Nhảy đến nội dung

Học 2 buổi/ngày không thu phí: Cơ hội thay đổi, khắc phục bất cập

Việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày không thu phí của người học như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ phải bắt đầu lộ trình thế nào và thay đổi gì so với cách làm hiện thời?

Hiện có hai luồng ý kiến, cảm xúc khác nhau từ việc này. Theo đó, nhiều hiệu trưởng, giáo viên hơi băn khoăn khi hình dung việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không thu phí.

Trong khi đó, một số chuyên gia từng có thời gian làm quản lý giáo dục lại cho rằng đây sẽ là cơ hội để thay đổi, khắc phục những bất cập trong việc triển khai dạy 2 buổi/ngày theo hướng thực chất, hiệu quả khi chuyển từ nguồn kinh phí thu của phụ huynh sang nguồn kinh phí do Nhà nước cấp, kết hợp với các nguồn lực xã hội hóa khác.

Mục tiêu trong nhiều năm qua

Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng dạy 2 buổi/ngày là một trong các mục tiêu ngành giáo dục thực hiện trong nhiều năm qua, trước hết ở cấp tiểu học và hiện đang mở rộng hơn ở trung học. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nâng chất lượng giáo dục. 

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức cho học sinh ở trường cả ngày cũng là điều kiện để làm tốt hơn việc phát triển năng lực, kỹ năng của học sinh qua nhiều hoạt động trải nghiệm, thực hành có thể được tổ chức ngoài thời lượng các môn học đã được bộ quy định trong chương trình giáo dục 2018.

Trên thực tế thời gian qua nhiều trường cũng kết hợp với các đơn vị, tổ chức ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng nằm trong khuôn khổ buổi học thứ hai trong ngày. 

Nhưng khi nguồn kinh phí dạy 2 buổi/ngày thu của phụ huynh nên ở đâu đó cũng tồn tại tình trạng các trường đưa quá nhiều nội dung hợp tác với các đơn vị bên ngoài vào mà chưa tính toán đến hiệu quả và tính thiết thực với học sinh. 

Có những trường chưa làm đúng tinh thần dạy 2 buổi/ngày. Vì thế, cùng với việc điều chỉnh về nguồn kinh phí, việc này cũng phải được xem xét lại một cách toàn diện để khắc phục những điểm bất cập.

Ông Hiển cho rằng "cần phải có một nghị định của Chính phủ là cơ sở pháp lý để các địa phương, bộ, ngành vào cuộc". Theo đó, mỗi địa phương cần có kế hoạch tổng thể cho việc triển khai việc này và thực hiện một loạt các công việc như rà soát điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, lộ trình triển khai tương ứng với tỉ lệ học sinh sẽ học 2 buổi/ngày ở mỗi năm học và có các giải pháp thực hiện. 

Trong các giải pháp, có những nội dung phải đề xuất cấp thẩm quyền phê duyệt, có những giái pháp là trách nhiệm của địa phương, ngành giáo dục cần chủ động. Tinh thần là nơi nào đủ điều kiện mới thực hiện nhưng nếu không có kế hoạch tổng thể và lộ trình thì sẽ khó có thể "đủ điều kiện" để đáp ứng mục tiêu.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, bên cạnh vấn đề tài chính sẽ là các vấn đề khác cũng cần có kế hoạch triển khai đồng bộ. Cụ thể là việc tiếp tục bổ sung trường, lớp để đảm bảo đủ cơ sở vật chất triển khai, đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên để có năng lực trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục của giáo viên.

Cũng chia sẻ về câu chuyện tài chính, một số hiệu trưởng của Hà Nội cho biết hiện kinh phí chi thường xuyên của các trường chỉ còn 19 - 20% vì có trên 80% chi cho lương giáo viên. Nếu không còn nguồn thu từ phụ huynh để dạy 2 buổi/ngày thì cần có điều chỉnh để tăng nguồn chi thường xuyên cho các nhà trường.

"Học sinh đến trường cả ngày"

Ông Nguyễn Xuân Thành, hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, cho rằng nên thay đổi tên gọi dạy 2 buổi/ngày bằng tên "học sinh đến trường cả ngày". Theo đó, người làm giáo dục cũng phải thay đổi tư duy và cách làm. 

Việc học sinh đến trường cả ngày không chỉ là được xếp ngồi trong lớp học để giáo viên dạy mà học sinh ở trường để tự học, để đọc sách, tham gia thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động trải nghiệm, để học nhóm, để tham gia các câu lạc bộ…

Học sinh có thể học và làm việc với giáo viên nhưng cũng có thể tự làm việc cùng nhau hay tự học theo hướng dẫn. Mỗi trường khi đó không nhất thiết phải có đủ giáo viên để đứng ở tất cả các lớp trong tất cả các buổi mà có các giáo viên được giao chuyên trách hoặc kiêm nhiệm giám sát chung hoạt động của học sinh. Các trường có thể tạo nên các không gian cho học sinh tự học, tự đọc cho học sinh.

"Với thay đổi về tư duy trong việc đưa học sinh đến trường cả ngày, sẽ không có khái niệm phân biệt "buổi chính và buổi phụ". Các trường có thể chủ động, linh hoạt theo điều kiện (cơ sở vật chất, giáo viên, đơn vị hợp tác) để thiết kế chương trình nhà trường mà không phải cứng nhắc có đủ phòng, đủ giáo viên đứng mỗi lớp mới triển khai" - ông Thành nêu quan điểm.

Trước khi có ý kiến của Tổng Bí thư về định hướng dạy học 2 buổi/ngày không thu phí của phụ huynh, việc này cũng có dư luận khá ồn ào vào cuối tháng 4-2025 nhân việc Bộ GD-ĐT nêu mục tiêu dạy 2 buổi/ngày như một trong những giải pháp để nâng chất lượng giáo dục với chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Cũng từ việc này, một thực tế được bộc lộ là nhiều nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày khá cứng nhắc. Thậm chí, khi thông tư 29 có hiệu lực siết việc dạy thêm trong nhà trường, nhiều trường tận dụng "buổi hai" có nguồn thu để dạy thêm. 

Bộ GD-ĐT từng cho biết sẽ có hướng dẫn nội dung dạy 2 buổi/ngày vào đầu tháng 5-2025 nhưng hiện thời chưa ban hành như hẹn.

Xã hội hóa không phải là "xin tiền…"

Ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng xã hội hóa giáo dục không phải chỉ là "xin tiền các đơn vị, cá nhân" như nhiều người nghĩ mà cần hiểu rộng hơn.

Các nhà trường phổ thông hoặc ngành giáo dục mỗi địa phương có thể chủ động đặt vấn đề hợp tác với các đơn vị khác nhau. Có thể đó là các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở sản xuất cụ thể nhưng cũng có thể là sự phối hợp giữa các cơ quan chủ quản của các lĩnh vực khác nhau để thực hiện các nội dung, chương trình giáo dục giúp cho học sinh được trải nghiệm, học tập, thực hành. 

Trong các mối quan hệ hợp tác này, các trường có thể đưa học sinh đến các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, di tích văn hóa, lịch sử để học tập, trải nghiệm hoặc có thể mời người của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, tham gia tổ chức hoạt động…

"Có những nội dung nhà trường không thể làm tốt bằng bên ngoài, nhưng trong việc hợp tác nhà trường, thầy cô giáo vẫn phải là người chủ động "ra đề bài" để các đối tác tham gia, làm sao để không đi chệch mục tiêu giáo dục đã đề ra" - ông Hiển nói. 

Việc xã hội hóa đương nhiên phải tính đến cả trách nhiệm và quyền lợi của hai bên: trường học và đơn vị hợp tác. Quyền lợi ở đây không phải chỉ là một nguồn thu được chia sẻ cho cả trường và đơn vị hợp tác (như từng tồn tại trên thực tế khi các hoạt động được thu tiền của người học) mà có thể là được thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Ví dụ doanh nghiệp tham gia hoạt động công ích sẽ được miễn thuế…