nhắc thêm về sở thích cá nhân và điều kiện gia đình. Nếu muốn học phí thấp, thí sinh có thể chọn chương trình đào tạo bằng tiếng Việt tại NEU. Ngược lại, nếu muốn học chương trình định hướng quốc tế, cả hai trường đều là lựa chọn tốt với mức học phí tương đương. Với mức điểm chuẩn các năm 2023, 2024 và biến động phổ điểm năm nay, thí sinh đạt từ 27,5 điểm tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp THPT có thể mạnh dạn đặt nguyện vọng vào hai trường.Ngoài ra, thí sinh có thể xét tuyển bằng các phương thức khác, sử dụng kết quả kỳ thi riêng (HSA, TSA), chứng chỉ quốc tế như SAT, IELTS, ACT, A-Level...Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệpChiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.